Như vậy, vấn đề pháp lý đặt ra mà nhiều người dân quan tâm đó là, thứ nhất, nếu như khách hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng ký kết với nhà hàng với lý do để hưởng ứng lời kêu gọi, sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước, để đảm bảo sự an toàn cho mọi người thì lúc này họ có được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay không?
Thứ hai, trong trường hợp người dân đã trả tiền cọc cho nhà hàng khi ký kết hợp đồng thì có cơ sở nào để người dân được quyền đòi lại hay không?
Căn cứ vào hợp đồng
Việc đặt bàn tổ chức đám cưới là trường hợp giao kết hợp đồng dân sự có đặt cọc giữa nhà hàng tiệc cưới và khách hàng. Đây là một giao dịch dân sự, được xác lập dựa trên sự thỏa thuận ý chí của các bên và được cụ thể hóa bằng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa nhà hàng và khách hàng.
Một lễ cưới tập thể ở miền Tây (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh NLĐO
Do vậy, mọi vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện, chấm dứt, giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa khách hàng và nhà hàng sẽ được giải quyết căn cứ vào hợp đồng này, cụ thể ở đây là để xét đến việc nhà hàng có phải trả lại tiền cọc cho khách hàng hay không?
Ví dụ: Thời điểm giao kết hợp đồng, thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng, trách nhiệm của các bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, trường hợp bất khả kháng… Trong trường hợp hợp đồng không quy định sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) và các quy định khác có liên quan.
Theo đó, liên quan đến việc miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng (đơn phương chấm dứt hợp đồng), BLDS đã có một số quy định điều chỉnh khi thuộc trường hợp bất khả kháng.
Khoản 1 Điều 156 BLDS quy định sự kiện bất khả kháng được định nghĩa như sau: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Như vậy, xem xét dưới góc độ pháp lý, tôi có một số ý kiến như sau:
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu" và căn cứ vào diễn biến tình hình phòng chống dịch bệnh tại TP HCM trong thời gian vừa qua thì có thể nhìn nhận dịch Covid – 19 này là một sự kiện bất khả kháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Như vậy, khách hàng không thể lường trước được tốc độ lây lan và tình hình nguy hiểm của dịch bệnh. Trong trường hợp này có thể xem dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng quy định của BLDS.
Ngược lại, nếu thời điểm hai bên ký kết hợp đồng, dịch bệnh đã bùng phát, hoàn toàn có thể lường trước được nguy cơ lây nhiễm của các đám tiệc cưới tụ tập đông người, thì lúc bấy giờ không thể xem đây là sự kiện bất khả kháng. Việc khách hàng đơn phương hủy hợp đồng đặt bàn không được nhà hàng xem xét giải quyết là có cơ sở.
Thoả thuận của các bên
Giả thuyết rằng khách hàng và nhà hàng đã ký kết hợp đồng từ trước khi dịch bệnh diễn ra, thì cần phải xét tiếp đến các điều khoản về trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng và xử lý tiền cọc.
Bởi lẽ pháp luật dân sự luôn ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, miễn không vi phạm với điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Trường hợp hai bên thỏa thuận rằng bất khả kháng là điều kiện để một bên đơn phương chấm dứt mà không cần chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ thì khách hàng có thể nhận lại tiền cọc.
Trường hợp hai bên thỏa thuận rằng dù vì bất cứ lý do gì, kể cả sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, một trong hai bên cũng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, thì nhà hàng không có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho khách hàng.
Nếu trong hợp đồng hai bên không có các điều khoản thỏa thuận về nội dung đã đề cập ở trên, trong trường hợp này có thể áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết.
Khoản 2 Điều 351 BLDS quy định: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Điểm d Khoản 1 Mục I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định:
"Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và c mục 1 này, nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì không phạt cọc."
Như vậy, có thể thấy rằng, vấn đề quan trọng được đặt ra đó khách hàng phải có nghĩa vụ chứng minh mình rơi vào sự kiện bất khả kháng để có căn cứ được miễn trừ trách nhiệm.
Thiết nghĩ, đám cưới là một trong những sự kiện quan trọng và đáng nhớ của đời người. Quyết định hoãn tổ chức lễ cưới để chọn thời điểm phù hợp hơn hoặc tổ chức đơn giản, không tụ tập đông người của các cặp đôi là việc làm đáng được hoan nghênh, khuyến khích.
Điều này thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với sức khỏe của chính bản thân, gia đình mình và cho cả cộng đồng. Góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh của Nhà nước, bởi việc tập trung đông người vô hình trung sẽ tìm ẩn nhưng nguy ngơ lây lan dịch bệnh mà chúng ta không thể lường trước được.
Do vậy, tôi cho rằng ngoài việc đánh giá ai đúng, ai sai theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình thì phía nhà hàng cũng cần có sự hợp tác, hỗ trợ người dân, đừng chỉ vin vào những điều khoản hợp đồng để áp đặt, gây bất lợi cho họ. Cơ quan nhà nước cũng cần tích cực hướng dẫn, chỉ đạo để không chỉ người dân mà ngay cả nhà hàng đều tuân thủ chấp hành quyết định để góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Bình luận (0)