Cái tết trong mơ của ông Hàn Đức Long
Không gì vui hơn là được trở về căn nhà đơn sơ của mình. Hơn ai hết, ông Hàn Đức Long (57 tuổi, ngụ xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - người từng 4 lần bị tuyên án tử hình về tội giết người, hiếp dâm trẻ em, mới được trả tự do - thấm thía điều ấy sau nhiều năm ngồi tù ước ao được trở về.
Sau 2 tháng ở nhà, sức khoẻ của ông đã tốt lên nhiều, ông tất bật dọn dẹp nhà cửa bên vợ con với nụ cười thường trực.
Với bà Mai, vợ ông, cái Tết này là một sự bù đắp lớn lao. Nó ngoài sức tưởng tượng của bà sau chừng ấy năm vất vả, gánh vác thay chồng gia đình tưởng như tan nát sau khi ông ngồi tù.
11 cái tết trước đã không còn là Tết khi gia đình không có tiền, không khí thì ảm đạm, thịt thà, đào quất còn chẳng có. Mỗi đêm giao thừa đến đều như 1 định mệnh, nhìn cảnh sum vầy của hàng xóm, mấy mẹ con chỉ ngồi im lặng, người khóc, người buồn.
Ông Hàn Đức Long cùng cháu - Ảnh: T.Tâm
Năm nay thì khác rồi, ông Long đã cùng con trai sửa sang lại nhà cửa, quét sơn, chữa chỗ mái hiên dột. Cái tết với ông Long không thể thiếu bánh chưng. Nhà ông đã gói và luộc bánh chưng từ ngày 28 Tết.
Ông tâm sự cảnh gói bánh chưng là điều ông hằng mơ thấy mỗi dịp Tết ở trong tù. Ông có 7 cái Tết trong phòng biệt giam và 4 cái Tết trog phòng giam chung. Tết cũng là dịp ông buồn, thương vợ, thương con và cảm thấy có lỗi với gia đình nhất. “Càng ngày tết, tôi càng nhớ nhà hơn. Năm nay về nhà tôi lại được nấu bánh chưng cùng cả nhà, đó là niềm vui không gì đánh đổi được”- ông Long rưng rưng.
Ông vẫn nhớ ở trong tù, những tù nhân được phát mỗi người một khoanh giò, một cái bánh chưng, gói kẹo vào ngày Tết, nhưng ông thèm bữa cơm sum họp gia đình. “Tôi từng cầu rằng nếu không được minh oan thì cho tôi được bữa cơm Tết cùng vợ, con một lần thì tôi bị xử tử cũng cam lòng”- ông Long nhớ lại.
Nhà có sẵn mấy con gà nuôi, lợn làm giò chả thì họ hàng đã có sẵn. Cái tết này vui nhất với ông là con cái đã lập gia đình, ông đã có cháu bế. Các cháu của ông không còn nỗi tủi hổ là ông bị ngồi tù nữa.
Nói về mong ước trong năm 2017, ông bảo chỉ cần ông trời cho sức khỏe. Có sức khoẻ để chăm lo gia đình. Ông sẽ đi thăm tất cả bà con, họ hàng, làng xóm, cảm ơn những người đã giúp đỡ gia đình ông trong những ngày tăm tối nhất.
Ông cũng mong sớm được xin lỗi công khai và nhận được đền bù để trả nợ, trang trải cuộc sống. Ông sẽ xây lại căn nhà cũ kỹ, dột nát để gia đình sống thoải mái hơn. Ông cũng sẽ chụp, phóng thật lớn bức ảnh cả gia đình, treo thay vào chỗ bức ảnh cưới của con ông mà thợ ảnh phải ghép mặt ông vào đấy.
Con đường sắp tới để đòi công lý hoàn toàn còn dài nhưng ông không còn sợ nữa, vì ông đã được trở về và điều quan trọng nhất là ông luôn có gia đình ở bên.
Ông Nguyễn Thanh Chấn - chỉ mong khoẻ trở lại
Còn ông Nguyễn Thanh Chấn (tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), người bị án oan 10 năm, thì có niềm vui mới là con gái thứ hai của ông, sau nhiều năm sống chui nhủi bên Đài Loan, Tết này cũng đã ở nhà cùng gia đình.
Con gái ông vừa lấy chồng vào ngày 7-1. Đại diện nhà gái đầy đủ, không tì vết - đó là một món quà cưới mà ông tưởng không bao giờ dành được cho con gái nữa.
Những ngày Tết, ông luôn ngồi canh hương, thắp nhang cho bố ông - một liệt sĩ. Ông chia sẻ nhiều lần, nếu không có bố làm liệt sĩ, chắc ông đã bị xử tử, không còn cơ hội để minh oan nữa.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ hai từ phải sang) uống rượu cùng hàng xóm, láng giềng
Ông đã có 2 cái Tết tự do, hít bầu không khí quê nhà khiến ông phần nào bù đắp được những tháng ngày oan ức. Ông không đi dự xử những người gây án oan cho mình trong thời điểm trước tết, phần vì bị ốm đau, phần vì muốn quên đi những câu chuyện cũ.
“Tôi mong pháp luật sẽ trừng trị đúng người, đúng tội. Họ gây ra nỗi oan ức cho tôi thì đã có pháp luật trừng trị”- ông nói.
Năm nay, căn nhà của ông đã khang trang hơn rất nhiều nên cái Tết tươm tất hơn. Chỉ tiếc là sức khoẻ của ông chưa ổn lắm vì năm 2016 ông bị lao, liên tục phải vào Bệnh viện Lao - phổi Bắc Giang.
Nguyện vọng năm mới của ông là chữa xong bệnh lao, mạnh khoẻ trở lại để đỡ đần vợ con, ổn định cuộc sống để có thời gian chăm lo tốt hơn cho con, cho cháu như xưa.
Bình luận (0)