Ngày 18-8, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên xử phúc thẩm vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Vụ án này liên quan đến vụ việc em Tu Ngọc Thạch (SN 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) tử vong sau khi từ trụ sở công an xã Vạn Long về nhà.
Hai bị cáo trong phiên tòa lần này là cậu ruột và bác họ của em Thạch, là Nguyễn Văn Ly (43 tuổi) và Mai Đình Tâm (47 tuổi) cùng ngụ xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh.
Tại phiên tòa có 4 luật sư tham gia bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho 2 bị cáo.
Theo cáo trạng, sáng 31-12-2013, sau khi nghe tin em Tu Ngọc Thạch tử vong, rất đông người nhà của em Thạch tụ tập trước cổng trụ sở UBND xã Vạn Long và ngã tư Cây Duối - Quốc lộ 1 để gây sức ép với chính quyền.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Văn Ly, Mai Đình Tâm kéo lên quốc lộ 1 hô to “Công an đánh chết người! Công an đánh chết người, bà con ơi!” nhiều lần khiến một số người dân hiếu kỳ cũng la lối theo.
Dù chính quyền can thiệp nhưng hai ông Ly, Tâm vẫn tiếp tục hô hào, kích động khiến rất đông người dân tập trung gây mất trật tự, ách tắc giao thông Quốc lộ 1 gần 3 giờ đồng hồ.
Liên quan đến vụ việc này, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 2-6, TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt ông Mai Đình Tâm, Nguyễn Văn Ly mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng tù giam cùng tội "Gây rối trật tự công cộng". Trong khi đó, VKSND huyện Vạn Ninh chỉ đề nghị HĐXX phạt mỗi bị cáo từ 1 năm 3 tháng đến 1 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Sau đó, cả hai bị cáo đều kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm lần này, chủ tọa phiên tòa chất vấn: Tại sao lại kéo lên quốc lộ để la lối? Hành động động đó nhằm mục đích gì? Hai bị cáo đã gây tò mò, hiếu kỳ, ánh tắc giao thông nhiều giờ liền, có ý thức được hành động này không?
Hai bị cáo cho rằng hành động của mình do quá bức xúc trước cái chết của cháu. Lúc đó, cả hai chưa ý thức được hành động của mình. Tại cơ quan chức năng các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận ra sai lầm nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ bản án, cho hưởng án treo.
Liên quan đến đến cái chết của em Tu Ngọc Thạch, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 17-8, Công an huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã có kết luận điều tra lại vụ “Công an xã đánh chết học sinh” xảy ra tại xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh).
Theo kết luận này, tối 28-12-2013, Tu Ngọc Thạch (SN 1999, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) có xảy ra mâu thuẫn với Lê Tấn Khỏe (SN 1999; ngụ xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh).
Chiều 29-12-2013, Khỏe cùng nhóm bạn đang uống nước trước cổng UBND xã Vạn Long thì thấy Thạch cùng người anh chạy xe đạp ngang qua nên Khỏe mang vỏ chai nước khoáng đuổi đánh và ném trúng đầu Thạch. Thạch bỏ chạy, sau đó nhờ người dàn xếp, cùng Khỏe bắt tay giảng hòa.
Thế nhưng, Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm (đều là Công an viên xã Vạn Long) nghe tin nhóm của Thạch tìm Khỏe để đánh nên điện thoại yêu cầu Nguyễn Trung Thắng (phó Công an xã Vạn Phước) phối hợp mời Thạch về trụ sở làm việc.
Khi thấy Phát và Tâm đến, Thạch bỏ chạy. Phát dùng mũ bảo hiểm ném trúng lưng Thạch. Sau đó, Thắng bắt được Thạch rồi giao cho Phát. Phát dùng còng số 8 còng tay Thạch rồi đánh vào mặt, làm Thạch té ngã.
Chưa dừng lại, Phát tiếp tục dùng chân đạp lên người Thạch rồi kéo Thạch lên Quốc lộ 1 tiếp tục dùng tay đánh nhiều cái vào đầu Thạch. Thắng thấy vậy can ngăn và cùng Tâm chở Phát và Thạch về trụ sở Công an xã Vạn Long. Tại đây, Phát tiếp tục đánh nhiều cái và ngực, sườn Thạch.
Sau đó Công an xã Vạn Long mời gia đình bảo lãnh Thạch về.
Về nhà được vài giờ đồng hồ, đến sáng 30-12-2013, Thạch ói mửa liên tục nên gia đình đưa đến bệnh viện và Thạch tử vong tại bệnh viện ngày 31-12-2013.
Kết luận của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Khánh Hòa khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thạch là do chấn thương sọ não.
Trước những nghi ngờ Phát đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu Thạch gây chấn thương sọ não, Công an huyện Vạn Ninh thu giữ mũ bảo hiểm của Phát (bị rạn nứt). Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT khẳng định việc mũ bảo hiểm bị rạn nứt là do nhiều yếu tố tác động ngoài trời, Phát không dùng mũ bảo hiểm để đánh vào đầu Thạch.
(Từ trái sang phải) Lê Tấn Khỏe, Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm tại phiên tòa sơ thẩm
Kết luận của Công an huyện Vạn Ninh khẳng định Khỏe và Phát có cùng hành vi dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng vào đầu và dùng chân, tay đánh Thạch dẫn đến chấn thương sọ não, gây tử vong. Hành vi này cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”
Công an huyện Vạn Ninh cũng khẳng định Phát và Tâm có hành vi bắt Thạch dẫn giải về trụ sở làm việc mà không được phân công của trưởng, phó công an xã là cấu thành tội “Bắt người trái pháp luật”
Nỗi đau của cha mẹ Tu Ngọc Thạch khi nghe các bị cáo tại tòa kể lại việc đánh chết con mình
Riêng đối với Thắng, Công an huyện Vạn Ninh cho rằng việc làm này là theo quy chế phối hợp giữa công an các xã, không có căn cứ xử lý về hành vi “Bắt người trái pháp luật”.
2 công an xã Lê Minh Phát (trái) và Lê Ngọc Tâm kể lại việc bắt và đánh chết học sinh Thạch
Trước đó, trong 2 ngày 23 và 24-3-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra lại vì nhiều tình tiết, vật chứng quan trọng của vụ án chưa được làm rõ.
Vụ án làm nhiều người bức xúc kéo lên Quốc lộ 1 gây ách tắc giao thông nhiều giờ
Tại bản án sơ thẩm, TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt Phát 6 năm 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và “ Bắt giữ người trái pháp luật ”. Khỏe bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, Tâm bị phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Sau đó, gia đình nạn nhân đã kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo.
Bình luận (0)