Mới đây, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Lê Hoàng Đại Nam (SN 1990) mức án tù chung thân về tội "Giết người". Tuy nhiên, vụ án để lại không ít băn khoăn xung quanh những người theo bị cáo đến hiện trường gây án.
Cầm hung khí để... can ngăn
Theo cáo trạng, từ quận Tân Phú, Nam cùng vợ đến một tiệm cắt tóc ở quận 12 để đòi nợ. Đến khu vực quận Tân Bình, Nam gặp 2 người bạn gần nhà là Lê Anh Dũng và Nguyễn Trung Thành. Cả 2 đồng ý theo Nam qua quận 12… cắt tóc. Đến nơi, nghĩ Nam sẽ vào tiệm đánh nhau nên Dũng lấy cây dũ ba khúc ở cốp xe ra, cầm trên tay rồi đi vào trong tiệm để… can ngăn và tự vệ (?!). Trong lúc Nam cầm dao đâm và giằng co với nạn nhân, Dũng lấy cây dũ ra thì bị trượt tay khiến vũ khí rơi xuống đất. Sau khi Nam sát hại nạn nhân, Dũng cùng Nam, Thành và vợ Nam rời khỏi hiện trường. Hôm sau, cả 4 người đến công an trình báo sự việc.
VKSND TP HCM kết luận Dũng có hành vi cất giữ và sử dụng cây dũ ba khúc. Tuy nhiên, do không tìm ra cây dũ nên cơ quan có thẩm quyền đề nghị địa phương có biện pháp quản lý, giáo dục Dũng. Ngoài ra, Dũng và 2 người còn lại không biết Nam mang theo dao, cũng không tham gia đánh người, tự giác trình báo, khai nhận sự việc nên pháp luật không đủ căn cứ xử lý 3 đối tượng trên về hành vi không tố giác tội phạm.
Băng nhóm tội phạm liên quan đến nữ luật sư bị nghi ngờ làm giả giấy tờ giúp một bị cáo trốn tội
Chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án kể trên, tòa án từng nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra bổ sung. HĐXX đã đề nghị VKSND cùng cấp xem xét lại vai trò, tính chất, mức độ và hành vi của Dũng. HĐXX cho rằng hành vi của Dũng có dấu hiệu giúp sức về mặt tinh thần, thúc đẩy hung thủ thực hiện hành vi phạm tội. "Tuy Dũng không mong muốn bị hại mất mạng nhưng Dũng có lỗi cố ý gián tiếp. Đồng thời, HĐXX đề nghị cơ quan công tố xem xét trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" đối với Dũng nhằm tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm, người phạm tội" - chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm Lê Anh Dũng không phạm tội. Do giới hạn việc xét xử nên tòa án chỉ xem xét giải quyết phần tội danh, trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nam trong phạm vi cáo trạng truy tố.
Trong phiên xét xử trước, người thừa hành quyền công tố cũng từng đặt nghi vấn: "Khoảng cách từ quận Tân Phú đến quận 12 quá xa, bị cáo rủ Dũng và Thành đi xa như vậy chỉ để cắt tóc?". Tuy nhiên, bị cáo Nam một mực khẳng định 2 người bạn không liên quan đến vụ án.
Giấy tờ giả giúp bị cáo trốn tội
Tại phiên tòa xét xử 13 bị cáo trong đường dây vận chuyển, mua bán ma túy từ Lào về TP HCM, tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, làm rõ nghi vấn một số giấy tờ trong hồ sơ vụ án có dấu hiệu bị làm giả nhằm tạo chứng cứ ngoại phạm giúp bị cáo Đặng Văn Dũng (đã nhận án tử hình) thoát tội.
Trong thời gian xét xử, HĐXX triệu tập một nữ luật sư với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo cấp sơ thẩm, luật sư này có liên quan đến nghi vấn nêu trên. Cụ thể, hồ sơ vụ án có giấy xác nhận do 2 đối tượng tên Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thành Quyết ký tên. Nội dung xác nhận chứng minh Đặng Văn Dũng có chứng cứ ngoại phạm. Một phụ nữ tự xưng là luật sư đã đưa văn bản cho họ ký tên. Tiến hành xác minh, cơ quan chức năng kết luận 2 bản khai trên không đúng sự thật. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, HĐXX từng trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ vấn đề này. Sau đó, cơ quan điều tra xác định người cung cấp 2 giấy xác nhận là luật sư đang bào chữa cho Đặng Văn Dũng thời điểm đó. Quá trình điều tra, công an nhiều lần gửi giấy triệu tập và thông báo đến làm việc nhưng luật sư này không hợp tác. Do vậy, cơ quan công an chưa thể ghi lời khai, chưa thu thập hình ảnh luật sư chuyển đối tượng Quyết nhận dạng.
Giới hạn xét xử
Điều 298 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nêu rõ tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố, tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngoài ra, tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.
Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố, tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Bình luận (0)