Sáng 25-12, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án vụ "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng Việt Nam (VNCB) do có kháng cáo của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 17 đồng phạm.
HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 13 bị cáo, bác kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM; chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo Lê Đài và Trần Hiệp sửa án sơ thẩm đối với 2 bị cáo này; chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
BIDV không phải bồi thường 1.633 tỉ đồng
Toà tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù và buộc ông Danh chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù; bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo là thuộc cấp của ông Danh với mức án từ 3 năm-10 năm tù.
Tòa tuyên phạt ông Trần Hiệp và Lê Đài cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; trước đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 bị cáo này 3 năm tù. Ngoài ra, tòa chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo khác và tuyên phạt các bị cáo này từ 2 năm-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách tương ứng từ 4 năm-5 năm.
Buộc bị cáo Phạm Công Danh bồi thường cho VNCB toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt; bác kháng cáo của ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) liên quan đến số tiền 194 tỉ đồng trả lại cho VNCB. Chấp nhận kháng cáo của BIDV và các chi nhánh của ngân hàng này không phải hoàn trả cho VNCB 1.633 tỉ đồng.
HĐXX nhận thấy kháng cáo của ông Phạm Công Danh cho rằng nguyên nhân dẫn đến làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại cho VNCB là xuất phát từ bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân có trách nhiệm ở Ngân hàng Đại Tín (Trustbank); một số yêu cầu về trách nhiệm dân sự; khoản tiền hơn 3.600 tỉ đồng thanh toán cho bà Phấn; khoản tiền 300 tỉ đồng liên quan đến con gái ông Trần Quý Thanh…
Toà không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Công Danh vì bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân có trách nhiệm tại Trustbank không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng tại VNCB. Về kháng cáo của ông Danh yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác tòa cho rằng không thuộc phạm vi kháng cáo của ông Danh nên không chấp nhận.
Hàng ngàn tỉ đồng được sử dụng như thế nào?
HĐXX giai đoạn 1 đã chứng minh được khoản tiền 500 tỉ đồng (chuyển cho ông Trần Quý Thanh) và 135 tỉ đồng (chuyển cho bà Hứa Thị Phấn) được xác định là 2 khoản vay của 2 công ty. Số tiền này được xác định là vật chứng của vụ án do các bị cáo gây thiệt hại nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự số tiền này.
HĐXX xét thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Danh về việc thu hồi một số khoản tiền ở giai đoạn 1.
Ngoài ra, theo toà, 1.800 tỉ đồng sau khi Sacombank giải ngân cho 6 công ty của bị cáo Danh thì các công ty này đã chuyển vào tài khoản của Danh để Danh sử dụng. Không có căn cứ để khẳng định số tiền này Danh dùng trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh.
Toà công bố rằng trong số 1.600 tỉ đồng TPBank giải ngân cho phía ông Danh thì Danh chuyển tổng cộng 696 tỉ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn; chuyển hàng trăm tỉ đồng vào các công ty để Danh trả nợ, trả lương. Danh khai một phần tiền này dùng trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh nhưng ông Thanh không thừa nhận.
Đối với số tiền 4.700 tỉ đồng mà 12 công ty "sân sau" của ông Danh vay của BIDV thì được các công ty chuyển vào tài khoản do Danh chỉ định sau đó Danh rút ra sử dụng.
Toàn bộ số tiền vay từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV được chuyển vào tài khoản của Danh để Danh sử dụng mục đích riêng, trả nợ, trả lương.
Như vậy, việc Danh kháng cáo cho rằng toàn bộ số tiền ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được Danh cho rằng vật chứng của vụ án không có cơ sở chấp nhận.
Các bị cáo phạm tội với vai trò phụ thuộc, làm theo chỉ đạo nên tòa chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo Lê Đài và Trần Hiệp, cho 2 bị cáo được hưởng án treo.
Về kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM đối với bản án sơ thẩm cho một số bị cáo hưởng án treo là trái quy định của pháp luật, HĐXX nhận định xét hành vi của các bị cáo có vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể. HĐXX nhận định cấp sơ thẩm cho 4 bị cáo được hưởng án treo là phù hợp, không cần tăng nặng hình phạt.
Về kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM về số tiền 4.500 tỉ đồng mà tòa sơ thẩm tuyên tịch thu; kháng nghị cho rằng quyết định thu hồi số tiền này là không có căn cứ.
Việc Sacombank, TPBank và BIDV tiến hành thu hồi nợ 8.166 tỉ đồng là phù hợp. Theo đó số tiền vật chứng cần thu hồi trả cho VNCB là tiền mà Danh đã sử dụng chứ không phải số tiền mà 3 ngân hàng thu hồi. Do đó, HĐXX giữ nguyên nhận định của tòa án cấp sơ thẩm.
Về kháng cáo của VNCB về số tiền 4.500 tỉ đồng, HĐXX nhận thấy đến thời điểm khởi tố vụ án năm 2014 thì 4.500 tỉ đồng này không còn, do vốn chủ sở hữu bị âm hơn 18.000 tỉ đồng. Nên không có cơ sở chấp nhận quan điểm 4.500 tỉ đồng này CB phải có trách nhiệm gánh chịu số tiền này.
Về kháng cáo của BIDV về số tiền 1.633 tỉ đồng khi cho rằng BIDV phải có trách nhiệm trả cho CB số tiền này; đây là số tiền mà 2 công ty sân sau của Danh vay của BIDV. Dòng tiền sau khi BIDV thu hồi nợ là dòng tiền trước khi vụ án khởi tố và không còn tồn tại số tiền này tại BIDV. Việc án sơ thẩm tuyên buộc BIDV trả cho CB là không đúng, sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của BIDV.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng VNCB, nơi mình đang là Chủ tịch HĐQT nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank (1.800 tỉ đồng), TPBank (1.666 tỉ đồng) và BIDV (4.700 tỉ đồng).
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỉ đồng.
Bình luận (0)