Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi; nuôi tôm tại ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) là người bị lực lượng chức năng huyện Nhơn Trạch bắt oan sau đó buộc phải xin lỗi công khai.
5 bị cáo được tại ngoại, sáng nay đã có mặt sớm tại tòa. Bị hại là vợ chồng bà Ngọc cùng người thân cũng đã đến đúng giờ. Các luật sư của bị hại cũng có mặt. 8 giờ 30 phút, tòa vẫn đang trong phần xét hỏi.
5 bị cáo bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”, gồm: Lê Văn Lang (nguyên Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Rạch Tràm); Trương Văn Lớn (nguyên Đội phó bảo vệ rừng ngập mặn); Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc); Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ); Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông)- thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.
5 bị cáo bị truy tố về hành vi “Hủy hoại tài sản” đều là nhân viên bảo vệ rừng
Tại phần xét hỏi, bị cáo Ẩn cho rằng việc ngăn chặn xây dựng trái phép là trách nhiệm của mình nên hành động quyết liệt. Tòa hỏi bị cáo có quyền thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi như thế nào, có được cưỡng chế, đập phá tài sản hay không, việc thực hiện nhiệm vụ có được chỉ đạo bằng văn bản không, bị cáo không trả lời được.
Bị cáo Ẩn cũng kể lại, tại buổi xảy ra vụ việc, đoàn bảo vệ vào gặp gia đình bà Ngọc và ông Ni (cha bà Ngọc) cùng 3 thợ xây. 11 bảo vệ yêu cầu 3 thợ xây về xã làm việc nhưng bị phản ứng, ngăn chặn nên nhiều người đã khống chế, trói ông Ni. Khi 3 người được đưa ra ghe, các bảo vệ đã cởi trói cho ông Ni.
Bị cáo Ẩn thừa nhận tham gia ném 4 bao xi măng của gia đình bà Ngọc xuống đùng tôm. Ông Ẩn cho rằng sau này mình mới nhận ra sai trái từ các hành vi trên và tỏ ra rất hối hận.
Bị cáo Tú khai được giao làm nhiệm vụ ngăn chặn trái phép (không có văn bản) nhưng “thấy kéo dài quá không giải quyết được nên bức xúc, nóng vội”. Bị cáo Tú cũng thừa nhận đã tham gia vào quá trình hủy hoại tài sản nhà bà Ngọc là sai.
Bị cáo Lang thừa nhận mình cùng bị cáo Tú tham gia nắm tay, lấy dây trói ông Ni lại để các nhân viên khác “mời” 3 thợ xây về xã.
Bị cáo Tuân khai công tác tại đây đã 6 năm, cũng như các bị cáo khác đều có thâm niên làm việc, đều có nhiều phấn đấu nhưng đến nay thì mắc sai lầm.
Tại tòa, đại diện lực lượng bảo vệ đã gửi lời xin lỗi đến gia đình bà Ngọc và thừa nhận các hành vi của đồng sự là “chưa đúng”.
Ông Ni cho rằng hành vi của các bảo vệ là quá manh động khiến ông sợ hãi. Ông Ni nói không muốn nặng nề với các bị cáo nhưng phải có công bằng cho gia đình ông vì những thiệt thòi trong thời gian gánh chịu áp lực, ảnh hưởng sức khỏe và công việc làm ăn.
Riêng bà Ngọc nói cáo trạng nêu diễn biến vụ án chỉ có 5 người có hành vi đủ để truy tố và chỉ có hành vi ném bao xi măng được đánh giá nghiêm trọng là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, bà chưa có ý kiến thêm, chỉ đề nghị mọi việc được xử lý đúng theo pháp luật.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra lại
Đến gần 16 giờ tòa vẫn đang trong phần xét hỏi. Các luật sư tập trung vào các tình tiết để vụ án không bị bỏ lọt tội phạm, mức độ tính chất của các hành vi được rõ hơn. Các nhân chứng, người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan thuộc lực lượng bảo vệ rừng cũng như trong gia đình bà Ngọc được mời để chất vấn.
Vấn đề được quan tâm là lực lượng bảo vệ rừng được phân công nhiệm vụ như thế nào đến mức mâu thuẫn được đẩy lên cao dẫn đến bắt trói người, ông Ni đã làm gì để đến mức phải bị bắt trói, xử lý hành vi. Bà Ngọc khai là bị đánh bằng gây, giật 2 chiếc điện thoại ném xuống nước nhưng không được làm rõ.
Bà Ngọc và cha cùng chồng là ông Đỗ Kỳ Phong cho rằng số người liên quan, trực tiếp chỉ đạo và hành hung, hủy hoài tài sản của gia đình bà đến khoảng 15 người nhưng chỉ có 5 người bị khởi tố.
Bước sang phần tranh luận, các luật sư nêu các tình tiết vụ án chưa được làm rõ, nhiều lời khai mâu thuẫn, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật, có tổ chức chưa được đề cập đúng tính chất mức độ, đề nghị trả hồ sơ điều tra lại để đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Bị hại là bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc đến tham dự tòa từ sớm
Theo kết quả điều tra, sau khi phát hiện bà Ngọc xây chòi canh tôm bằng bê tông cốt thép gần 20 m2, lực lượng bảo vệ rừng gồm 11 người đã đến tổ chức ngăn chặn. Trưa 26-2, lực lượng bảo vệ mời thợ xây về xã làm việc thì bị ông Nguyễn Văn Ni- cha bà Ngọc- ngăn cản, một số bảo vệ đã khống chế bắt trói ông Ni. Khi lực lượng bảo vệ rừng và gia đình bà Ngọc tiếp tục giằng co, nhóm ông Lang đã ném 40 bao xi măng và tháo gỡ các khung sắt, cột công trình của bà Ngọc ném xuống đầm tôm.
Cuối tháng 2, bà Ngọc đến cơ quan công an tố cáo 5 bảo vệ rừng lợi dụng công vụ hủy hoại tài sản, bắt trói đánh đập bà và người trong gia đình bà. Trong khi vụ việc này chưa được công an vào cuộc điều tra làm rõ thì 2 tháng sau, bà lại bị lực lượng chức năng bắt giam để điều tra về tội chống người thi hành công vụ về một vụ việc bà quyết liệt tố cáo “sa tặc” xảy ra từ đầu tháng 9-2015.
Sau khi báo chí và các lực lượng giám sát vào cuộc, xác định lực lượng chấp pháp đã làm sai quy trình, thủ tục tố tụng, vụ việc không có dấu hiệu hình sự và đã gây oan sai, công an và VKSND huyện Nhơn Trạch đã phải xin lỗi công khai bà Ngọc.
Bà Ngọc cho rằng hành vi thái quá của bảo vệ rừng là do trả thù bà nhiều lần tố cáo các lực lượng chức năng có dấu hiệu bảo kê cho “sa tặc”, gây hại lớn đến môi trường, ảnh hưởng người nuôi tôm trong khu vực.
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND nắm quyền công tố giữ nguyên quan điểm cho rằng cáo trạng truy tố đã đầy đủ tình tiết, truy tố đúng người đúng tội, các bị cáo được phân công nhiệm vụ rõ ràng và đã làm quá phận sự của mình dẫn đến vi phạm pháp luật. Các bị cáo bị đề nghị mức án từ 8-14 tháng tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, đúng 17 giờ, sau khi nghị án chủ tọa tuyên bố xét đề nghị của phía bị hại và các luật sư, nhận thấy hồ sơ vụ án còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, tòa quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra lại, tiếp tục làm rõ, xét xử sau.
Bình luận (0)