Ngày 17-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn (viết tắt là Agribank CN Trung tâm Sài Gòn, tên cũ là CN Mạc Thị Bưởi) về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Làm ăn thua lỗ vẫn được vay tiền
Các bị can bị xử lý tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gồm: Phạm Thị Mai Toan (SN 1955, nguyên ủy viên HĐTV Agribank kiêm Giám đốc CN Trung tâm Sài Gòn), Phí Thị Ong (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank CN Trung tâm Sài Gòn), Đỗ Hải Yến (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc CN Trung tâm Sài Gòn).
Nhóm các bị can bị xử lý tội "Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản" gồm: Phạm Văn Chính (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty Phát triển nhiên liệu Á Châu), Trần Thị Kim Thoa (SN 1971, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Á Châu), Hoàng Văn Cường (SN 1977, nguyên Giám đốc Công ty ADN) và Đỗ Minh Quang (SN 1957, thành viên góp vốn Công ty ADN). Ngoài ra, hai bị can khác nguyên là nhân viên của Agribank CN Trung tâm Sài Gòn cũng bị xử lý.
Căn cứ đề nghị của tổng giám đốc Agribank và của CN Trung tâm Sài Gòn, HĐQT Agribank đã ra quyết định nâng mức phán quyết cho vay tối đa của Agribank CN Trung tâm Sài Gòn đối với Công ty Á Châu là 200 tỉ đồng. Sau đó, bà Toan đã ký ủy quyền cho bà Ong được ký các hợp đồng tín dụng với Công ty Á Châu hạn mức 200 tỉ đồng.
Cuối năm 2009, Trần Thị Kim Thoa cùng Phạm Văn Chính đã ký bộ hồ sơ vay vốn 90 tỉ đồng, thời hạn 5 năm để đầu tư dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu tại quận 9, TP HCM. Đến tháng 11-2009, Hoàng Tiến Dzũng (quốc tịch Mỹ, chung sống với Thoa như vợ chồng) đã chỉ đạo Chính ký khống các báo cáo tài chính với nội dung Công ty Á Châu kinh doanh có lợi nhuận (trong khi đang thua lỗ), ký khống dự án vay 90 tỉ đồng sử dụng trả nợ cho 6 công ty của Dzũng mà không đầu tư dự án. Do chưa bắt được Dzũng nên Thoa và Chính phải chịu trách nhiệm với số tiền 21,3 tỉ đồng (sau khi trừ tài sản bảo đảm).
Cũng tại Agribank CN Trung tâm Sài Gòn, tháng 4-2009, tuy không có ý định thực hiện dự án trồng rừng cao su, không có vốn tham gia dự án nhưng Đỗ Minh Quang (Giám đốc Công ty ADN) và Hoàng Văn Cường đã ký khống hồ sơ vay vốn chiếm đoạt 75 tỉ đồng của chi nhánh này. Quá trình điều tra cho thấy Quang và Cường đứng tên thành viên Công ty ADN theo chỉ đạo của Hoàng Tiến Dzũng nhưng do chưa bắt được Dzũng, chưa chứng minh được Dzũng sử dụng 75 tỉ đồng từ hành vi gian dối của Quang và Cường do đó 2 bị can này phải liên đới bồi thường 75 tỉ đồng.
Kết luận điều tra vụ án xảy ra ở Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn
Nhập án để bị can có lợi
Ngày 19-12-2011, Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định thanh tra Agribank CN Trung tâm Sài Gòn và phát hiện nhiều sai phạm tại chi nhánh này. Kết quả xác minh của C46 Bộ Công an cho thấy một số cán bộ Agribank CN Trung tâm Sài Gòn đã có hành vi phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng và thực hiện giải ngân cho Công ty Á Châu vay vốn 90 tỉ đồng sai quy định nên Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại chi nhánh này.
C46 đã khởi tố 7 bị can, trong đó có Trần Thị Kim Thoa về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Do không xác định được chỗ ở của Thoa khi đã hết thời hạn điều tra, C46 đã truy nã và tạm đình chỉ điều tra vụ án, đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can còn lại vào ngày 4-11-2016.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, C46 phát hiện có căn cứ xác định Hoàng Văn Cường (Giám đốc Công ty ADN) đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt 75 tỉ đồng của Agribank và CN Trung tâm Sài Gòn, một số cán bộ thuộc CN Mạc Thị Bưởi đã có sai phạm trong phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho Công ty ADN gây thiệt hại cho ngân hàng. Do vậy, ngày 16-12-2015, C46 đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Agribank CN Trung tâm Sài Gòn và Công ty ADN.
Xét trong vụ án này, bị can Phạm Thị Mai Toan và Đỗ Hải Yến bị khởi tố bị can về 2 tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; đã bắt truy nã được bị can Trần Thị Kim Thoa; đồng thời, từ kiến nghị của luật sư, Bộ Công an thấy cần thiết phải nhập các vụ án này theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự và bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị can nên ngày 16-6-2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định nhập 3 vụ án hình sự để tiến hành điều tra thành một vụ án.
Cần xem lại tội danh
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM - bào chữa cho bị can Phạm Thị Mai Toan), cáo trạng chưa chứng minh được hành vi của bị can Toan đủ yếu tố cấu thành "Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Quá trình điều tra chưa thực hiện hoạt động đối chất giữa bị can Phạm Thị Mai Toan và các bị can Ong, Yến trong lời khai bà Toan chỉ đạo thực hiện cho vay đối với Công ty Á Châu trong khoản vay 90 tỉ đồng. Do vậy, vi phạm trong quá trình hoạt động của bị can Toan có dấu hiệu của "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, luật sư Công cũng chia sẻ việc Bộ Công an đã chấp nhận kiến nghị nhập 3 vụ án thành 1 là thể hiện tính nhân văn luật pháp.
Bình luận (0)