Không thu thập đầy đủ chứng cứ
Rõ ràng, nội dung hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn từ số máy của bà Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng, bị TAND tỉnh Long An phiên sơ thẩm tuyên mức án chung thân về tội giết người) đến số máy ông Nguyễn Văn Tâm và một số người khác trong thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra vụ án là một trong nhiều manh mối quan trọng, mang tính quyết định của vụ án, nhất là khi bà Liễu đã được khoanh vùng là nghi can. Thế nhưng, thật khó hiểu khi CQĐT Công an tỉnh Long An đã không tiến hành các nghiệp vụ cần thiết để thu thập.
Trong khi đó, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết trong khoảng thời gian trước và sau vụ án xảy ra, ngoài liên lạc với ông Tâm, bà Liễu còn liên lạc với nhiều người khác, trong đó có chủ thuê bao ở tận tỉnh Quảng Ninh.
Sửa đổi, thêm bớt lời sinh cung
CQĐT đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng của vụ án, thậm chí có những chứng cứ khi chuyển qua VKSND và TAND không còn nguyên vẹn. |
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng Theo luật sư Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lời sinh cung của nạn nhân không thể không liên quan vụ án, vấn đề là mức độ liên quan đến đâu. Việc của CQĐT bỏ ngoài hồ sơ lời khai của nạn nhân khai trước khi chết không những tạo nên mối ngờ vực lớn về hướng điều tra mà còn thể hiện họ thiếu tôn trọng quy định của pháp luật. Lẽ ra, thu thập và cung cấp tài liệu này là trách nhiệm của CQĐT, còn việc nó có được xem là chứng cứ liên quan vụ án hay không, hãy để cho tòa án đánh giá. Chứng cứ liên quan đến lời sinh cung qua thu thập có khả năng chứng minh có hay không hành vi và ai là người thực hiện tội phạm, có thể làm rõ được thời gian, địa điểm phạm tội. Về nguyên tắc, nó phải được ghi nhận và đưa vào hồ sơ vụ án để xem xét, đánh giá bảo đảm tính khách quan. Điện tín giữa bị cáo và những người liên quan cũng là một nguồn chứng cứ, phải được tiến hành thu thập theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại thể hiện vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng quy định tại điểm l, khoản 2, điều 4 của Thông tư liên tịch số 01 ngày 27-8-2010 giữa VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an, nếu xác định có sự bỏ sót, không đưa vào hồ sơ chứng cứ nào hoặc có sự sửa chữa, thêm bớt nội dung hồ sơ. Q.Lâm |
Sự khác biệt đáng ngờ Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy có một số lời khai của nạn nhân trong băng ghi âm gốc nhưng không thấy thể hiện trong “Biên bản mở băng ghi âm lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng” do CQĐT Công an tỉnh Long An thực hiện. Đơn cử, việc nhà báo Hoàng Hùng lo ngại vợ bài bạc, nợ nần bị người ta khống chế, về khuyết điểm của cửa tầng trệt căn nhà...
Đặc biệt, nhà báo Hoàng Hùng có nhắc đến việc anh có tài liệu “vụ ly hôn của hai vợ chồng đăng ký kết hôn ở Mỹ theo luật ở Mỹ xử. Hai vợ chồng làm ăn, đùng cái ông chồng bị Bộ Công an mình khởi tố tội lừa đảo. TAND tỉnh Long An tuyên bố cho bà này hưởng hết tài sản”. Cũng vì muốn làm rõ vụ án này, nhà báo Hoàng Hùng đã đăng ký làm việc với ông Lê Quang Hùng (Phó Chánh án TAND tỉnh Long An) 2-3 ngày mà không được, “ổng cứ đá tới đá lui hoài” - nhà báo Hoàng Hùng khai.
Ngược lại, có những lời khai xuất hiện trong biên bản mở băng ghi âm của CQĐT nhưng không thấy trong băng ghi âm gốc. Ví dụ, nhà báo Hoàng Hùng khai với điều tra viên: “Gần đây có viết tin tên Khoa, con ông Lắm (Lê Văn Lắm, thẩm phán TAND tỉnh Long An, người xét xử vụ án ly hôn kỳ lạ), phạm tội hủy hoại tài sản. Hiện nay, tôi đang tiếp cận thu thập thông tin về vụ xử ly hôn phân chia tài sản (số lượng lớn) liên quan đến người nước ngoài tên Jimmy Trần do ông Lắm làm thẩm phán nhưng ông Lắm không cung cấp thông tin”... Tại sao lại có sự khác biệt này? CQĐT tỉnh Long An do sơ suất nghiệp vụ hay cố ý?
T.Trâm |
Kỳ tới: Cơ quan tố tụng né tránh, áp đặt
Bình luận (0)