Ngày 29-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM) và đồng phạm gây thiệt hại gần 4.000 tỉ đồng. Đại diện VKSND đã có phần tranh luận với các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Không thể chối bỏ trách nhiệm
Ý kiến tranh luận của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho 5 nguyên đơn dân sự (Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya) tập trung vào phân tích và đưa ra những chứng cứ chứng minh tiền gửi vào tài khoản của VietinBank là hợp pháp, hợp lệ.
Theo các luật sư, chính Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt 1.085,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện VKSND nhấn mạnh: “Về cơ bản, chúng tôi tiếp thu và đồng tình với quan điểm của 5 doanh nghiệp. Riêng yêu cầu của đại diện Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya buộc VietinBank phải hoàn trả 210 tỉ đồng cùng lãi phát sinh theo quy định của pháp luật, chúng tôi chưa có cơ sở xem xét.
Vấn đề quyền lợi của Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya về số tiền này chỉ được xem xét, giải quyết trên cơ sở điều tra lại, xác định đúng đắn bản chất, hành vi của Huyền Như”.
Đối với quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền Như và bảo vệ quyền lợi cho VietinBank, đại diện VKSND cho rằng sự khác biệt lớn nhất, quan trọng nhất giữa VKS và luật sư nằm ở chỗ VKS cho rằng hành vi, việc làm của Huyền Như diễn ra bên trong VietinBank (giả mạo danh nghĩa, chữ ký của chủ tài khoản, lập lệnh chi giả) cùng với những sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý tài chính, tiền tệ tại VietinBank Chi nhánh TP HCM là nguyên nhân dẫn đến mất tiền.
Theo VKS, Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền thuộc trách nhiệm quản lý của VietinBank là tham ô tài sản.
Trái lại, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho VietinBank khẳng định những việc làm, sai phạm của Huyền Như và 5 doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến mất tiền. Hành vi của Huyền Như là lừa đảo, còn các đơn vị gửi tiền vào VietinBank là bị hại.
Đại diện VKSND không đồng tình với việc các luật sư bảo vệ cho VietinBank đặt vấn đề tại sao hàng ngàn khách hàng gửi tiền nhưng chỉ những khách hàng trong vụ án này bị mất. “Đây là rủi ro mà VietinBank phải gánh chịu chứ không thể chối bỏ. Từ đó, VietinBank cần nâng cao trách nhiệm và năng lực quản trị, khắc phục sơ hở trong cơ chế kinh doanh, hoạt động để phục vụ tốt hơn”.
Bác bỏ yêu cầu của ACB và Navibank
Đại diện VKSND đồng ý khi luật sư của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân) cho rằng 2 ngân hàng này đã chuyển tiền vào VietinBank và được hạch toán sổ sách. Tuy nhiên, theo đại diện VKSND, việc gửi tiền của 2 ngân hàng này vào VietinBank là trái với các quy định pháp luật.
“ACB đã ủy thác đầu tư trái pháp luật, vi phạm quy định về lãi suất trần... Tương tự, Navibank cũng thực hiện hợp đồng cho vay cấp tín dụng giả tạo cho các nhân viên, sau đó để nhân viên gửi tiền vào VietinBank là bất hợp pháp” - đại diện VKSND nêu quan điểm.
Từ đó, đại diện VKSND kết luận: “ACB và Navibank đã cố tình vi phạm, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên không có cơ sở chấp nhận đề nghị của luật sư bảo vệ cho 2 ngân hàng này”.
Bình đẳng trong tranh luận
Đại diện VKSND không đồng tình với việc một số luật sư cho rằng nếu có quan điểm trái chiều với VKS thì bị quy là phiến diện, chủ quan, chụp mũ và trái pháp luật. “VKS và người tham gia tố tụng đều có quyền đưa ra ý kiến của mình trên cơ sở các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa; còn quan điểm của ai được chấp nhận là quyết định của HĐXX” - đại diện VKSND nói.
Bình luận (0)