Ngày 27-11, TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An đưa vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thành Hiếu (SN 1987; ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). VKSND huyện Bến Lức đã đề nghị xử phạt bị cáo từ 10-11 năm tù.
Chủ xe không biết bị cáo chở quá tải (?)
Theo cáo trạng, trưa 2-1, sau khi có uống rượu đến khoảng 14 giờ 30 phút, Hiếu lái xe container của công ty tư nhân ở xã Thạnh Đức (huyện Bến Lức) từ Long An đến cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) để giao hàng. Lúc 15 giờ 30 phút, khi chạy đến khu vực ngã tư Bình Nhựt (huyện Bến Lức), chiếc xe container của Hiếu tông thẳng vào hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến 4 người chết, 25 người bị thương, hư hỏng 21 xe máy các loại, tổng giá trị thiệt hại tài sản được xác định trên 200 triệu đồng. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Hiếu là 59 mg/100 ml máu. Trong máu của Hiếu cũng dương tính chất morphine.
Bị cáo Phạm Thành Hiếu tại tòa
Tại tòa, bị cáo thừa nhận uống với 5 người bạn khoảng 1,5 lít rượu nhưng không thừa nhận có sử dụng ma túy. Bị cáo cho biết chở 1 container bị cáo được trả công 400.000 đồng nhưng "do bị cáo tham nên chở 2 container lớn để lấy tiền công gấp đôi". Tải trọng cho phép tối đa gồm 1 container lớn và 1 container nhỏ (tổng cộng 32 tấn) nhưng bị cáo chở đến 46 tấn. Khi tai nạn xảy ra, bị cáo không biết vì sao đánh lái sang phải để gây tai nạn thảm khốc. "Lúc đó do rượu thấm nên bị cáo không còn kiểm soát được" - Hiếu khai. Trong khi đó, chủ xe nói không biết Hiếu chở quá tải trọng cũng như không biết Hiếu sử dụng bia rượu và ma túy. Về việc bồi thường cho các nạn nhân bị thương và gia đình nạn nhân tử vong, chủ xe cho biết đã bồi thường với tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng, hiện không còn khả năng bồi thường thêm.
Đề nghị mức án nghiêm khắc
Trình bày tại tòa, người nhà nạn nhân Đinh Quốc Duy bức xúc: "Con tôi bị thương tật đến 98%, hiện vẫn còn điều trị, kinh phí tính đến nay đã hàng trăm triệu đồng. Chủ xe đã bồi thường cho con tôi khoảng 340 triệu đồng. Nay tôi đề nghị hội đồng xét xử buộc chủ xe và bị cáo bồi thường cho con tôi 10 tỉ đồng bao gồm các khoản tiền trong 20 năm như tiền công lao động, tiền tổn thất tinh thần, tiền mướn người nuôi bệnh...".
Về mức án 10-11 năm tù mà VKSND huyện Bến Lức đề nghị, cha của nạn nhân đã tử vong Mai Huỳnh Đức phản ứng: "Chỉ vì sự cẩu thả, vô trách nhiệm của bị cáo mà gây ra mất mát, đau đớn cho nhiều gia đình và nạn nhân. Tôi đề nghị tòa phải tuyên mức án cao nhất và mức án này không dưới 15 năm, thậm chí phải cao hơn 15 năm mới xứng với hành vi phạm tội của bị cáo".
Được nói lời sau cùng, bị cáo Hiếu nói: "Bị cáo là lao động chính nuôi vợ và 2 con nhỏ (4 và 7 tuổi), mong hội đồng xét xử chiếu cố. Từ ngày gây tai nạn và bị tạm giam, bị cáo cũng không rõ gia đình bị cáo cũng như gia đình các nạn nhân ra sao. Bị cáo thành thật xin lỗi nạn nhân và gia đình họ".
Hôm nay, 28-11, tòa sẽ tuyên án.
Có thể khởi kiện dân sự
Theo một trung tá CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, khi nhận tài xế vào làm việc, chủ xe có trách nhiệm kiểm tra giấy phép lái xe và sức khỏe. Ngoài ra, tùy theo điều kiện hợp đồng ký kết giữa chủ xe và tài xế có điều khoản quy định khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm các bên ra sao mới có hướng xử lý trách nhiệm bồi thường dân sự. Nếu trong hợp đồng không có điều khoản này, trách nhiệm điều khiển phương tiện trên đường cũng như bồi thường khi gây ra tai nạn thuộc về tài xế.
Luật sư Võ Tuấn Vĩnh Thụy (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) cho rằng về bồi thường dân sự trong vụ án hình sự, nếu hai bên không thống nhất thì sẽ khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Bình luận (0)