Trước đó, một luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng nếu đem số tiền 42 tỉ đồng mà thân chủ của mình nhận hối lộ mà chia cho 30.000 người dân sinh sống ở nước ngoài là số tiền không lớn.
Dẫn lại lời bào chữa của luật sư bào chữa, đại diện VKSND nói "cảm thấy phẫn nộ". VKSND cũng cho rằng quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ trước những nỗi đau khổ, mất mát của đồng bào cũng như những mất mát của nhân loại trên toàn thế giới.
Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà
Theo VKSND, trong khi dịch COVID-19 bao trùm toàn thế giới, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc chung sức đồng lòng, căng mình chống dịch với quan điểm "chống dịch như chống giặc", hơn ai hết tình dân tộc, nghĩa đồng bào phải cảm thấy ý nghĩa thiêng liêng…
Hành vi của các bị cáo, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên vào thời điểm đó làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan nhà nước.
VKSND phản biển về lời quan điểm bào chữa của bị cáo Kiên và các luật sư. Clip quay qua màn hình
"Chúng tôi cho rằng hành vi của các bị cáo đã phản bội lại sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, Đảng, nhà nước, nhân dân. Quan điểm của luật sư còn xúc phạm người dân Việt Nam trải qua đại dịch COVID-19 đầy khốc liệt" - đại diện VKSND nhấn mạnh.
Kiểm sát viên nêu rõ: "Để đảm bảo văn hoá tranh tụng, chúng tôi sẽ không dùng những từ ngữ nặng lời để đánh giá quan điểm này của các luật sư".
Bị cáo Phạm Trung Kiên được dẫn giải tới phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng
Cũng theo đại diện VKSND, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng, khi cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Vì vậy, Phạm Trung Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia vào công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay giải cứu. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hoặc khi có phê duyệt của Thứ trưởng nhưng giữ lại chậm đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng lớn đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp. Chỉ cần chậm 1-2 ngày thì doanh nghiệp đã không thực hiện được chuyến bay, chưa nói đến việc giữ văn bản lại không đóng dấu sẽ khiến doanh nghiệp phải chờ đợi.
"Trong vụ án này, nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên vì nếu không gặp gỡ đưa tiền thì Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trả văn bản. Trên thực tế, Kiên đã gây sức ép buộc doanh nghiệp đưa tiền theo yêu cầu của bị cáo này như trong lời khai của các doanh nghiệp tại toà" - Công tố viên nêu rõ.
Bản thân bị cáo Phạm Trung Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thảo thuận với các doanh nghiệp phải đưa tiền. Sau khi vụ án bị khởi tố, Kiên đã gọi điện nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền chuyển cho Kiên là vay mượn dân sự nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Theo tài liệu điều tra, có tổng cộng 19 doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên. Trong đó, 12 doanh nghiệp bị Kiên yêu cầu đưa tiền từ 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép và 1 đến 2 triệu đồng/khách lẻ về nước. Trong số 7 doanh nghiệp còn lại, có 4 doanh nghiệp Kiên không yêu cầu đưa tiền nhưng các doanh nghiệp phải cân đối để tự đưa tiền.
Bình luận (0)