Gần đây, TAND TP HCM xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Trong đó, 2 vụ án có số lượng tang vật lớn xuất hiện tình huống bị cáo đột ngột… phát bệnh. Dù không muốn nhưng HĐXX sơ thẩm phải quyết định hoãn phiên xét xử.
Kịch bản cũ
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây mua bán ma túy do bị cáo Trần Kim Yến (SN 1987; ngụ quận 3, TP HCM) cầm đầu, Yến cho rằng mình không đủ sức trả lời câu hỏi của tòa. Trước đây, Yến là bà "trùm" điều khiển đường dây mua bán 26.000 viên thuốc lắc và hơn 8 kg ma túy tổng hợp, giờ bị VKSND TP truy tố 2 tội là "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Đưa hối lộ".
Phiên tòa vừa bắt đầu, "hot girl" một thời liên tục có những biểu hiện bất ổn về sức khỏe. Bị cáo tỏ ra choáng váng, không thể nói chuyện. Phiên tòa tạm dừng khoảng 20 phút, chờ bộ phận y tế kiểm tra, điều trị. Tuy nhiên, tình hình không thay đổi. Hội ý xong, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Đáng nói, từ lúc cảnh sát dẫn giải bị cáo vào tòa đến khi phiên tòa bắt đầu phần thủ tục, Yến không hề có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe.
Bị cáo Trần Kim Yến than không khỏe khi ra tòa
Tương tự, TAND TP HCM buộc phải hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Xuân Dũng (SN 1972) và Trương Minh Thanh (SN 1976; cùng ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Hai bị cáo bị cáo buộc mua bán trái phép hơn 10 kg "hàng trắng" đủ loại. Trong phần thẩm vấn lý lịch, bị cáo Dũng khai báo lung tung về nhân thân và có biểu hiện tâm lý không ổn định. Do đó, luật sư bào chữa đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, đưa bị cáo đi giám định tâm thần. Nhận thấy đề nghị trên có căn cứ nên HĐXX chấp nhận.
Trước đó, Trần Minh Hoài (47 tuổi, ngụ Nghệ An) khi ra tòa về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" cũng liên tục than mệt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Phiên tòa tạm dừng để cán bộ y tế khám bệnh cho bị cáo. Kết quả kiểm tra cho thấy các chỉ số về sức khỏe đều... bình thường. Trước đó, bị cáo từng khai báo mâu thuẫn, lung tung nên HĐXX phải tạm dừng xét xử trong 3 ngày để xác minh tình trạng sức khỏe cũng như lời khai của bị cáo.
Đây chỉ là những phiên tòa điển hình có bị cáo tạo ra "kịch bản" bất ngờ về sức khỏe, năng lực hành vi dân sự với mục đích "hoãn binh", trốn tránh.
Luật nhân văn nhưng luôn có cách
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh (TP HCM), nhận xét dù chiêu thức trên không mới nhưng luôn thành công khi gây không ít khó dễ cho cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư giải thích không chỉ những bị cáo phạm tội liên quan đến ma túy, nhiều bị cáo cảm thấy có thể lãnh án rất nặng nên không ngần ngại bày trò. Dù vậy, pháp luật chưa bao giờ hết cách. Khi bị cáo than không khỏe, cơ quan xét xử có thể hoãn phiên tòa trong thời gian ngắn hoặc hoãn kéo dài, tùy kết quả kiểm tra sức khỏe ngay lúc đó.
Luật sư nhấn mạnh: "HĐXX căn cứ kết quả kiểm tra để đánh giá tình trạng của bị cáo khi quyết định xử tiếp hay hoãn kéo dài. Có rất nhiều phiên tòa bị cáo nằm lăn ra, giả vờ bất tỉnh. Dù vậy, HĐXX vẫn chỉ đạo cán bộ y tế cho bị cáo nằm băng ca tham dự tòa vì kết quả kiểm tra bình thường. Từ đó có thể thấy, các bị cáo lợi dụng tính nhân văn của luật pháp hòng trốn tránh, kéo dài thời gian. Song, luật pháp cũng mạnh tay hơn với những đối tượng có hành vi như trên".
Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Căn phân tích trong trường hợp bị cáo có dấu hiệu mất năng lực hành vi (tâm thần, bấn loạn…), HĐXX sẽ ra quyết định yêu cầu trưng cầu giám định. Nếu kết quả giám định chỉ rõ bị cáo bình thường thì việc bị cáo bày trò được xem là tình tiết tăng nặng khi định đoạt hình phạt.
"Giả sử bị cáo tâm thần thật thì cơ quan chức năng cần xem xét bị cáo bị tâm thần trong thời gian xảy ra vụ án hay sau đó mới phát bệnh, mức độ của bệnh. Nếu bệnh tâm thần xuất hiện sau khi vụ án xảy ra thì bị cáo không thể lấy đó làm cái cớ để tránh tội" - ông Nguyễn Căn lưu ý.
Ngoài ra, người mắc bệnh tâm thần tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; đồng thời, hành vi đó gây ra hậu quả thì mới không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những người phát bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong quá trình điều tra hay xét xử. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Từng là công tác điều tra trong thời gian dài, ông Nguyễn Căn nhận xét tình huống đối tượng phạm tội "diễn sâu" không chỉ xảy ra ở các phiên tòa mà còn cả trong quá trình điều tra.
Bình luận (0)