Sáng 21-12, đại diện VKSND TP HCM đối đáp quan điểm tranh luận của các luật sư trong phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Người thực hành quyền công tố thống kê các luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại đã nêu 56 ý kiến, trong đó nổi bật lên các nội dung là đề nghị chuyển tội danh của Nguyễn Thái Luyện thành "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo còn lại.
Khi đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng đồng phạm của Luyện chỉ là người làm công ăn lương, không am hiểu pháp luật. Họ đã thể hiện thái độ thành khẩn hối cải, có ý thức khắc phục hậu quả vụ án số tiền từ 10-50 triệu đồng…
Người thực hành quyền công tố nói rằng VKS đã ghi nhận những điều trên để xem xét tính chất mức độ hành vi, vai trò của các bị cáo.
Đại diện VKS khẳng định nếu gọi là 1 vụ án hình sự thì phải xem xét toàn diện vụ án chứ không bóc tách, cắt dán, xé lẻ để xem có phạm tội hay không. Theo đó, vụ án này sẽ tập trung ở 3 vấn đề lớn: Có tội hay không, phạm tội thì là tội gì và vấn đề bị hại.
Các bị cáo tại phiên xét xử.
Nhà nước nghiêm cấm sử dụng đất không đúng mục đích nhưng các bị cáo đã "vẽ" dự án dân cư bán cho người dân trên nền đát nông nghiệp, đất quốc phòng, đất giao thông, đất rừng phòng hộ mà không có đất ở (một số thửa lớn có 100-200m2 đất ở).
Trong khi 22 bị cáo còn lại trong vụ án đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin được giảm nhẹ hình phạt, Luyện cho rằng bản thân không phạm tội. Một trong những lý lẽ của Luyện là đã phân lô, tách thửa để làm tăng giá trị đất đai trên cơ sở chính sách khuyến khích đầu tư vào đất đai của nhà nước.
Trước lý lẽ này, đại diện VKS đã chứng minh là bị cáo Luyện nguỵ biện. Theo đó, đối với đất nông nghiệp, nhà nước khuyến khích đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ để bảo vệ, cải tạo tăng màu mỡ, khai hoang, không để đất trống đồi trọc… Muốn chuyển đổi để lập dự án phải được sự cho phép của nhà nước, theo kế hoạch sử dụng đất mà trước tiên phải phát triển cơ cấu hạ tầng… chứ không phải tự phân chia lô, tách thửa, tự thay đổi mục đích sử dụng như cách bị cáo làm, để từ đó, bị cáo Luyện và luật sư của mình cho rằng hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng đất của bị cáo cho khách hàng là có căn cứ.
VKS tiếp tục khẳng định 58 dự án mà Nguyễn Thái Luyện "vẽ" không có thật vì không đủ điều kiện chuyển nhượng, không đúng quy hoạch, chưa được phê duyệt, không có bản vẽ 1/500… Việc các bị cáo "vẽ" dự án, đặt tên, đưa ra các tiêu chí cho dự án, sử dụng truyền thông để bán dự án… là thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội để đạt được mục đích nhận được tiền của khách hàng.
VKS dẫn chứng nhiều bị hại khi được xét hỏi tại toà đã nói rằng họ có mong muốn nhận lại đất theo hợp đồng "mua gì nhận đó". Bị hại nói rằng họ đã nhìn thấy các nền đất mà Luyện bán cho mình có đầy đủ những thông tin như số ô, số lô, số thửa, số nền rõ ràng.
"Nhưng thực tế đối tượng hợp đồng mà hai bên thực hiện giao kết là không có. Thực tế, trong các hợp đồng này ngoài điều khoản về đối tượng hợp đồng, Công ty Alibaba cũng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện, các quy định để chuyển nhượng nền sau các khoảng thời gian 6 tháng, 12 tháng… Bản chất là Công ty Alibaba không có đối tượng hợp đồng như ký kết mà vẫn thu tiền của khách hàng và sử dụng nguồn tiền này vào mục đích của mình. VKS xác định hành vi phạm tội hoàn thành khi đại diện Công ty Alibaba nhận đủ tiền từ khách hàng".
58 dự án mà các bị cáo quảng cáo, chưa có 1 khách hàng nào nhận được đất nền thổ cư và chắc chắn không thể có.
Một số luật sư cho rằng thân chủ bất lợi vì dự án chưa tới thời hạn kết thúc hợp đồng mà cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nên các hợp đồng chưa kịp tất toán. Nhận định này là chưa chính xác. Cơ quan điều tra đã chứng minh thiệt hại nằm ở 58 dự án, có những dự án được Công ty Alibaba triển khai từ năm 2017 nhưng công ty không tất toán được. Trong vụ án này chỉ có 1-2 dự án chưa đủ thời hạn cam kết như trong hợp đồng.
"Các luật sư giải thích sao về vấn đề này?" – đại diện VKS hỏi.
Người thực hành quyền công tố cho rằng bị cáo Luyện và các luật sư bào chữa đang dựa vào từ "thoả thuận" trên hợp đồng để cho rằng đây là giao dịch dân sự. VKS xác định hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng chỉ là thủ đoạn để các bị cáo thực hiện chiếm đoạt tiền của bị hại. Bởi lẽ dù thoả thuận hay chuyển nhượng thì hợp đồng đều cam kết giao dịch một sản phẩm không hiện hữu, không có thật.
Người thực hành quyền công tố còn chỉ ra để chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh thì người chuyển nhượng phải có giấy tờ quyền chuyển nhượng. Trong vụ án này, bị cáo Luyện chỉ đạo các đồng phạm đứng tên quyền chuyển nhượng đất mà không trực tiếp đứng tên bất cứ thửa đất nào, đây là cách thoái thác trách nhiệm, đẩy rủi ro sang các đồng nghiệp. Đây cũng là điều mà một trong các luật sư đã nhận định về Luyện.
Trong phần tự bào chữa, Luyện cho rằng bản thân không gian dối, các thông tin đều công khai mở bán hàng ngày, công khai trên internet và một số phương tiện thông tin đại chúng khác. Có luật sư còn đặt trách nhiệm của đơn vị truyền thông khi đưa tin về các dự án của Công ty Alibaba. Tuy nhiên, Luyện hay các luật sư không đề cập đến nội dung mà các bị cáo đã công khai. "Các bị cáo có công khai đây là đất quốc phòng, rừng phòng hộ, thậm chí là đất trồng lúa không? Hay các bị cáo công khai rằng đó là đất thổ cư, sử dụng lâu dài…" - đại diện VKS đặt câu hỏi.
Luyện đã nói về mục đích "cao cả" của việc thành lập các dự án là giúp nhiều người được an cư sau đó Công ty Alibaba mới tính đến vấn đề lợi nhuận nhưng khi hết hợp đồng vẫn không có đất ở, thậm chí không trả lãi cho khách hàng như cam kết.
"Nếu như theo dõi đầy đủ phần xét hỏi của HĐXX sẽ thấy rõ có người đến chết vẫn phải trăng trối nhờ cha đến toà bảo vệ quyền lợi cho họ, có gia đình tan cửa nát nhà cũng chỉ vì tin vào các dự án mà các bị cáo vẽ ra. Nhiều bị cáo khi nghe các bị hại trình bày cũng nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, không chối bỏ hành vi do mình gây ra. Cho nên ngoài bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình, VKS mong các luật sư tham khảo về hậu quả của vụ án gây ra cho xã hội và cho các bị hại phải gánh chịu" - VKS nói.
Đại diện VKSND TP HCM cũng cho biết vụ án này không khởi tố theo yêu cầu khởi tố của bị hại.
Đối với yêu cầu trả hồ sơ vụ án để điều tra lại về số lượng bị hại như ý kiến của luật sư, đại diện VKS nói không cần thiết. Theo đó, đây là vụ án hình sự, ngoài bảo vệ quyền lợi cho hàng ngàn bị hại đang chờ còn phải bảo vệ quyền lợi cho 23 bị cáo ngồi đây. Giả định, có xuất hiện thêm bị hại thì cũng không làm thay đổi khung, khoản mà cơ quan công tố đã truy tố.
Về quyền của bị hại, bị hại có quyền nhận hoặc không nhận bồi thường.
Bình luận (0)