Ngày 28-5, VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm đã phát biểu quan điểm đối đáp với quan điểm bào chữa, bảo vệ của các luật sư, bị cáo, người liên quan trong vụ án.
Theo VKS, đa số các bị cáo trong vụ án đều là nữ, trong đó, nhiều bị cáo đang nuôi con nhỏ. Do đó VKS đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét các tình tiết giảm nhẹ mà luật sư đưa ra khi quyết định hình phạt.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Trước đó, luật sư Trương Vĩnh Thủy (luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng hơn 1/2 HĐXX đã quyết định khởi tố một số bị cáo trong vụ án lại tham gia xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng. Đại diện VKS viện dẫn quy định của BLHS 2015 cho rằng HĐXX đã làm việc đúng quy định. Cụ thể, HĐXX có quyền khởi tố vụ án và không có điều luật quy định thành viên HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó.
Ngoài ra, ý kiến của một số luật sư cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi một số biên bản lời khai được cho là sinh đôi, trùng lặp. Đại diện VKS thừa nhận có "sai sót chính tả, trùng lặp ngày giờ" nhưng không làm sai lệch, ảnh hưởng kết quả điều tra. Cụ thể, các bị cáo không bị ép cung, hầu hết đều giữ nguyên lời khai tại phiên tòa.
Đại diện VKS cũng bác đề nghị của luật sư bảo vệ Ngân hàng CB (tiền thân là TrustBank, VNCB), yêu cầu Công ty Phương Trang phải trả hơn 9.000 tỉ đồng nợ gốc và lãi phát sinh. VKS cho rằng đủ căn cứ xác định Công ty Phương Trang chỉ vay 3.937 tỉ đồng. Liên quan tới vấn đề này, VKS đề nghị HĐXX cho phép công ty này quyền khởi kiện bà Phấn vì gây thiệt hại trong việc kê biên tài sản suốt nhiều năm qua.
Về tài liệu, đồ vật do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp cho HĐXX trong quá trình xét xử, VKS không chấp nhận đây là chứng cứ của vụ án. Đồng thời, VKS đồng ý với quan điểm của luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Phương Trang) về nguồn chứng cứ.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ trình bày tại phiên tòa.
Cụ thể, VKS cho rằng chiếc USB mà luật sư Thơ cung cấp không được thu thập đúng theo trình tự tố tụng. Như luật sư Thơ nhận chiếc USB từ tháng 4-2017 nhưng đến tháng 5-2018 khi vụ án được xét xử luật sư mới giao nộp. Ngoài ra, VKS cho rằng chiếc USB không có chức năng ghi âm, từ đó đặt vấn đề về nguồn gốc và tính chính xác của file ghi âm chứa bên trong.
Hơn nữa, luật tố tụng quy định, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Phấn, việc công bố tài liệu liên quan phải có yêu cầu của bà này, trong khi luật sư Thơ không phải là người đại diện của bà Phấn.
Liên quan tới vấn đề này, luật sư còn kiến nghị điều tra người tên T.T.C. vì có thể hiện trong file ghi âm. Theo kiến nghị, nhân vật này là công an, lợi dụng quyền hạn để thực hiện hành vi cản trở Ngân hàng Nhà nước thanh tra TrustBank. Tuy nhiên, đại diện VKS phản bác, cho rằng kiến nghị này hoàn toàn không có căn cứ, vượt quá phạm vi bào chữa.
Tranh luận lại quan điểm trên, luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng VKS không khách quan khi không chấp nhận băng ghi âm là chứng cứ mới. Luật sư cho rằng băng ghi âm thể hiện nhiều nội dung quan trọng, đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện.
Cũng tại tòa, luật sư Trương Vĩnh Thủy vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm đã trình bày trong các phiên tòa trước. Đồng thời, luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để làm rõ số liệu Công ty Phương Trang thực nhận tại TrustBank, giám định tài chính từ CB và các công ty thuộc nhóm Phương Trang để làm rõ dòng tiền đi đâu nhằm làm rõ tất cả vấn đề của vụ án.
Theo cáo trạng, đầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp Hứa Thị Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đã mua hơn 254,7 triệu cổ phần của TrustBank (tương đương 2.547 tỉ đồng, chiếm 84,92 % vốn điều lệ).
Đồng thời, bà Phấn còn nắm giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT của ngân hàng này. Bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt, thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Trustbank hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, bà Phấn đã thông qua các nhân viên khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Trustbank (không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch; mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi hạch toán thu chi khống, vi phạm các quy định của pháp luật. Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp là hơn 5.256 tỉ đồng.
Bình luận (0)