Muốn kiếm thêm thu nhập, từ năm 2015, vợ chồng bà V.T.Q (ngụ tỉnh Long An) thành lập tổ hùn vốn (hụi). Người tham gia hùn vốn đều là chòm xóm, người quen. Bà N.B.H vốn là hàng xóm có quan hệ thân thiết nhiều năm với gia đình bà Q. Thấy nhiều người thu lợi nhuận cao từ chơi hụi, bà H. hồ hởi đăng ký. Không lâu sau, chủ hụi lẫn hụi viên đưa nhau ra tòa vì rắc rối từ việc đóng hụi.
Nhờ tòa đòi hụi chết
Đầu tiên, vợ chồng bà Q. mở dây hụi 1 triệu đồng/tháng với 28 chân hụi. Trong đó, bà H. đăng ký 2 chân hụi. Bà H. hốt hụi sau vài tháng nên phải đóng hụi chết. Khoảng nửa năm sau, bà H. trốn tránh dù còn đến 16 lần đóng hụi chết. Vợ chồng bà Q. đành tự bỏ tiền cho phần còn thiếu.
Minh họa: COP
Chuyện chưa dừng ở đó. Trong lúc đóng hụi chết ở dây hụi trước, bà H. tiếp tục tham gia 3 chân trong dây hụi mới do bà Q. làm chủ (gồm 26 chân hụi, đóng 1 triệu đồng/tháng). Như lần trước, bà H. hốt hết 3 chân hụi ngay từ đầu, đóng 5 lần hụi chết rồi lại... "xù" 21 lần còn lại. Để giữ uy tín với những hụi viên khác, vợ chồng bà Q. "cắn răng" bù tiền. Đến lúc không thể nhẫn nhịn, bà Q. nhờ tòa án can thiệp.
Phòng xử sơ thẩm chật kín người. Đa số người dự tòa đều là hụi viên trong những dây hụi do bà Q. (nguyên đơn) điều hành.
Trình bày với HĐXX, nguyên đơn tỏ rõ bức xúc khi bà H. (bị đơn) không ngại vi phạm thỏa thuận ban đầu trong giấy hùn vốn (giấy hụi). Hành động thiếu trách nhiệm đó không chỉ khiến gia đình nguyên đơn thiệt hại kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến những người hùn vốn khác.
"Trước khi khởi kiện, vợ chồng tôi cùng hụi viên thống nhất ngưng khui hụi. Gia đình tôi trả lại tất cả hụi viên số tiền hụi bà H. đã hốt nhưng không đóng lại. Suốt gần một năm, tôi nhiều lần yêu cầu bà H. đóng hụi. Bà ấy không những chây ì mà còn thách tôi đi kiện" - nguyên đơn dẫn chứng và đề nghị tòa án buộc bà H. hoàn trả gần 100 triệu đồng tiền đóng hụi chết.
Gần như im lặng suốt phiên tòa, bà H. nói rằng chỉ có khả năng trả góp mỗi tháng 1 triệu đồng và cam kết sẽ cố gắng đến khi trả hết nợ.
Cuối cùng, tòa án quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Theo đó, bị đơn có trách nhiệm trả nguyên đơn gần 100 triệu đồng. Nếu bị đơn không tự nguyện trả tiền, cơ quan thi hành án tiến hành kê biên tài sản nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
Đừng lấy ngắn nuôi dài
Phiên tòa kết thúc với phần thắng nghiêng về phía có đủ lý lẽ, bằng chứng. Đồng tình với phán quyết trên, một hụi viên chia sẻ: "Bà H. chơi lần đầu nhưng ham lời. Bà ấy cứ nghe đồn chơi hụi dễ nên cứ đâm đầu nhận nhiều chân hụi mà không tính toán khả năng kinh tế trong gia đình. Bà H. không có nghề nghiệp ổn định thì làm sao đóng nổi mấy triệu đồng một lần. Mọi người từng khuyên bà ấy góp 1 chân hụi thôi mà bà ấy đâu có nghe".
Cả nguyên đơn lẫn những người chơi hụi đều băn khoăn về kết quả thi hành án bởi bị đơn đang ở nhà thuê, bán vé số dạo; chồng và con bà H. đều đi làm ăn xa, nửa năm nay không thấy họ về thăm nhà.
Riêng bà H. nước mắt ngắn dài sau khi ra khỏi phòng xử án. "Tôi mong tiết kiệm vài đồng giúp thằng con mua miếng đất, ngờ đâu cớ sự lại thành ra vậy. Khi không đủ tiền đóng dây hụi đầu, tôi nghĩ cách hốt trước rồi tháng sau kiếm tiền bù vào. Những tháng sau, tôi không có cách nào kiếm được thêm tiền. Vì thế, tôi lại lấy số tiền đã hốt ra đóng hụi chết. Sau đó, tôi nghĩ chơi tiếp rồi lại hốt sớm để có tiền đóng phần hụi chết. Phần tiền còn lại, tôi đem đi góp vốn làm ăn rồi bị lừa mất trắng. Giờ tôi mới nhận ra không thể lấy ngắn nuôi dài kiểu này vì chỉ khiến lâm cảnh bi đát" - bà H. nức nở.
Tham gia nhiều dây hụi nhưng bà H. giấu gia đình, chồng bà mới biết chuyện khi láng giềng đồn đại và vợ chồng bà Q. tìm đến nhà đòi nợ. Vì xấu hổ, chồng bà H. chuyển lên sống với con trai ở TP HCM. Mới đây, vợ chồng bà đã làm thủ tục ly hôn, con trai bà đang phải gom góp tiền để giúp mẹ trả nợ.
Được nhà nước thừa nhận
Chơi hụi (họ) là một trong những hình thức để huy động vốn nhàn rỗi, tương trợ trong nhân dân được nhà nước thừa nhận, quy định tại điều 471 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Theo đó, việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, trong đó quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ. Cũng theo nghị định, hình thức họ bao gồm họ không có lãi và họ có lãi (gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng).
Như vậy, khi người tham gia chơi họ dù ở hình thức nào nhưng nếu bảo đảm các nghĩa vụ của mình cũng đều được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong trường hợp chủ họ (hoặc người cầm tiền) tuyên bố vỡ họ, người đó phải gánh trách nhiệm pháp lý trước cơ quan nhà nước và đối với những thành viên tham gia họ. Tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ đối với tất cả thành viên tham gia họ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh họ theo tỉ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở họ; phần tài sản bị hụt, không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.
Bình luận (0)