LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH:
Kháng nghị là đương nhiên nhưng…
Chúng tôi không ngạc nhiên khi VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, việc điều tra, truy tố và xét xử càng phải được cẩn trọng vì liên quan đến số phận, sinh mạng của một con người. Các cơ quan tiến hành tố tụng không thể làm sai được vì nếu sai thì không còn cơ hội để khắc phục, bồi thường.
Dưới góc độ nhân văn, chúng ta thấy rằng đời người thật ngắn ngủi, vậy mà Lê Bá Mai bị giam (tạm tính là 2.555 ngày), tương đương 7 năm, sống trong cảnh không biết ngày mai mình sẽ ra sao. Vậy nên, với những lời khai, những chứng cứ chưa mang tính thuyết phục và chứa đựng sự mâu thuẫn nội tại… không đủ để chứng minh và kết luận Lê Bá Mai phạm tội thì việc cấp sơ thẩm TAND tỉnh Bình Phước tuyên Mai không phạm tội là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và mang đậm tính nhân văn.
Chúng tôi hy vọng rằng pháp luật luôn là một đại lượng công bằng, luôn đem đến cho mọi người lòng tin vào xã hội, tin vào công lý.
LUẬT SƯ LÊ NGUYỄN QUỲNH THI:
Không thể cẩu thả...
Vụ án đã kéo dài gần 7 năm, với nhiều lần trả hồ sơ nhưng cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước hầu như không bổ sung được chứng cứ mới mang tính quyết định để buộc tội Lê Bá Mai. |
Để có thể kết án Lê Bá Mai về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có chứng cứ pháp lý vững chắc. Nếu không chứng minh được bị cáo phạm tội, pháp luật phải được trả lại tính tôn nghiêm vốn có của nó, đó là áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong bất kỳ vụ án hình sự nào.
LUẬT SƯ TRỊNH THANH:
Vụ án vẫn còn tiếp diễn
Về mặt chứng cứ, “vụ án vườn mít” đã kéo dài gần 7 năm, với nhiều lần trả hồ sơ nhưng cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước hầu như không bổ sung được chứng cứ mới mang tính quyết định để buộc tội Lê Bá Mai. Do đó vụ án vẫn chủ yếu chỉ dựa vào 2 nguồn lời khai (nhân chứng và bị cáo) mà không có chứng cứ vật chất nào để buộc tội Mai.
Theo đó, nguồn lời khai của các nhân chứng, nhưng những người này lại có mâu thuẫn với Mai từ trước và khai cũng rất lơ mơ, đồng thời liên tục thay đổi lời khai. Bản thân Mai khai bị ép cung, nhận thức thấp, giam giữ lâu… nên dù Mai nhận tội nhưng nhìn chung không phù hợp với lời khai của nhân chứng, hiện trường, pháp y. Vì vậy, cũng không có căn cứ để buộc tội Mai hiếp dâm trẻ em, giết người như quy kết của cơ quan tố tụng.
Lê Bá Mai vẫn chưa hòa nhập được với cộng đồng Ngày 8-6, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Dương Bá Tuân - chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm việc - cho biết từ khi được TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội, trả tự do (ngày 24-5) đến nay, Lê Bá Mai về Đồng Xoài (Bình Phước) sống. Ông Tuân và cha mẹ Mai đã đưa Mai đi thăm bà con cũng như đi du lịch cho khuây khỏa. Tuy nhiên, phát hiện sức khỏe Mai có phần suy nhược, tính tình nóng nảy bất thường, gia đình đã đưa Mai đi khám và được bác sĩ cho nhập viện điều trị. Ngày 7-6, Mai được ra viện. Theo bác sĩ điều trị, sau một thời gian dài cách ly với xã hội, tâm lý và cơ thể Mai có phần suy nhược, gia đình cần tạo điều kiện và thời gian để Mai từ từ hòa nhập với cộng đồng. Sáng 8-6, Mai đã cùng gia đình đến TAND tỉnh Bình Phước nhận thông báo kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước, đề nghị tuyên bố Mai phạm 2 tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Từ tử hình đến vô tội là điều mà VKSND tỉnh Bình Phước khó chấp nhận, nên việc ra kháng nghị là để bảo vệ cáo trạng của mình. Điều này, Mai và gia đình cũng đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận. Nhưng “7 năm oan sai đã lấy đi của Mai tuổi trẻ và nhiều thứ khác. Vậy thì việc kéo dài mãi vụ án này, trong khi chứng cứ không đầy đủ có nên không?” - ông Tuân nói. |
Bình luận (0)