Liên quan tới dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) mà Báo Người Lao Động thông tin trong tuyến bài "Rừng chảy máu tại dự án 25.000 tỉ đồng", phóng viên còn phát hiện thêm những bất thường tại "đại dự án đắp chiếu" này.
Làm cứ làm, thủ tục tính sau
Hồ sơ thể hiện ngày 16-4-2014, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ký Quyết định số 737/QĐ-UBND về phê duyệt mức giá, giao quyền sử dụng đất để Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) nộp ngân sách nhà nước khi được chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án KĐT Đại Ninh.
Mức giá được phê duyệt mà Công ty Sài Gòn - Đại Ninh phải nộp để chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 1,66 triệu m2 đất là hơn 266 tỉ đồng.
Dự án khu đô thị Đại Ninh gần như ôm trọn hồ Đại Ninh của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Năm 2018, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chỉ hơn 158,2 tỉ đồng. Đến ngày 6-12-2018, ông Yên ký ban hành Quyết định số 2518/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 737 nên Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với nhà nước.
"Hồi sinh" sau khi Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1081/TB-TTCP, ngày 8-7-2021, dự án KĐT Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng (đến tháng 1-2024 - PV). Đến nay, các sở, ngành và cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục thẩm định tiền sử dụng đất tại dự án. Do vậy, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính ngoài khoản tiền tạm nộp 100 tỉ đồng vào năm 2021.
Thế nhưng, trong Văn bản số 2785/STNMT-QLDĐ cuối tháng 10-2022 gửi Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị doanh nghiệp này đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mà không phải chờ khi có giá đất chuyển mục đích sử dụng đất và nộp xong tiền sử dụng đất mới triển khai đầu tư các hạng mục của dự án.
"Việc xác định giá giao quyền sử dụng đất sẽ thực hiện đồng thời với thủ tục triển khai đầu tư xây dựng dự án" - văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.
Vậy, đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng liệu có phù hợp? Phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ ông Huỳnh Ngọc Hải qua số điện thoại được công khai trong danh sách người phát ngôn của tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu thêm về đề nghị này. Trong đó, phóng viên đặt câu hỏi đề nghị nêu trên đã được Công ty Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện hay chưa, đâu là cơ sở pháp lý để ban hành đề nghị trên… Ông Hải đề nghị phóng viên nhắn tin. Tuy nhiên, khi phóng viên nhắn tin thì không nhận được phản hồi.
Đến nay, dự án 25.000 tỉ đồng này vẫn chưa xác định được giá chuyển mục đích sử dụng đất
Bỏ qua nguyên tắc bắt buộc
Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partners (S&P, Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết theo pháp lý về bất động sản, có một số trường hợp dự án đã có giao đất rồi nhưng khi xác định giá chuyển mục đích sử dụng thì gặp vướng mắc, chưa được phê duyệt giá. Một số chủ đầu tư đưa ra phương án tạm nộp để được cấp giấy phép xây dựng và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính khi giá được phê duyệt. Nhưng về mặt nguyên tắc, nếu chưa đóng tiền sử dụng đất thì chủ đầu tư chưa được cấp phép xây dựng, thi công các công trình trên đất.
"Mỗi cơ quan có một thẩm quyền chức năng riêng. Nếu chủ đầu tư thực hiện theo văn bản này thì sẽ liên quan đến các cơ quan khác như vấn đề giấy phép xây dựng - Sở Xây dựng, về nộp tiền thì liên quan đến Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh" - luật sư Cường cho biết.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, đầu tiên về khoản tiền tạm nộp, số tiền này chỉ mang tính chất "thiện chí" của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể đóng hay không đóng. Việc đóng này không có giá trị pháp lý trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính hay xác định giá đất.
Còn triển khai dự án, về nguyên tắc bắt buộc phải đầy đủ các yếu tố mà quan trọng nhất là nộp tiền sử dụng đất. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng mới đầy đủ pháp lý.
"Việc triển khai dự án thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Cấp giấy phép dự án thì thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư sau khi tham khảo ý kiến các sở, ban ngành khác... Như vậy, tôi nghĩ rằng đề nghị trên là không hợp lý. Nếu chưa hoàn thiện pháp lý thì phải giữ nguyên hiện trạng đất" - ông Quang nói.
Một chuyên gia bất động sản đồng tình bước chuẩn pháp lý phải có trước. Tất cả phải thực hiện đầy đủ theo pháp luật từ vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, triển khai dự án cho đến mở bán sản phẩm. "Việc triển khai đồng thời này có thể hiểu là động tác "cầm đèn chạy trước ôtô". Khi có rủi ro xảy ra, bên nào làm sai thì bên đó phải chịu trách nhiệm" - chuyên gia này phân tích.
Nhiều cán bộ bị "gọi tên"
Một dự án khác, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và bảo vệ rừng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng diễn ra tình trạng mất rừng trầm trọng.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng (đơn vị thực hiện dự án) làm mất 36,6 ha rừng với trữ lượng gỗ 6.200 m3; diện tích rừng bị giảm trữ lượng gỗ là 10,5 ha có trữ lượng hơn 1.900 m3 tại dự án này.
Để xảy ra sai phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh xác định trách nhiệm đầu tiên thuộc Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng. Về quản lý nhà nước, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND 2 xã Đạ Sar và Đạ Nhim cùng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về Phòng NN-PTNT cùng chủ tịch UBND huyện Lạc Dương các thời kỳ liên quan. Tiếp theo là trách nhiệm thuộc Sở NN-PTNT các thời kỳ liên quan.
Do đó, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương, Sở NN-PTNT tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền quản lý cán bộ.
Bình luận (0)