Ngày 30-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM) và đồng phạm với phần tranh luận gay gắt giữa các luật sư và đại diện VKSND.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trung (bảo vệ quyền lợi VietinBank), việc đại diện VKSND nhận định các luật sư của VietinBank đã bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Huyền Như chứ không phải VietinBank là không chính xác. Luật sư Trung cho rằng đại diện VKSND đề nghị hủy bỏ một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố bị cáo Huyền Như về tội tham ô tài sản và buộc VietinBank phải bồi thường cho các nguyên đơn dân sự gồm: Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự.
“Tôi không đồng ý quan điểm của đại diện VKSND khi cho rằng đối với các hợp đồng tiền gửi và ủy thác đầu tư giả mạo VietinBank Chi nhánh Nhà Bè liên quan đến Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu, VietinBank phải chịu trách nhiệm dù là thỏa thuận ngầm giữa bị cáo Huyền Như và các doanh nghiệp này” - luật sư Trung nói.
Theo luật sư Trung, lập luận như thế chẳng khác nào khuyến khích các nguyên đơn dân sự cứ giao dịch ngầm, thỏa thuận trái pháp luật với Huyền Như để lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, được hoa hồng. Nếu đổ bể đã có VietinBank chịu trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền lợi VietinBank, cho biết theo điều 230 Bộ Luật Tố tụng hình sự, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực do không có kháng cáo, kháng nghị từ bị cáo Huyền Như. Không phải đối tượng của xét xử phúc thẩm mà chỉ có thể là đối tượng của giám đốc thẩm, trừ trường hợp duy nhất là việc xem xét có lợi cho bị cáo. Ở đây, phần tuyên tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho bị cáo Như đã có hiệu lực nên cấp phúc thẩm không có quyền quyết định theo tội danh nặng hơn là “Tham ô tài sản”. Do đó, không thể hủy bản án để điều tra lại theo tội danh nặng hơn.
“Đề nghị này của đại diện VKSND còn vượt quá quyền hạn của kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa” - luật sư Trung nêu.
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho bị cáo Huyền Như) cũng không đồng tình với quan điểm của đại diện VKSND là chuyển tội danh của thân chủ mình sang tham ô tài sản. Theo luật sư Ngoan, như vậy sẽ làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Mặt khác, bị cáo này không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không được giao nhiệm vụ quản lý tài sản tại VietinBank theo quy định của pháp luật.
Dự kiến ngày 7-1-2015, HĐXX sẽ tuyên án.
Nhiều bị cáo đã khóc
Nhóm các bị cáo là thuộc cấp cũng là bị hại của Huyền Như đã khóc trước vành móng ngựa khi nói lời sau cùng. Bị cáo Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (chị của Huyền Như) nói: “Suy cho cùng, bị cáo cũng là nạn nhân của chính em ruột mình. Trước một bản án khá nặng nề mà bị cáo không có luật sư bào chữa cũng là một thiệt thòi to lớn. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không có lợi lộc gì và không biết em mình làm chuyện động trời như vậy”.
Còn bị cáo Trần Tố Quyên mong tòa xem xét hoàn cảnh phạm tội, do lệ thuộc cấp trên và cũng không hưởng bất kỳ khoản tiền nào ngoài lương. Bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân bày tỏ ân hận với những sự việc đã xảy ra, mong tòa xem xét hoàn cảnh phạm tội vì không biết giao dịch bất hợp pháp, đây chỉ là rủi ro nghề nghiệp.
P.Dũng
Bình luận (0)