Ngày 30-9, liên quan đến việc Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội ra quyết định xử phạt nhà báo Quang Thế (Báo Tuổi Trẻ) 14,4 triệu đồng với hàng loạt lỗi khi tác nghiệp tại hiện trường vụ tự tử trên cầu Nhật Tân, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết đã đề nghị Công an TP Hà Nội xem xét lại quyết định này.
Bị ngăn cản ngay từ đầu
“Nhà báo Quang Thế tường trình với chúng tôi rằng anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp chứ không phạm những lỗi khác như quyết định xử phạt của Công an quận Tây Hồ” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các nhà báo đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận các nhà báo (gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Việt Nam, Tuổi Trẻ Thủ Đô, Zingnews…) đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như quyết định xử phạt quy kết.
“Hơn nữa, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà nhà báo Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt rất nhiều lỗi như vậy?” - ông Trung nói.
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề liệu Công an TP Hà Nội đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là điều tra việc “Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên” (chứ không phải “gạt tay trúng má”) và “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” hay chưa? Đó là câu hỏi cần được lãnh đạo Công an Hà Nội trả lời đầy đủ và có trách nhiệm không chỉ cho lãnh đạo TP mà còn cho công chúng cả nước.
Hiện trường vụ tự tử trên cầu Nhật Tân, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến
Có thể khởi kiện
Về việc này, trả lời Báo Người Lao Động, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng nếu có hành vi vi phạm hành chính thì việc xử lý phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại điểm đ khoản 1 điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Do đó, quyết định xử phạt nhà báo Quang Thế là chưa thỏa đáng. “Ví dụ, cơ quan chức năng đã xử phạt hành vi chụp ảnh ở khu vực cấm theo điểm đ, điểm e khoản 1 điều 18 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc xác định khu vực cấm trong trường hợp này không phù hợp với quy định tại điều 2 Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 6-9-2004 về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm nên không có cơ sở xử lý các hành vi này. Tương tự, đối với các hành vi còn lại như: Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ (vi phạm điểm b khoản 2, điều 6, NĐ 167/2013/NĐ-CP); Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân (vi phạm điểm b, khoản 2 điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản)… thì người có thẩm quyền xử phạt cũng phải chứng minh nhà báo Quang Thế đã có hành vi này. Nếu không chứng minh được mà vẫn tiến hành xử phạt thì rõ ràng đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong xử phạt vi phạm hành chính, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu nhà báo Quang Thế không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết vụ việc” - luật sư Hậu phân tích.
Cũng theo luật sư Hậu, việc xử lý vi phạm sai không những sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt mà còn làm ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, khiến hoạt động giám sát xã hội không được thực thi vì nhà báo và cả người dân lo ngại, e dè họ cũng sẽ rơi vào trường hợp trên; làm hình ảnh người công an nhân dân xấu đi trong mắt người dân.
“Đối với chiến sĩ công an, cũng phải xử lý với hình thức tương xứng mức độ vi phạm, tránh tình trạng bao che, ngụy biện…” - luật sư Hậu nhấn mạnh.
Xử sao cho đúng bản chất
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị Công an TP Hà Nội xử lý đúng người, đúng việc, đúng bản chất để làm sao tạo hình ảnh đẹp đối với người bảo vệ pháp luật, cũng không làm mất niềm tin đối với người làm báo.
Về việc xử phạt 6 hành vi vi phạm đối với nhà báo Quang Thế, ông Minh cho rằng có nhiều cái đi quá mức. “Nếu xử phạt thì làm sao cho người bị phạt tâm phục, khẩu phục chứ không phải theo kiểu dùng quyền lực” - ông Minh nói.
Phải thông báo khu vực cấm
Ông Nguyễn Văn Chung - Viện trưởng VKSND quận 8, TP HCM - cho biết khi phát hiện hay nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan công an sẽ có mặt và cho phong tỏa hiện trường để điều tra. “Để phân biệt đâu là ranh giới cấm vào thì cơ quan chức năng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, công an địa phương…) cần thông tin cho những người có mặt tại khu vực hiện trường biết. Nếu không có những biện pháp thông tin cảnh báo về khu vực cấm xâm phạm thì rất khó để ngăn người hiếu kỳ, thân nhân của người chết hay các nhà báo tác nghiệp biết đâu là ranh cấm để không vào” - ông Chung nói.
Không thể chấp nhận!
Có lẽ chưa khi nào nhà báo lại trở thành đối tượng dễ bị tổn thương đến như vậy. Từ kẻ côn đồ, du đãng đến người thực thi pháp luật đều có thể hành hung nhà báo một cách công khai.
Trước vụ nhà báo Quang Thế, nhà báo Đỗ Thanh Hải của Báo VTC News tại Đắk Lắk cũng bị nhóm công an viên khống chế và tước phương tiện hành nghề. Tương tự, năm 2015, tại quận Gò Vấp, TP HCM, nhà báo Thanh Tàu của Báo Hà Nội Mới khi tác nghiệp ở hiện trường một vụ tai nạn giao thông thì bị một công an quận này hành hung. Trước nữa, hàng trăm vụ việc nhà báo bị hành hung khi đang tác nghiệp, có những vụ gây thương tích nặng như trường hợp nhà báo Thế Dũng của Báo Người Lao Động… Thế nhưng, có lẽ vụ việc của các nhà báo Quang Thế, Thanh Tàu, Thanh Hải có tính chất đặc biệt hơn bởi đối tượng hành hung lại chính là lực lượng thực thi pháp luật. Việc hành hung diễn ra giữa ban ngày, người bị hành hung thì tác nghiệp đúng Luật Báo chí.
Việc nhà báo bị hành hung không chỉ xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm được Hiến pháp 2013 quy định tại điều 20 và Luật Báo chí 2016 quy định tại điều 9 mà còn xâm phạm đến quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của nhà báo (điều 25 Hiến pháp 2013, điều 13 Luật Báo chí 2016).
Trong mọi trường hợp, việc hành hung nhà báo khi đang tác nghiệp đúng Luật Báo chí là hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được. Ngăn cản, hành hung nhà báo đồng nghĩa với việc ngăn cản quyền tự do báo chí, quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân mà nhà báo là người thay mặt nhân dân thực hiện.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc hành hung nhà báo cho thấy phần lớn từ việc nhận thức pháp luật của một bộ phận người thực thi công vụ có vấn đề. Lực lượng thực thi pháp luật quá chú trọng vào nhiệm vụ được cấp trên giao phó như bảo vệ hiện trường, bảo vệ trật tự mà không cần quan tâm đến Luật Báo chí cũng như tác nghiệp của nhà báo. Lấy lý do bảo vệ hiện trường, không để hiện trường bị xáo trộn hoặc cho rằng việc quay phim, chụp ảnh của nhà báo có thể dẫn đến mất trật tự nên lực lượng thực thi công vụ ra tay cản trở tác nghiệp. Nếu người bị cản trở có thái độ cự cãi, đôi co sẽ bị trấn áp, thậm chí hành hung gây thương tích.
Theo quy định pháp luật điều tra hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự, việc giữ nguyên trạng hiện trường vụ việc có dấu hiệu hình sự là đặc biệt hệ trọng, là trách nhiệm của lực lượng công an. Có lẽ xuất phát từ tính chất quan trọng như vậy nên lực lượng công an được cử làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường rất dễ bị căng thẳng, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng trở thành lớn chuyện.
Tuy nhiên, là lực lượng thực thi pháp luật, trong mọi trường hợp cần dùng lý lẽ, ứng xử có văn hóa, lịch sự và trách nhiệm để thuyết phục nhà báo, đằng này họ dùng nắm đấm, sức mạnh cơ bắp để “nói chuyện”. Cái sai của người thực thi công vụ là ở chỗ này. Bởi lẽ, bất cứ một chiến sĩ công an nào cũng phải thuộc nằm lòng 5 lời thề danh dự của Công an Nhân dân: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)
Bình luận (0)