Bà T., ông V., ông C., ông M. là chị em cùng mẹ khác cha. Về già, ông C. và ông M. không nơi nương tựa, bà T. là người chăm sóc 2 em. Ông V. và con cháu trong gia đình thống nhất để bà T. nhận quyền giám hộ 2 em mình. Mọi chuyện phát sinh khi ông C. trở bệnh nặng.
Tranh quyền giám hộ
Trong gia đình, từ lâu, ông C. và ông M. đã mất năng lực hành vi dân sự. Hàng xóm gọi ông C. là “con sâu rượu”, nhiều hôm ông say nằm bất tỉnh trước cửa nhà người khác, mọi người phải đưa về. Có lẽ vì rượu mà bệnh tật đeo bám khiến ông C. ra vào bệnh viện như ăn cơm bữa. Hàng xóm ngán ngẩm, gia đình hết cách. Không khá hơn, ông M. cũng bệnh tật triền miên, mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Hầu hết các thành viên trong gia đình đều định cư ở nước ngoài, chỉ có bà T. thường xuyên đi về, qua lại chăm lo cho các em.
Cách đây không lâu, ông C. hấp hối. Lúc đó, bà T. không ở bên cạnh em. Không được quan tâm, cấp cứu kịp thời nên ông C. lìa đời. Ông V. nghĩ chị mình có lỗi trong cái chết của ông C. vì không có mặt trong lúc em cần nhất. Vì vậy, ông V. thay đổi quyết định, không chấp nhận bà T. là người giám hộ anh mình (ông M.) nữa. Cùng lúc đó, gia đình xích mích vì tranh chấp tài sản thừa kế. Hai chuyện cộng dồn như mồi lửa châm vào mối quan hệ đang tốt đẹp của chị em bà T. Ông V. dù định cư ở nước ngoài nhưng vẫn làm đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp, tìm giúp người giám hộ anh trai ở quê nhà. UBND phường nơi ông M. cư trú ra văn bản tước quyền giám hộ của bà T., ủy thác hội người cao tuổi tại địa phương trông nom ông M.
Cho rằng chính quyền địa phương quyết định sai quy trình, thủ tục pháp luật, bà T. đệ đơn khởi kiện hành chính về việc cử người giám hộ. Tòa cấp sơ thẩm bác quyết định của UBND phường, xử bà T. thắng kiện. Chính quyền địa phương và ông V. làm đơn kháng cáo.
Một giọt máu đào…
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông V. cho rằng bản án sơ thẩm nhận định bà T. đủ điều kiện giám hộ là chưa thấu tình đạt lý. Hiện bà T. thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Mỹ chứ không ở cố định một nơi. Luật sư băn khoăn: “Liệu bà T. có đủ thời gian để quan tâm, lo lắng cho em mình hay không? Bà T. là công dân Mỹ, nhận trợ cấp của chính phủ nước này nên về lâu dài liệu có bảo đảm điều kiện kinh tế để lo cho em trai mình? Hơn nữa, việc bà rời bỏ em trai trong lúc ông này đứng giữa bờ vực của sự sống và cái chết chính là minh chứng của sự vô tâm”.
Ngoài ra, đại diện theo ủy quyền của ông V. bày tỏ mong muốn tòa xem xét động cơ thật sự của bà T. Bản thân ông V. hồ nghi chị gái nhận nuôi anh trai không thực sự vì tình thương mà còn có động cơ khác.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà T. phản bác với lập luận từ năm 2010, bà T. đứng ra chăm sóc và được gia đình đồng ý là người giám hộ ông M. Bà T. là chị cả, lại là người tu hành, đã và đang làm tròn trách nhiệm. Cho đến nay, bà tuyệt đối không yêu cầu bất kỳ tổ chức nào hỗ trợ tài chính trong việc chăm sóc em. Hầu hết con cháu trong gia đình đều nhận thấy bà là người có đủ điều kiện giám hộ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã, cán bộ phường dù có tận tâm cũng không bằng bà T. - người gắn bó, luôn bên ông M. trong hơn 60 năm qua” - luật sư nói.
Đứng trước HĐXX, người cháu đi chung với bà T. đưa ra lời bảo đảm: “Sư cô tôi đã và đang làm tròn bổn phận, trách nhiệm của chị gái đối với các em. Bằng chứng là sức khỏe của ông M. hiện rất tốt. Vì tình chị em, sư cô tôi trông nom ông M. hoàn toàn tự nguyện, không vì mục đích tiền bạc như lời đồn đại”.
Giờ nghị án, khi được hỏi, các bên đều né nhắc đến chuyện tranh chấp tài sản thừa kế, chỉ có người đại diện cho ông V. cười trừ và nói: “Chỉ vì tiền!”.
Bản án phúc thẩm là lời phân giải minh bạch, khách quan đối với UBND phường, ông V. và bà T. Chuyện tranh chấp tài sản có thể giải quyết trong một vụ kiện khác, nếu cần. Dù vậy, việc 2 chị em kéo nhau ra tòa vì quyền, trách nhiệm chăm sóc người thân là câu chuyện mãi mãi không có bản án thấu tình.
UBND phường thua kiện
Nhận định UBND phường nơi ông M. sinh sống không làm đúng trình tự, quy định trong việc ra quyết định cử người giám hộ, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với vụ kiện hành chính về việc cử người giám hộ. Bà T. vẫn là người giữ quyền, trách nhiệm chăm lo ông M. từ nay cho đến cuối đời.
Bình luận (0)