Ngày 19-7, phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu", tiếp tục với phần tranh tụng.
Đe dọa khéo léo (?)
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cho biết không đăng ký bào chữa nhưng khi thấy bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra - Bộ Công an, từng là điều tra viên chính vụ án) có những lời khai liên quan đến mình nên bị cáo xin được trình bày; đồng thời khẳng định bản thân "vô tư, có thế nào thì khai như thế".
Theo đó, bị cáo Tuấn thấy "tâm phục khẩu phục" với nội dung cáo trạng truy tố của VKSND. "Hằng (Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky - PV) đã đưa tiền cho tôi, tôi đã đưa tiền cho anh Hoàng Văn Hưng với mục đích hối lộ để lo cho Sơn (Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc Công ty Blue Sky - PV) không bị xử lý hình sự" - bị cáo khẳng định.
Giống như những phiên xử trước, bị cáo Tuấn thuật lại quá trình sắp xếp các buổi gặp giữa Hưng và Hằng tại nhà Tuấn. "Việc giúp đỡ hoàn toàn xuất phát từ vấn đề tôi thương Hằng vì anh em chơi với nhau đã chục năm. Do đó, khi ngồi với nhau, tôi đã nói với Hưng: "Đây là đứa em gái anh, em hãy giúp đỡ nó!" - bị cáo Tuấn nói về lý do môi giới cho Hằng gặp Hưng.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn tại phiên tòa Ảnh: Nam Anh
Bằng giọng bức xúc, bị cáo Tuấn trách Hưng khi bị điều chuyển công tác, không còn phụ trách vụ án nhưng "không nói một lời". Khi bị bắt, bị cáo mới biết Hưng đã chuyển sang Phòng Chính trị hậu cần (thuộc Bộ Công an).
"Tôi mà biết trước sẽ không bao giờ để Hưng nhận thêm tiền và cũng không bao giờ để Hằng đưa thêm" - bị cáo Tuấn nói và cho biết Hưng hướng dẫn Hằng khai báo và thu 7 bản tường trình tự khai về nhà đọc. Tuy nhiên, tại tòa và tại CQĐT, Hưng lại nói Tuấn là người hướng dẫn Hằng khai báo.
"Đối chất với Hằng tại trại giam, Hưng mới thừa nhận. Hưng đe dọa rất khéo léo, hiểu theo cách nào đó là đe dọa khi đề nghị tách vụ án ra điều tra bổ sung, Hằng phải chịu thêm trách nhiệm ở phiên tòa khác về tội "Đưa hối lộ"; còn với tôi, Hưng ngoặc cho thêm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà rõ ràng là tội của Hưng" - bị cáo Tuấn trình bày.
Đổ vỡ niềm tin
Nói về lần đưa hối lộ cuối cùng 450.000 USD, bị cáo Tuấn cho hay số tiền này đựng trong cặp có khóa, chia làm 2 phần, một phần 350.000 USD để cho người của VKSND và một cọc 100.000 USD cho lãnh đạo vụ như bị cáo Hưng yêu cầu. Tuy nhiên, tại phiên tòa trước đó, bị cáo Hưng cho rằng trong chiếc cặp chỉ là 4 chai rượu.
"Hưng nói trong cặp số là mấy chai rượu thì không nghe được. Chả ai bỏ rượu vào cặp số mang đi, nói thế trơ tráo quá. Anh em mình được biếu hàng trăm, hàng ngàn chai rượu, chưa ai bỏ vào cặp số cả. Anh em mình cũng đi biếu hàng trăm, hàng ngàn chai rượu cũng chưa bao giờ bỏ vào cặp số. Vì mang tiền lên Trần Bình Trọng nên phải bỏ vào cặp số"- bị cáo Tuấn khẳng định.
Về lý do khai ra vụ chạy án, bị cáo Tuấn cho biết ở CQĐT, bị cáo định giữ uy tín, danh dự cho Hưng, cho Cục An ninh điều tra. "Nhưng khi biết Hưng bị điều chuyển từ lâu mà vẫn nhận tiền hứa giúp thì tôi đổ vỡ niềm tin và quyết định trình bày toàn bộ sự việc" - bị cáo khai.
Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết bị cáo là người duy nhất không hưởng lợi song vẫn chịu bồi thường nhiều nhất trong vụ án.
"Anh em bên ngoài góp cho tôi vay 40 tỉ đồng để khắc phục. Thực sự rất đau lòng nhưng tôi ngu thì phải chịu, sai lầm thì phải chịu, thương em phải chịu, tin em phải chịu, còn em đúng nghĩa không phải xem lại" - bị cáo nói và cho biết mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư thực quản đã mổ nội soi, xin tòa xem xét vì mức đề nghị 6-7 năm tù về tội "Môi giới hối lộ" có phần nặng nề.
Được tự bào chữa, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bật khóc nói về bối cảnh người Việt tại Nhật Bản trong đại dịch. Công dân không có bảo hiểm, mất việc, không tiền, không nhà. Phụ nữ đến kỳ sinh không về được, rất đông. Bị cáo điện về nước rất nhiều nhưng không có chuyến bay. Hàng chục ngàn người mắc kẹt, sự kiên nhẫn càng giảm...
Bị cáo cho biết tính đến tháng 10-2020 đã có hơn 26.000 người đăng ký xin về trên các chuyến bay tự trả phí. Thời điểm này, công dân liên tục hỏi đăng ký lâu sao chưa được về "trong khi đại sứ quán chỉ biết hứa".
"Rất nhiều người trách tôi sao không ngồi yên, sao phải sáng kiến, sao lại xin thêm chuyến bay làm gì, chỉ làm chuyến bay của nhà nước thôi giờ đỡ xảy ra chuyện. Đã có lúc tôi cũng suy nghĩ thế. Nhưng nhìn lại, nếu tôi không làm thì hàng ngàn người sẽ không biết thế nào" - bị cáo Nam trình bày thêm.
Cựu đại sứ Vũ Hồng Nam là một trong 9 cựu quan chức Bộ Ngoại giao bị truy tố tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Nam bị VKSND đề nghị 4-5 năm tù vì hai lần nhận tổng cộng 1,8 tỉ đồng của doanh nghiệp.
Không còn cách nào khác (?)
Tự bào chữa, bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, thừa nhận trách nhiệm đối với vi phạm xảy ra ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Tuy nhiên, bị cáo Thái biện minh: "Nếu chỉ thu tiền hộ chiếu và hướng dẫn người mãn hạn tù liên hệ với các đại lý máy bay thì họ cũng không thể về được, bởi còn tiền kinh phí cách ly, bồi dưỡng cán bộ các trại chờ của Malaysia".
Bị cáo khẳng định việc thu tiền của họ là bắt buộc, không còn cách nào khác. Bị cáo mong HĐXX xem xét lại hoàn cảnh của bị cáo và các thuộc cấp.
Tổng số tiền mà đại sứ quán tại Malaysia đã thu là 44,6 tỉ đồng. Số tiền này chi 34,2 tỉ đồng cho việc đưa công dân về nước; phần còn lại, trích một phần để "bồi dưỡng" cho cán bộ tại đại sứ quán. Bị cáo Thái hưởng 580 triệu đồng tiền "bồi dưỡng", cấp dưới hưởng 220-480 triệu đồng.
Bình luận (0)