Hai nhân chứng này là Trần Trọng Nghĩa và Nguyễn Công Anh. Trước cơ quan chức năng, lời khai của cả hai sẽ cực kỳ quan trọng bởi họ là những người đầu tiên tiếp cận vụ cháy, nhiệt tình cứu chữa và đóng vai trò đắc lực trong việc đưa nhà báo Hoàng Hùng đi cấp cứu. Lời khai của 2 nhân chứng này phần nào sẽ giúp cơ quan điều tra biết được thời điểm nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, cửa tầng trệt nhà nạn nhân đóng hay mở, từ đó xác định có hay không việc người ngoài đột nhập để mở rộng hướng điều tra.
Ra Bắc, lên Tây Nguyên
Lúc xảy ra vụ việc, Trần Trọng Nghĩa và Nguyễn Công Anh cư ngụ tại một căn nhà đang xây dở dang, nằm cách nhà nạn nhân khoảng 40 m, qua một khúc cua xéo. Khi chúng tôi đến, căn nhà trống hoác, không có ai. Nhìn vào bên trong có thể đoán được nhà vắng chủ đã lâu, các vật dụng bám từng mảng bụi. Chúng tôi hỏi thăm nhiều người nhưng chẳng ai biết Nghĩa và Anh hiện giờ ở đâu.
Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với vợ anh Nghĩa tại nhà riêng ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Biết mục đích của chúng tôi, ông Lại Văn Tĩnh, Phó Công an xã Quốc Tuấn, đã tích cực tra cứu hồ sơ và tìm được một người tên là Trần Trọng Nghĩa (SN 1978, kỹ sư xây dựng), thường trú tại địa phương, hiện đang làm việc tại tỉnh Long An. Chúng tôi tìm đến nhà anh Nghĩa. Vợ anh là chị Phạm Thị Phương cho biết sau khi giúp công an lấy lời khai, anh Nghĩa về quê một thời gian rồi quay vào Nam, lên Lâm Đồng xây chùa.
Cách TP Đà Lạt 42 km về phía Nam có “làng” chùa nổi tiếng nằm gần đập thủy điện Đại Ninh, thuộc huyện Đức Trọng - Lâm Đồng. Nơi này có trên 50 cơ sở thờ tự gồm chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường... Phóng viên đáp chuyến xe đò trưa từ TPHCM đến Đức Trọng thì trời đã chạng vạng. Một sự tình cờ may mắn, chúng tôi gặp vị sư thầy đang đứng bên vệ đường đợi xe chở hàng cho chùa. Sư cho biết ở Phương Liên tịnh xá đang xây tòa bảo tháp, có mấy nhóm thợ xây từ nhiều nơi về làm.
Lúc này đường vắng, nhiều sương và khí trời khá lạnh. Sư thầy bảo chúng tôi ngồi cùng xe để vào “làng” chùa. Một người đàn ông làm công quả ở đây chỉ cho tôi ngọn đồi phía bên kia thung lũng, cho biết thợ xây tháp đã về bên đó nghỉ ngơi. Người đàn ông này còn lấy xe máy chở chúng tôi đi. Lên gần đến đỉnh đồi, chúng tôi bắt gặp một tốp thợ đang dạo bộ xuống dốc. Hỏi đến người thứ ba, chúng tôi biết được có một người tên Nghĩa từ Long An lên, đang trọ trong Tâm Liên Đài Thất.
Nơi đất Phật, thuật lại chuyện đau lòng
Bên trong Tâm Liên Đài Thất, một người đàn ông vóc dáng nhỏ nhắn, tóc cắt sát đầu trông không khác mấy so với người xuất gia, đang quỳ thắp nhang trước tượng Phật. Đợi khi anh quay ra bàn trà ngồi, chúng tôi gõ cửa trình bày lý do đường đột tìm đến đây. Sau một thoáng dè dặt và vài câu chuyện của người tha phương, anh mới đồng ý vào chủ đề vụ nhà báo bị đốt cháy vào cái đêm giáp Tết ấy.
Đến đây, chúng tôi đặt câu hỏi: “Cơ quan điều tra mời anh lấy lời khai bao nhiêu lần?”. Anh Nghĩa đáp: “Hai lần”. “Vậy anh đã trình bày ra sao?”. Một lúc suy nghĩ, anh Nghĩa ấp úng: “Như đã kể cho các anh nghe!”. “Theo chúng tôi được biết, anh đã khai khác nhau trong 2 lần khác nhau. Đó là chi tiết cửa nhà bà Liễu đóng/mở. Ngay sau vụ việc xảy ra, anh khai với cơ quan công an là cửa tầng trệt nhà nạn nhân mở, tháng sau thì khai là nó đóng kín?”- chúng tôi đặt nghi vấn. Vẻ bối rối, anh Nghĩa lắc đầu: “Tôi thực sự không nhớ. Trong cái cảnh hỗn loạn đó, tôi chạy đi chạy về 2 lần. Đến lần mang nước qua thì cửa đã mở. Còn trước đó, tôi không nhớ nó đóng hay mở nữa”.
Cũng theo anh Nghĩa, sau vụ việc nói trên, anh tham gia phục vụ lấy lời khai theo yêu cầu của công an rồi tập trung lo chuyện gia đình và công việc riêng. Hỏi lý do vì sao lại lưu lạc đến xứ này, Nghĩa cho biết đang theo làm công quả bởi phát tâm từ thiện. Tiễn chúng tôi ra về trên quãng dốc vọng vang tiếng chuông chùa gần xa, Nghĩa nói môi trường nhà Phật nơi đây làm cho anh vơi đi nhiều nỗi buồn, trong đó có nỗi ám ảnh vụ cháy kinh hoàng mà anh chứng kiến gần một năm trước.
Như vậy, nhân chứng Trần Trọng Nghĩa có hai lời khai khác nhau, chưa kể lời khai của anh còn có những điểm khác biệt với các nhân chứng Nguyễn Công Anh, Nguyễn Văn Sữa, Trần Văn Mến… Những mâu thuẫn này Cơ quan CSĐT Long An chưa làm rõ nhưng lại dựa vào lời khai lần sau để đi đến kết luận “anh Trần Trọng Nghĩa chạy đến trước sân nhà Liễu đều xác định cửa chính tầng trệt khóa kín không vô được”. Kết luận như vậy có chính xác và khách quan không? Và, nếu cửa khóa thì ai là người đã mở cửa cho anh Nghĩa và Công Anh vào nhà tham gia chữa cháy?
Mất dấu Nguyễn Công Anh Hộ khẩu thường trú của Nguyễn Công Anh tại thị trấn Bến Lức đã bị xóa
Kỳ tới: Nạn nhân khai gì sau khi lâm nạn ?
Bình luận (0)