Giữa phiên tòa hôm ấy, người vợ trẻ nghẹn ngào khóc không thành tiếng. Chốc chốc chị lại quệt nước mắt rời khỏi phòng xét xử. Năm, 10 phút chị lại trở vào với khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi. Ai cũng nghĩ chị ra ngoài để lấy lại sự bình tĩnh. Nhưng không, chị ra ngoài để canh chừng đám con nhỏ đang đợi gặp cha trước cổng tòa.
"Sao cha mãi không về?"
Hơn nửa năm trời vắng bóng cha, 6 đứa trẻ nheo nhóc ngóng trông từng ngày. Đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay. Chúng cứ hỏi mẹ hết ngày này đến ngày khác: "Sao cha mãi không về?". Người mẹ trẻ gầy còm, nuốt nước mắt vào trong. Rồi đến một ngày chị ậm ờ: "Ngày mai mẹ dắt đến gặp cha".
Phải chờ cha từ mờ sáng, đứa cháu nhỏ mệt lả ngủ ngon trên tay bà
Sáng hôm ấy, mấy mẹ con lóc cóc, dắt díu nhau từ quận 12 (TP HCM) vào trung tâm thành phố. Đến trước cổng tòa, ngập ngừng, người mẹ chỉ cho 2 đứa lớn vào trong, 4 đứa nhỏ vâng lời đứng đợi cha ở ngoài. Chúng nôn nóng, chẳng biết cha mình là tội phạm, đang bị xét xử về tội "Cướp giật tài sản" tại những căn phòng lớn bên trong. Không thể thấy được dáng người cha khắc khổ, đầu cúi rạp, miệng liên tục nhận mình có tội mỗi khi HĐXX truy vấn.
Bị cáo là Tr.Q.V (SN 1981; ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12). Trước đó vào năm 2015, V. từng bị TAND TP HCM xử phạt 3 năm tù về tội "Cướp giật tài sản". Mãn hạn tù, chưa được xóa án tích thì ngày 12-3-2018, V. lại bị bắt tạm giam cũng bởi hành vi trên.
Tương lai mờ mịt
Theo cáo trạng, khoảng 22 giờ 45 phút ngày 11-3-2018, tại trước nhà số 231 Điện Biên Phủ (phường 6, quận 3, TP HCM), V. đã áp sát, cướp giật chiếc điện thoại của nữ du khách người Anh, trị giá 2.750.000 đồng và hôm sau thì bị bắt. Thủ đoạn công khai bất ngờ chiếm đoạt tài sản của người khác mà V. thực hiện đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản.
Nước mắt lưng tròng, bị cáo V. lí nhí: "Vì không còn tiền mua thuốc cho vợ nên bị cáo mới làm liều". Cả phiên tòa đang im lặng bỗng bật lên tiếng khóc rưng rức của 2 đứa con đang tuổi vị thành niên. Chúng không sao kìm được tiếng nấc nghẹn khi cha vừa dứt lời. Bà D.B.Y (60 tuổi, mẹ ruột bị cáo) ôm chầm 2 đứa cháu vào lòng.
37 tuổi, bị cáo có 6 đứa con, 1 mẹ già và một người vợ 34 tuổi. Chín miệng ăn phụ thuộc hết vào đồng lương làm thuê làm mướn bấp bênh của V. Cảnh nhà luôn túng bấn khi 6 đứa trẻ chưa đủ tuổi để bươn chải kiếm sống, trong khi người vợ thì đau ốm triền miên, vốn chỉ ở nhà chăm con. "Nếu cứ mãi do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền chữa bệnh cho vợ rồi đi phạm tội như vậy sao?" - vị chủ tọa phiên tòa nghiêm giọng. Nhưng có vẻ câu hỏi là quá sức với bị cáo, V. cúi gằm mặt không đáp lại.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội "Cướp giật tài sản". V. được đưa ra làm thủ tục chuẩn bị lên xe áp giải về trại giam. Con trai vừa đi khuất, bà Y. liền dìu con dâu ra cổng tòa với đám nhỏ. Vừa thấy bà và mẹ, đám trẻ đã tíu tít hỏi: "Mẹ ơi, cha sắp ra chưa? Con đợi cha lâu lắm rồi". "Mẹ ơi, cha đâu rồi?". "Sao cha lâu ra quá, gặp cha xong con còn phải về đi học". Đám trẻ chỉ mong ngóng được gặp cha cho thỏa những ngày nhung nhớ. Chúng còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau đớn khôn cùng từ một tấm gương mờ của cha mà mẹ chúng chỉ muốn giấu nhẹm mãi mãi.
Tiếng con thơ làm người mẹ nghẹn lòng. Chị không còn đứng vững nổi. Tay ôm tim, người mẹ thở hồng hộc, rồi vội vã lên xe cho đứa con gái 16 tuổi chở vào viện. Theo lời người mẹ chồng, con dâu bà có tiền sử bệnh tim, đang điều trị tại bệnh viện. Cũng bởi bệnh tật mà chị không đủ sức làm lụng, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Hai đứa con lớn là V.Q. (17 tuổi) và V.A. (16 tuổi) phải nghỉ học giữa chừng. Từ ngày cha bị bắt, ngoài việc chăm em, V.A còn phụ đi gom rác với dì, mỗi ngày được trả công 20.000 đồng. Còn đứa anh lớn cũng không khá hơn, hễ ai thuê gì thì làm nấy, chỉ mong phụ được mẹ lo cho các em qua ngày.
Mòn mỏi chờ đợi được gặp cha nhưng đám trẻ dần nản lòng khi trời đã về trưa mà chưa thấy cha ra. Bà Y. quay sang giục V.Q chở các em về nhà cho kịp buổi học đầu giờ chiều. Bà không muốn chúng đợi. Không muốn chúng tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị xe tù áp giải. Bà nuốt nước mắt vào trong, hối thúc chúng nhanh chóng rời khỏi. Phần bà bế đứa cháu nhỏ, theo xe ôm về nhà.
"Thằng V. sửa xe giỏi lắm, từng mở tiệm nhưng không chịu tu chí làm ăn nên cứ mãi luẩn quẩn trong vòng tù tội. Nhưng xót nhất là mấy đứa nhỏ. Nó lại đi tù rồi lấy ai lo cho mấy đứa nhỏ. Rồi đây không biết tụi nhỏ sẽ ra sao. Cuộc đời tụi nó sẽ đi về đâu khi có cha là một tấm gương mờ" - người bà đau xót nhìn đám cháu hoài công đi về giữa trưa nắng.
Bình luận (0)