Là người đầu tiên bước lên bục nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết khi kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, bị cáo đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận mọi trách nhiệm của mình là người đứng đầu gây ra sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án.
Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa - Ảnh: TTXVN
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết cũng nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất của Đảng và Nhà nước. "Tại các cuộc họp đã xin lỗi trực tiếp đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban chấp hành Trung ương, đại diện ngành thông tin truyền thông. Hôm nay, tại phiên tòa này, một lần nữa cho bị cáo gửi lời xin lỗi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng , Đảng, Nhà nước về những việc bị cáo làm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến Nhà nước niềm tin đối với Đảng" - bị cáo Son nói.
Bị cáo xin gửi lời cảm ơn đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã giúp bị cáo nhận rõ những sai phạm, trách nhiệm của mình và ghi nhận những thành thật của bị cáo. Bị cáo chân thành cảm ơn cơ quan điều tra vì bi cáo có 2 lần bị ngất ở bàn làm việc, một lần ngất đi 3 ngày mới tỉnh lại do nhồi máu cơ tim song đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
"Tại phiên toà, bị cáo xin cảm ơn ban giám thị, toàn bộ cán bộ T16 đã tận tình giúp đỡ chăm sóc cho bị cáo, nhất là những tháng đầu suy sụp về cả sức khoẻ lẫn tinh thần. Cảm ơn HĐXX trong những ngày qua đã điều hành phiên toà nhân văn, khách quan. Bị cáo xin lỗi HĐXX, đại diện VKS vì lúc nhất thời không vượt qua được chính mình mà thay đổi lời khai của chính mình, xin được lượng thứ"- bị cáo Son chậm rãi nói.
Theo ông Nguyễn Bắc Son, tổng công ty MobiFone là doanh nghiệp cung cấp viễn thông đầu tiên của nước nhà, là doanh nghiệp tốp đầu góp ngân sách cho nhà nước. Trong nửa triệu doanh nghiệp, MobiFone hàng năm mỗi người đóng 1,5 tỉ đồng cho ngân sách. Thành công này là đội ngũ cán bộ chủ chốt mà đang ở phòng xét xử này. Do vậy, bị cáo kính đề nghị HĐXX chấp nhận lời xin giảm án mức án tối đa nhất cho Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải cùng các bị cáo tại MobiFone.
Theo ông Son, trước khi vào trại T16, bị cáo đã biết được ông Phạm Nhật Vũ đã tích cực khắc phục hậu quả cho vụ án, nộp lại hơn 8.000 tỉ đồng. Sau khi đọc cáo trạng, bị cáo còn biết ông Vũ còn có nhiều công lao cho phật giáo nước nhà. Bị cáo còn hiểu thêm ông Vũ còn đóng góp thêm cho ngoại giao nước nhà, duy trì sự phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga, Ấn Độ và các nước. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX khoan hồng cho Phạm Nhât Vũ.
"Cá nhân tôi thấy đây là bài học vô cùng đắt giá trong cuộc đời. Trong hơn 45 năm chiến đấu, công tác, bị cáo đã bị trả giá đắt, với nội dung luận tội, có thể bị cáo còn phải trả bằng cả sinh mạng. Bị cáo đã có lời thỉnh cầu để trình bày những đóng góp của gia đình bị cáo với nhà nước qua những huân chương cao quý. Trong đơn bị cáo cũng nói gia đình sẽ quyết tâm khắc phục 100% hậu quả. Khi HĐXX kết án sẽ cho bị cáo hưởng án mức thấp nhất có thể và để trở về với gia đình trong năm tháng cuối của cuộc đời."
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN
Trước đó, tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khai không phải bị cáo chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện mua AVG ngay trong năm 2015. Cụ thể, theo bị cáo Son, ngày 14-12-2015, Bộ TT-TT nhận được Công văn số 2678 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ "Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TT-TT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
"Bị cáo có bút phê tại văn bản ngày 15-12-2015 giao cho Vụ quản lý doanh nghiệp với nội dung là xây dựng văn bản để chỉ đạo MobiFone thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng. Văn bản này chỉ tồn tại 8 tiếng và không có văn bản phát hành. Đề nghị tòa cho giám định, tôi chỉ viết trên tờ giấy vàng nhỏ bằng bàn tay, dán vào văn bản 2678; không phải văn bản có tiêu đề, ngày tháng"- bị cáo Son khai.
Ngoài ra, nguyên bộ trưởng Son cũng khẳng định bản thân mình và bị cáo Trương Minh Tuấn không được đào tạo bài bản về tài chính nhưng đã cố gắng xin ý kiến từ các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… trước khi đồng ý cho MobiFone mua AVG. "Các Bộ đồng thuận, Thủ tướng chấp thuận, cơ quan tham mưu đề nghị phê duyệt nên tôi đồng ý"- bị cáo Son nói, đồng thời phủ nhận mình là chủ mưu trong vụ án.
Về số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ nguyên Chủ tịch HĐQT AVG, lúc đầu bị cáo Son không thừa nhận hối lộ số tiền này như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, sau đó bị cáo lại thay đổi lời khai đã nhận số tiền và chi tiêu cá nhân, không đưa 3 triệu USD cho con gái như lời khai ban đầu.
Bị cáo Trương Minh Tuấn, nguyên bộ trưởng TT-TT, khai thời điểm phạm tội đang là thứ trưởng bộ TT-TT, không được giao phụ trách nhưng được giao việc cụ thể chỉ sau khi bộ trưởng (ông Nguyễn Bắc Son - PV) duyệt như ký công văn 44 gửi Bộ Công an, bị cáo mới ký báo cáo thẩm định. Bị cáo Tuấn khai trong số 55 văn bản, bị cáo ký 5 văn bản, trong đó 3 văn bản bộ trưởng duyệt giao ký, 2 văn bản trình bộ trưởng xong mới ký.
Ngoài ra, bị cáo Trương Minh Tuấn trả lời khi phê duyệt chủ trương, bị cáo không được biết, khi ký văn bản 44 bị cáo cũng không được biết. Quá trình ban đầu bị cáo không biết MobiFone xin chủ trương, khi làm Bộ trưởng lấy lại hồ sơ mới biết. Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận mình ký quyết định 236 phê duyệt MobiFone mua lại AVG. "Lúc tôi ký, thực hiện theo chỉ đạo bút phê của bộ trưởng" - ông Tuấn khai trước toà.
Cũng tại phiên toà, phần lớn các bị cáo của nguyên là lãnh đạo của MobiFone cho rằng mình bị cấp trên ép buộc phải thực hiện ký vào các văn bản sau này dẫn đến sai phạm. Các bị cáo đều thừa nhận bản thân đã ký văn bản sau đó dẫn đến sai phạm, các bị cáo xin HĐXX xem xét để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bình luận (0)