Sáng 14-7, tại TAND Hà Nội, các luật sư tham gia bào chữa tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Bị cáo Phạm Trung Kiên.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, các luật sư hỏi nhóm bị cáo đưa hối lộ cho thân chủ, để được xét duyệt các chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam về nước.
Đáng chú ý, luật sư công bố hồ sơ bệnh án của bị cáo Kiên, liên quan đến chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần đa dạng không có triệu chứng, sau mắc COVID-19.
Ngay sau đó, bị cáo Phạm Trung Kiên đứng trước toà nghẹn ngào cho hay sau ngày 24-1-2022, bị cáo mắc COVID-19, diễn biến rất nặng, phải vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu, nằm viện một thời gian. Sau khi ra viện, cộng thêm với thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án, tâm lý của bị cáo chịu sức ép rất nặng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại tòa.
Phạm Trung Kiên cho biết qua tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, khung rất nặng từ 20 năm, chung thân tới tử hình. "Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình. Bị cáo rất sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết. Với áp lực đó, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Bạch Mai" - bị cáo Kiên khóc, nói.
Sáng cùng ngày 14-7, bị cáo Kiên trả lời luật sư, các doanh nghiệp chủ động tìm đến và bị cáo không hứa, thấy có doanh nghiệp đến nhờ thì nhận lời giúp đỡ. Phạm Trung Kiên cũng khai các doanh nghiệp khi đến đặt vấn đề, xin giúp đỡ cấp phép các chuyến bay, có 3 đơn vị đặt vấn đề số tiền bồi dưỡng sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, bị cáo trả lời cảm ơn các bộ, ngành khác như thế nào thì đưa cho bị cáo như vậy, không đề cập số tiền cụ thể.
Theo bị cáo Kiên, các doanh nghiệp chủ động tìm đến, bị cáo không có hành động gì gây khó khăn, làm chậm tiến độ của các doanh nghiệp.
Còn trả lời luật sư, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho biết quá trình đến xin cấp giấy phép thực hiện chuyến bay, bị cáo đã nghe bị cáo Kiên trao đổi và nhớ rất chi tiết lần đầu tiên gặp bị cáo Kiên. "Bị cáo Kiên dùng từ to gấp rưỡi so với bình thường trong phòng họp Bộ Y tế" - bị cáo Dương khai.
Bị cáo Đào Minh Dương khai trước tòa.
Bị cáo Dương khai sau khi quát tháo, bị cáo Kiên lại nói: "Tôi biết các anh đưa cho anh Vũ Anh Tuấn bên Bộ Công an 150 triệu đồng/chuyến thì nộp cho tôi như vậy".
Bị cáo Dương cho biết bị cáo Kiên ép Công ty Vijasun nhưng bị cáo không đưa tiền bởi thấy Kiên "không xứng đáng" và giao cho nhân viên gọi điện lại cho Kiên xem "có yêu cầu gì".
"Doanh nghiệp của chúng tôi được phê duyệt 17 chuyến bay, bị cáo Kiên yêu cầu tôi đưa 150 triệu đồng mới được phê duyệt và gửi cho tôi bức ảnh tờ giấy Thứ trưởng (Thứ trưởng Bộ Y tế - PV) đã ký phê duyệt chuyến bay và yêu cầu phải chuyển tiền mới có dấu" - bị cáo Dương khai tại tòa.
Trước đó, trong ngày 13-7, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận việc "đề xuất" một số doanh nghiệp đưa tiền để được phê duyệt các chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng/khách lẻ.
Từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng.
Bị cáo Kiên thừa nhận dùng số tiền trên để đầu tư bất động sản, cho người thân vay. Tiền nhận từ các doanh nghiệp được chuyển vào tài khoản của mẹ vợ bị cáo Kiên.
Bình luận (0)