Ngày 4-9, TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai vụ án bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại “tập đoàn kích dục” Tân Hoàng Phát. Sáu bị cáo bị xét xử gồm: Phan Cao Trí (SN 1973, chủ doanh nghiệp Tân Hoàng Phát), Phan Thị Yến (SN 1979, vợ Trí), Phan Việt Hậu (SN 1985), Phan Quốc Cường (SN 1977), Nguyễn Minh Phương (SN 1974) và Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985).
73 nạn nhân
Cáo trạng lần này của VKSND TP HCM xác định tổng cộng có 73 tiếp viên nữ là nạn nhân của vợ chồng Phan Cao Trí và thuộc cấp. Trong đó, 64 người bị bắt giữ trái pháp luật và 9 nạn nhân vừa bị bắt giữ trái luật vừa bị cưỡng đoạt tài sản với tổng số tiền 184 triệu đồng.
Theo cáo trạng, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, ít hiểu biết của các cô gái nghèo, vợ chồng Trí thu nhận họ vào làm trong hệ thống massage của gia đình, buộc họ làm việc 16 giờ/ngày, không trả lương theo đúng hợp đồng. Họ không được nghỉ phép hay tự do đi lại...
Để thu hút khách hàng mà không vi phạm, vợ chồng Trí không cho tiếp viên bán dâm nhưng buộc họ phải kích dục. Hết giờ làm, nhân viên nữ được đưa về nhà vợ chồng Trí, có bảo vệ canh giữ. Nếu nhân viên bị khách phàn nàn, Trí, Hậu, Cường sẽ đánh đập, bắt họ phải dọn nhà vệ sinh…
Tại phiên tòa ngày 4-9, trong phần tranh luận, VKSND TP HCM cho rằng dù các bị cáo phủ nhận toàn bộ hành vi đã gây ra nhưng từ lời khai ở tòa và tại cơ quan công an đã đủ cơ sở buộc tội cả 6 bị cáo. Trong đó, Trí là người chủ mưu, cầm đầu. Hành vi của các bị cáo có tổ chức, nhiều lần, phạm tội với nhiều người…
VKSND TP HCM đề nghị xử phạt Trí 12-14 năm tù, Hậu 10-12 năm, Cường 7-9 năm về 2 tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”; Yến 4-5 năm tù tội “Cưỡng đoạt tài sản”; Phương 3-4 năm, Nhanh 1-2 năm tù tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Quan điểm trái ngược
Trước đó, vụ án này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận khi quan điểm của các cơ quan tố tụng trái ngược nhau. Tháng 2-2010, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra kết luận điều tra xác định Trí và đồng phạm bắt giữ trái pháp luật 65 người, chiếm đoạt của các bị hại 518 triệu đồng.
Sau đó, CQĐT kết luận điều tra bổ sung xác định số tiền cưỡng đoạt theo lời khai ban đầu của Trí, Yến và Hậu khoảng 115 triệu đồng. Tuy nhiên, các bị can đã phản cung, cho rằng không cưỡng đoạt nên chưa xác định chính xác số tiền đã cưỡng đoạt.
Ngày 9-4-2010, VKSND TP HCM ra cáo trạng xác định Trí và đồng phạm bắt giữ trái pháp luật 66 người, cưỡng đoạt tài sản của 9 người với số tiền 169 triệu đồng. Xử sơ thẩm tháng 1-2011, TAND TP HCM nhận định có 93 người bị hại trong vụ bắt giữ người trái pháp luật, 9 người bị cưỡng đoạt tài sản với số tiền 169 triệu đồng và 3 chỉ vàng; tuyên phạt Trí 12 năm tù, Yến 6 năm, Hậu 10 năm, Cường 9 năm, Nhanh 2 năm, Phương 3 năm.
Đến tháng 12-2011, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm nhận định án sơ thẩm có nhiều sai sót nhưng chỉ nêu để… rút kinh nghiệm chứ không hủy. Đồng thời, tòa xác định chỉ có 1 bị hại trong vụ bắt giữ người trái pháp luật và 8 người bị cưỡng đoạt tài sản. Từ đó, giảm án cho tất cả bị cáo, tuyên phạt Trí 5 năm tù, Yến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Hậu 4 năm 6 tháng, Cường 4 năm, Phương 18 tháng và Nhanh 1 năm tù.
Việc tự tiện thay đổi tư cách của 92 người bị hại thành nhân chứng, tuyên giảm án một cách bất thường, bản án phúc thẩm phát hành khác với nội dung đã tuyên công khai tại tòa của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM… đã khiến dư luận nghi vấn.
Ngay sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm để xét xử lại. Xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán đã tuyên hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Hội đồng Giám đốc thẩm nhận định: “Hành vi phạm tội của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng, cần áp dụng khoản 3, điều 123 Bộ Luật Hình sự để xử phạt mới phù hợp. Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo, áp dụng khoản 2, điều 123 là không đúng. Xét xử phúc thẩm lại chỉ áp dụng khoản 1, điều 123 (khung hình phạt nhẹ hơn tòa sơ thẩm đã áp dụng) và giảm hình phạt là sai lầm nghiêm trọng”.
Hôm nay, 5-9, phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.
Chối tội
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, trong khi Nhanh và Phương thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố thì 4 bị cáo còn lại đồng loạt chối tội, cho rằng không bắt giữ người, không cưỡng đoạt tài sản.
Bị cáo Hậu khẳng định những trường hợp phải nộp lại tiền nếu vi phạm hợp đồng là đúng quy định của công ty và cam kết của tiếp viên khi vào làm việc. Trí cho rằng mình chỉ là cổ đông góp vốn thành lập các cơ sở massage, không hề có quy định riêng, không yêu cầu tiếp viên cam kết gì. “Nói bị cáo bắt giữ người là không đúng vì Tân Hoàng Phát có nhà tập thể, nếu tiếp viên đăng ký ở thì cho ở, còn không thì mướn trọ bên ngoài. Nếu nhân viên muốn nghỉ thì bị cáo cho nghỉ theo quy định. Các nhân viên còn được các công ty cho đi du lịch mỗi năm...” - Trí phân bua.
Tương tự, Yến khai chỉ có nhiệm vụ giữ tiền, trả lương, không cưỡng đoạt tài sản. P.Dũng
Bình luận (0)