Ngày 9-6, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Cục Thuế TP HCM. HĐXX tập trung xét hỏi nhóm các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ Cục Thuế TP HCM, bị truy tố về tội "Vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Sai phạm mang tính hệ thống
Trả lời HĐXX, các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố và cho rằng đó là sai lầm về chuyên môn mang tính chất hệ thống.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Hòa Bình (cựu công chức Phòng Kê khai - Kế toán thuế, Cục Thuế TP HCM) gây thất thoát hơn 331 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế 15 kỳ (từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019); lập, ký 15 phiếu đề xuất hoàn thuế trái quy định cho Thuduc House.
Trước tòa, bị cáo Bình cho rằng bị cáo là người trực tiếp nghiên cứu, đề xuất hoàn thuế nhưng bị cáo cũng là người đã lập tờ trình ngày 14-8-2018 đề xuất Cục Thuế TP HCM thanh tra, kiểm tra ngay sau khi hoàn thuế kỳ 4 đến tháng 7-2018 của Thuduc House do phát hiện có các rủi ro. Sau đó, không thấy cấp trên chỉ đạo khác, bị cáo vẫn tiếp tục các bước hoàn thuế cho doanh nghiệp vì không có cơ sở pháp lý để dừng.
Bị cáo phân tích theo quy định, có 2 loại hồ sơ xin hoàn thuế là hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau (thông thường là các hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần đầu hoặc hồ sơ từng bị phát hiện trốn thuế…) và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau. Theo đó, hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House thuộc trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Bị cáo Bình còn cho rằng thậm chí theo quy định, các trường hợp thuế giá trị gia tăng của kỳ hoàn thuế tăng đột biến (đến 20%) so với kỳ trước thì vẫn không được xem là rủi ro và vẫn được hoàn trước, sau đó sẽ kiểm tra trong vòng 1 năm.
Theo bị cáo Bình, hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp của Thuduc House rất đơn giản, không cần cung cấp nhiều thông tin. Cụ thể, bộ hồ sơ đề xuất hoàn thuế chỉ bao gồm giấy đề nghị hoàn và văn bản thuyết minh, giải trình bổ sung thông tin. Những thông tin doanh nghiệp tự khai thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Hồ sơ không cần có hợp đồng xuất khẩu, không có hợp đồng mua hàng, không có phiếu thanh toán tiền… Do đó, khi nghi ngờ hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế, bị cáo đã tự tra cứu thông tin từ hệ thống tờ khai hải quan.
"Khi lãnh đạo cục chưa thành lập được đoàn kiểm tra, thanh tra, chưa có kết quả thì không có cơ sở pháp lý nào cho bị cáo vận dụng dừng việc hoàn thuế. Bị cáo là công chức, được phân công công việc nào thì phải tuân thủ giải quyết hồ sơ ở phần việc đó. Nếu thời điểm đó, bị cáo dừng hoàn thuế thì sẽ có những chế tài khác. Thậm chí, chính người nộp thuế sẽ tố cáo, khiếu nại. Pháp luật cũng quy định mỗi ngày chậm trả tiền thuế bao nhiêu thì tính tiền phạt bấy nhiêu" - bị cáo Bình kể khó.
Đối với những lời khai của bị cáo, chủ tọa phiên tòa cho rằng cán bộ thuế hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp bổ sung những thông tin cần thiết khi cảm thấy điều kiện hoàn thuế chưa đủ. "Lẽ ra với ý thức của một công chức nhà nước, người "gác cổng ngân sách", bị cáo phải vận dụng văn bản pháp luật vào trường hợp này chứ không thể nói không có văn bản pháp luật để vận dụng dừng hoàn thuế khi việc hoàn thuế đang được thực hiện" - chủ tọa nói.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Không vụ lợi (?)
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, ra tòa trong tình trạng phải chống gậy và cần người dìu. Trước tòa, bị cáo Hạnh thừa nhận hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" như cáo trạng truy tố.
Theo cáo trạng, bị cáo Hạnh được cấp dưới báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế tại Thuduc House nhưng không chỉ đạo xác minh, bỏ qua các dấu hiệu này. Từ đó, bị cáo Hạnh ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House trong 15 kỳ (từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019) trái quy định, gây thất thoát cho nhà nước hơn 331 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Hạnh nói đã nghe cấp dưới khai về quy trình hoàn thuế và xác nhận là đúng. Tuy nhiên, bị cáo trần tình: "Trong giải quyết công việc, bị cáo luôn giải quyết đúng theo lương tâm và trách nhiệm, không có tư tưởng vụ lợi đối với hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House cũng như các hồ sơ hoàn thuế khác mà bị cáo phải giải quyết. Trong bối cảnh công việc mà bị cáo được phân công quá nhiều, thời gian giải quyết hồ sơ, họp hành… làm cho bị cáo có một số sai sót. Có việc làm nào chưa đúng kính mong HĐXX xem xét".
Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 12-6.
Thông báo quan trọng cho 119 luật sư
Trước khi kết thúc phiên xử ngày 9-6, chủ tọa phiên tòa cho biết đến thời điểm này, vụ án có 119 luật sư đăng ký bào chữa cho 50 bị cáo.
Để tiện điều hành phiên xử, thủ tục xét hỏi ở những phiên xử tiếp theo sẽ được thực hiện theo diễn tiến sau: HĐXX sẽ hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; các thành viên HĐXX, đại diện VKSND sẽ tham gia xét hỏi bổ sung; các luật sư tham gia xét hỏi.
Chủ tọa thông báo HĐXX sẽ hạn định thời gian đăng ký xét hỏi của luật sư kết thúc sau phiên xét xử vào sáng thứ hai (12-6). Nếu các luật sư không đăng ký xét hỏi trong khoảng thời gian này xem như không tham gia xét hỏi trong phiên xử.
Bình luận (0)