Trong vụ án này, tại CQĐT Công an tỉnh Long An, từ nhân chứng đến bị can đều có những lời khai bất nhất, lời khai sau phủ nhận lời khai trước. Vì sao?
Bà Liễu: Tiền hậu bất nhất
Về tờ báo dùng để châm lửa đốt nhà báo Hoàng Hùng, bà Liễu có nhiều lời khai khác nhau. Ngày 20-2, bà Liễu khai: “Tôi xé một tờ báo cuộn tròn lại”. Ngày 21-2, bà Liễu khai: “Tôi xé ra 1 trang dùng tay bóp lại cho tờ báo thu nhỏ theo hình trụ để dễ châm lửa”. Ngày 27-2, khai “xé hơn 1/2 tờ báo rời ngay tại bàn kiếng, nhồi lại còn khoảng 1 tấc”... Vậy tờ báo dùng để đốt nhà báo Hoàng Hùng có kích thước, trọng lượng, hình dáng ra sao? Điều này rất quan trọng để xác định tờ báo ấy khi được quăng ra có thể “đáp” trúng mục tiêu cách xa 2 m hay không? Điều này cũng rất quan trọng để xác định một mình bà Liễu đốt hay có ai giúp sức?
Về thao tác đốt nạn nhân, bà Liễu có những lời khai khác nhau về thứ tự, cách thức thực hiện hành vi. Bà Liễu khai sau khi châm lửa vào tờ báo, bỏ hộp quẹt gas vào túi quần rồi bắt đầu thực hiện việc ném bịch xăng và ném báo tờ báo đang cháy vào. Lúc thì bà Liễu lại khai hất xăng vào giường trước, sau đó ném tờ báo đang cháy vào. Trong khi đó, tại hiện trường thể hiện hai hướng cháy: một hướng cháy từ dưới lên, hướng khác cháy từ trên xuống. Vậy có ai giúp bà Liễu ném bịch xăng hoặc thực hiện đồng thời việc đốt ở hai hướng? Một mình bà Liễu rất khó làm được điều đó.
“Tôi vẫn đốt anh Hùng”!
Về mâu thuẫn vợ chồng, bà Liễu luôn khẳng định: “Tôi bị anh Hùng đánh đập nhiều lần, tôi cũng chẳng than phiền với ai hết”, nhưng cũng chính bà khai sau đó: “Những lần gọi điện thoại hay gặp nhau, tôi tâm sự hoàn cảnh gia đình, Tâm (ông Nguyễn Văn Tâm-PV) đặt vấn đề với tôi và tôi cũng cảm thấy mình bị thiếu thốn nên đồng ý cho Tâm thương tôi”.
Bà Liễu nói chuyện với ai sau khi đốt chồng?
Những lời khai trước đây, cháu Lê Hồng Nhung (con gái đầu của nhà báo Hoàng Hùng) luôn khẳng định: “Giữa ba và mẹ tôi sống hòa thuận, ít khi cãi nhau, thời gian gần đây không có cự cãi hay mâu thuẫn gì”. Tuy nhiên đến ngày 10-9, cháu Nhung thay đổi lời khai: “Giữa ba và mẹ tôi có cự cãi đánh nhau 2-3 lần… Khoảng một tháng trước khi xảy ra vụ việc mẹ đốt ba, mẹ có kêu ba bán nhà nhưng ba không chịu. Từ đó, giữa ba và mẹ thường hay cự cãi nhau về việc bán nhà, còn việc ba mẹ có đánh nhau không thì tôi không thấy, không biết”.
Ngoài ra, cháu Nhung có nhiều lời khai về việc bà Liễu “nói chuyện điện thoại với ai đó” sau khi xảy ra cháy (theo những lời khai của cháu Châu và cháu Nhung, người điện thoại gọi cấp cứu và gọi cho người thân bà Liễu là Châu và Nhung, không phải bà Liễu- PV), nhưng về sau cháu Nhung lại khai: “Khi xảy ra cháy, tôi thấy mẹ cầm điện thoại” và lý giải: “Do nhớ không chính xác”. Vậy cháu Nhung có những lời khai khác nhau vì mục đích gì?
Cửa tầng trệt đóng hay mở?
Về lời khai cửa tầng trệt đóng hay mở sau khi vụ án xảy ra, ngày 1-2, ông Trần Văn Mến (cha bà Liễu) khai: “Tôi quay qua nhà Liễu thì cửa đã mở (…)’’. Tuy nhiên, ngày 11-2 ông Mến khai: “Tôi nghe tiếng la lớn, tôi chạy ra, cửa chính ở tầng trệt đóng kín, cửa rào phía trước nhà khép lại không có khóa. Tôi vừa đứng đó thì Nghĩa và Công Anh (Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Công Anh - hai người tham gia chữa cháy) cũng vừa chạy tới’’.
Cũng về việc cửa tầng trệt đóng hay mở, nhân chứng Nguyễn Công Anh ngày 19-1 có lời khai: “Lúc đến nơi, cửa rào nhà ông Hùng vẫn còn đóng...”. Ngày 19-4, anh Công Anh lại có lời khai: “Khi chạy đến nhà ông Hùng thì thấy ông Mến chạy qua, cửa rào và cửa chính tầng trệt đã mở”.
Trong khi đó, ngày 19-1, anh Nghĩa cũng khai tương tự: “Tôi chạy qua thì thấy cửa rào, cửa tầng trệt nhà anh Hùng đã mở (…)”. Nhưng ngày 21-2, anh Nghĩa khai: “Khi chạy tới phía trước nhà anh Hùng thì thấy cửa rào khép lại, cửa chính của tầng trệt đóng kín (…).
Vì sao các nhân chứng quan trọng này lại có những lời khai bất nhất, lúc thì cửa đóng, lúc mở? Nếu thực sự cửa rào, cửa tầng trệt nhà đã mở, thì ai mở và mở để làm gì? Đó là những tình tiết và câu hỏi rất quan trọng trong vụ án.
Dường như sự thay đổi lời khai của bị can và các nhân chứng đều hướng đến mục đích chứng minh bà Trần Thúy Liễu là hung thủ duy nhất và động cơ giết người đơn giản chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng như kết luận điều tra của CQĐT Công an tỉnh Long An?
Kỳ tới: Những ngày cuối của nhà báo Hoàng Hùng
Nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM) thông thường sự việc mới xảy ra, người ta sẽ nói theo sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Về sau do tác động từ dư luận, báo chí hoặc theo suy nghĩ của họ sẽ dẫn đến có sự thay đổi lời khai. Trường hợp lời khai giữa bị can, nhân chứng… có sự mâu thuẫn, CQĐT phải tiến hành đối chất để làm rõ. Nói tóm lại, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dựa vào những lời khai nào phù hợp tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án cũng như xem xét lời khai đó có bị tác động bởi yếu tố gì hay không để đánh giá, chứng minh sự việc. Còn theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM), lời khai không phải là tất cả chứng cứ và không phải là cơ sở để buộc tội bị can, bị cáo. Nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là áp dụng khoa học hình sự, thực nghiệm điều tra để phân tích rõ ràng, công tâm, chứng minh lời khai nào là có căn cứ. |
Bình luận (0)