Trong phòng xử án TAND Cấp cao tại TP HCM, 4 người có khuôn mặt giống nhau như đúc lớn tiếng cãi vã. Không khó để nhận ra họ là anh em ruột đưa nhau ra tòa trong vụ kiện "Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất".
Đối đầu
Theo nội dung khởi kiện, người anh trai cả (ông N.V.T, ngụ tỉnh Bình Phước) đòi bà N.T.P, em gái út, trả lại khoảng 250 m2 đất. Hai người em còn lại dự tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Do trước đó tòa sơ thẩm tuyên bố ông T. thắng kiện nên bà P. kháng cáo toàn bộ bản án.
Trước giờ xử phúc thẩm, ông N.V.T tranh thủ kể từ năm 2000, ông làm giấy cho vợ chồng em trai kế là ông N.V.S mượn miếng đất hơn 500 m2. Hai anh em thỏa thuận trong 3 năm, nếu ông S. trả tiền hoặc tài sản khác có giá trị bằng miếng đất thì ông T. bàn giao giấy tờ sở hữu. Thời gian sử dụng, ông S. chuyển cho ông T. số vàng tương đương giá trị một nửa diện tích đất (khoảng 250 m2) rồi tự ý đổi nhà và miếng đất 500 m2 với vợ chồng bà P. để lấy một lô đất khác (của vợ chồng bà P. chuyển giao).
"Hai đứa âm thầm đổi chác, tôi không kịp can thiệp. Tôi nhiều lần đòi em trả lại tài sản nhưng không được. Đã vậy, chúng nó còn mắng chửi gia đình tôi" - ông T. tức giận nói.
Tiếp lời chồng, vợ ông T. gay gắt: "Phận em mà qua mặt, hỗn hào với anh như vậy thật không có đạo đức…". Gia đình ông T. yêu cầu phía bị đơn trả lại phần đất mà ông S. chưa đổi bằng tài sản khác (khoảng 250 m2).
Đứng gần đó, nghe vợ chồng người anh cả nói chuyện, bà P. lớn tiếng cãi lại, khăng khăng nói vợ chồng ông T. vô lý. Xung đột chuẩn bị nổ ra thì tiếng chuông tòa vang lên báo hiệu HĐXX vào làm việc.
Minh họa: KHỀU
Từ mặt
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu bằng những lời chỉ trích, chửi bới nặng nề. Trả lời HĐXX, bị đơn lập luận bà và anh trai thứ hai (ông S.) đổi toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất nên không lý nào bà có trách nhiệm hoàn trả ông T. 250 m2 đất. "Nói cách khác, diện tích đất gia đình tôi sở hữu có nguồn gốc từ việc trao đổi với anh S., không liên quan đến anh T." - bà P. phân trần.
Một người anh còn lại của bà P. (đến tòa với tư cách người liên quan như ông S.) cũng đồng ý với lời trình bày của bà P. và không ngại lớn tiếng nói anh cả "tráo trở, vô tình". "Nhiều người biết rõ việc ông T. nhận đủ tiền. Giờ giá đất tăng cao nên ông T. lật lọng rồi kiện cáo" - người này nói.
Tương tự, ông S. cũng khẳng định đã giao đủ tiền, vàng có giá trị tương đương 500 m2 đất.
Bốn anh em, kéo theo đó là 4 gia đình chia làm 2 phe, mạt sát, cãi nhau inh ỏi dù đang ở chốn công đường. Đến nỗi, chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu tất cả ra khỏi phòng xử, phiên tòa tạm dừng ít phút .
"Khi nào mọi người bình tĩnh thì HĐXX mời trở vào tiếp tục làm việc. Nếu các vị cứ giữ thái độ như thế thì HĐXX sẽ có biện pháp cứng rắn hơn" - chủ tọa răn đe.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả nguyên đơn khoảng 250 m2 đất hoặc tài sản có giá trị tương đương (nếu hai bên có thể thỏa thuận).
Ra khỏi phòng xử án, gia đình người em gái cay cú, thốt lên những lời chửi bới. Không chịu thua, gia đình người anh cả đáp trả bằng những lời lẽ có phần thiếu văn hóa; đồng thời anh cả cũng tuyên bố từ mặt 3 người em. Theo đó, từ hôm nay, ông T. nhất quyết không mở cổng đón gia đình 3 người em vào nhà thờ ông bà những dịp giỗ chạp hay lễ, Tết nữa. Những người em không ngại đáp lời sẵn sàng gầy dựng một nơi hương khói, thờ phụng khác...
Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo
Bản án phúc thẩm cho rằng bà P. và ông S. không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc ông T. có nhận đủ số tài sản (tiền, vàng) có giá trị tương đương toàn bộ khu đất. Trong khi đó, ông T. chỉ thừa nhận ông nhận một nửa trong số đó. Hồ sơ vụ án không có tài liệu, bằng chứng gì khác liên quan đến giao dịch giao - nhận tiền nói trên. Vì vậy, cơ quan xét xử không căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Bình luận (0)