Một ngày sau khi được VKSND tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do, gia đình ông Hàn Đức Long (57 tuổi; ngụ xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) - người 4 lần bị tuyên án tử hình về tội giết người, hiếp dâm trẻ em - ngậm ngùi trong niềm vui đoàn tụ.
Rửa oan, xin lỗi công khai
Trong bữa trưa liên hoan do họ hàng tổ chức, ông Hàn Đức Long bưng bát cơm, ánh mắt xa xăm không kìm nổi xúc động. Thỉnh thoảng, ông nhìn mọi người, đáp lại những lời thăm hỏi, động viên. Để được trở về ngôi nhà của mình, cái giá cho tự do đối với ông và gia đình dường như quá đắt. Bị giam giữ lâu ngày nên hiện sức khỏe của ông rất kém, huyết áp cao, đi lại khó khăn, đau cột sống và các khớp xương.
Ông kể khi nghe tin được trả tự do, ông quá bất ngờ, đứng ngây người ra, không tin nổi. “Tôi nghĩ tới gia đình, bố mẹ và vợ con. Tôi chỉ muốn được về nhà càng nhanh càng tốt” - ông nhớ lại.
Còn tại nhà, sau bữa cơm tối ngày 20-12, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) ngồi ru cháu ngủ. Thấy có người gọi cổng liên tục, bà chạy ra xem, không tin nổi vào mắt mình khi thấy chồng đang đứng trước mặt. Sau vài phút lấy lại bình tĩnh, bà chỉ biết ôm ông khóc. Mừng mừng tủi tủi, suốt đêm cả gia đình ông không ngủ vì quá hạnh phúc.
Với bà Mai, không gì quan trọng hơn là được chứng kiến sự trở về của chồng. “Tôi chưa nghĩ gì cả, chỉ cần biết là ông ấy đã ở nhà. Làm sao lo sức khỏe cho ông ấy tốt lên, còn mọi chuyện tính sau” - bà Mai chia sẻ. Rồi bà lại tất tả mang cơm, động viên người chồng tưởng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Hàn Đức Long cho biết trước mắt, ông cần nghỉ ngơi cho khỏe lại, thăm hỏi người thân, gia đình vì quá lâu ông không được gặp mọi người. “Tôi bị bắt, bị kết tội, tuyên án và mang trên mình án oan 11 năm. Tôi không mong gì hơn là được gột rửa tội lỗi mà tôi không mắc phải, cơ quan chức năng xin lỗi công khai và bồi thường cho gia đình tôi. Bao năm qua, vợ con tôi đã quá đau khổ, vất vả, nợ nần vì kêu oan cho tôi. Quá khổ rồi!” - ông Long nói.
Xử lý cán bộ gây oan sai
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư Hà Nội), người bào chữa cho ông Hàn Đức Long trong quá trình điều tra lại, nhận định: Hiện vụ án đã được đình chỉ và ông Long đã được trả tự do, khôi phục các quyền công dân nên bước tiếp theo sẽ tiến hành minh oan, xin lỗi, sau đó đến bồi thường. Riêng về việc yêu cầu bồi thường, luật sư và gia đình sẽ có những bàn bạc, thống nhất và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Tôi đã quan sát một số vụ án trước đây như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén hay cụ Nguyễn Văn Thơm... sẽ phải có những buổi tổ chức xin lỗi thật trang trọng và nghiêm túc, tránh tình trạng đi tù oan trong 11 năm mà xin lỗi trong vài phút. Ngoài ra, những cán bộ có trách nhiệm khiến ông Long ngồi tù oan cũng phải có mặt để trực tiếp xin lỗi” - luật sư Trai khẳng định.
Tại cuộc họp báo tổng kết năm 2016 của Bộ Công an tại Hà Nội vào chiều 21-12, trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng án oan sai và trách nhiệm của ngành công an nhân vụ ông Hàn Đức Long vừa được trả tự do, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định nhiệm vụ của ngành công an là phòng chống tội phạm, vừa phải bảo đảm xử lý đúng người đúng tội, không để lọt tội phạm vừa không được gây oan sai cho người dân vô tội. “Đó là một thách thức thực sự và trong hàng nghìn, hàng vạn vụ án đã được triệt phá thì cũng đã để xảy ra một số vụ oan sai. Tỉ lệ tuy rất nhỏ nhưng tác động xã hội lại rất lớn” - Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết để xảy ra tình trạng oan sai, về phía công an, trước hết là do động cơ, mục đích của cán bộ điều tra có vấn đề tiêu cực, mờ ám. Chính vì động cơ như vậy nên đã bỏ qua các quy định của pháp luật, làm ẩu dẫn đến oan sai. Nguyên nhân quan trọng thứ hai là cán bộ điều tra thiếu hiểu biết pháp luật, năng lực điều tra, phá án kém. Ông Tô Lâm khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là kiên quyết không chấp nhận, không dung thứ cho những trường hợp gây ra oan sai; kiên quyết xử lý những người liên quan và rút ra bài học nghiêm khắc cho toàn lực lượng.
Liên tục kêu oan
Theo hồ sơ vụ án, tối 26-6-2005, người dân xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) phát hiện thi thể cháu Nguyễn Thị Y. (5 tuổi, bị mất tích trước đó). Sau 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ vụ án đồng thời phát động nhân dân tố giác các đối tượng có hành vi sàm sỡ, cưỡng bức phụ nữ trên địa bàn.
Bất ngờ, tháng 10-2005, công an nhận được đơn của hai mẹ con bà Ngô Thị Khuyến tố cáo bị ông Long hiếp dâm. Ông Long bị bắt và thú nhận là thủ phạm hiếp dâm và giết cháu Nguyễn Thị Y. Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, ông bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông liên tục kêu oan. Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với ông Long để điều tra lại.
Bình luận (0)