Sau 3 ngày xét xử, ngày 27-6, đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án đối với ông Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cùng 4 đồng phạm.
Miễn trách nhiệm dân sự
Đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị HĐXX TAND cùng cấp xử phạt ông Đặng Thanh Bình từ 4 đến 5 năm tù; Hà Tấn Phước (nguyên tổ trưởng Tổ Giám sát NHNN) từ 30 đến 36 tháng tù; Phạm Thế Tuân (nguyên tổ phó Tổ Giám sát) từ 30 đến 36 tháng tù; Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù; Ngô Văn Thanh (nguyên Phó Phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ ngân hàng Vietcombank Long An) từ 24 đến 36 tháng tù, cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo do đã xác định Phạm Công Danh sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Ngoài ra, VKS kiến nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân liên quan của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN trong việc thực hiện sự phân công của Thống đốc NHNN và cũng làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau là ngân hàng Xây dựng - VNCB) theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Đặng Thanh Bình (bìa phải) cùng các đồng phạm tại tòa
VKS nhận định việc truy tố các bị cáo tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ. Các bị cáo nguyên là thành viên tổ giám sát đã làm không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, để Phạm Công Danh cùng đồng phạm thao túng mọi hoạt động của VNCB, sử dụng ngân hàng như công cụ, phương tiện phục vụ lợi ích cá nhân. Dù Phạm Công Danh dùng thủ đoạn từ gian dối, tinh vi đến công khai trắng trợn trong thời gian dài nhưng không có sự hiện diện của Tổ Giám sát và Ban Chỉ đạo tái cơ cấu. Việc buông lỏng này đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh rút từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng của VNCB, đến nay không có khả năng thu hồi.
Đổ vỡ phương án tái cơ cấu
Theo đại diện VKS, kết quả điều tra có đủ căn cứ kết luận bị cáo Đặng Thanh Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu TrustBank do chính NHNN đã trình Thủ tướng.
Ông Bình không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh. Bị cáo Bình đã quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành và thao túng TrustBank. Hành vi phạm tội của bị cáo Bình là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ phương án tái cơ cấu TrustBank để cho Phạm Công Danh gây thiệt hại 15.000 tỉ đồng, gây ảnh hướng xấu đến hoạt động tài chính, tín dụng quốc gia.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa trong những ngày qua, ông Đặng Thanh Bình không thừa nhận hành vi phạm tội mà chỉ thừa nhận để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng truy tố là chưa làm tròn trách nhiệm chính trị.
Theo VKS, trong vụ án này lẽ ra phải xử lý bị cáo Bình mức án cao nhất của khung hình phạt là 12 năm tù. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có quá trình cống hiến lâu dài, có nhiều thành tích trong công tác, nhận được nhiều bằng khen, huân - huy chương nên xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình, các luật sư nói rằng bị cáo đã thực hiện nhiệm vụ một cách đầy đủ trách nhiệm, đúng pháp luật và đúng với yêu cầu công tác mà bị cáo được phân công. Ngoài ra, bị cáo Bình cũng thường xuyên, liên tục nghe báo cáo đề xuất từ Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN và chỉ đạo cơ quan này thực hiện các công việc cần thiết để tái cơ cấu TrustBank. Theo luật sư, bị cáo Bình hoàn toàn không có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác được giao.
Luật sư nhận định Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN chậm xử lý thông tin báo cáo của Tổ Giám sát, không có báo cáo đề xuất và tham mưu theo chỉ đạo của thống đốc, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Phạm Công Danh phạm tội. Luật sư cũng cho rằng hậu quả của vụ án là do thiếu kiểm tra, giám sát của Tổ Giám sát, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN chứ không phải là hậu quả của việc phê duyệt phương án tái cơ cấu TrustBank hay bút phê của ông Đặng Thanh Bình trên Tờ trình 1340 rằng "việc kiểm tra góp vốn sẽ được thực hiện sau này".
Từ những lập luận này, luật sư đề nghị HĐXX xem xét và tuyên bố bị cáo Đặng Thanh Bình không phạm tội.
Phạm Công Danh qua mặt vì tổ…không giám sát
Đại diện VKS nhận định việc để Phạm Công Danh qua mặt là do các bị cáo nguyên là thành viên Tổ Giám sát chưa thực hiện đúng quyền hạn được giao. Theo đó, nếu phát hiện sai phạm thì phải yêu cầu VNCB ngừng mọi hình thức giải ngân các khoản cấp tín dụng, tạm ứng, ủy thác đầu tư.
Trong trường hợp đã giải ngân dù có hay không có sự đồng ý của tổ giám sát thì các thành viên tổ phải giám sát trên cơ sở các quyền tiếp cận không hạn chế đối với mọi tài liệu, hồ sơ kể cả hệ thống phần mềm.
Hoặc các bị cáo phải tích cực làm việc để lần tìm ra dấu vết, đường đi của dòng tiền đã bị chuyển trái phép ra khỏi VNCB. Bên cạnh đó, phải giám sát mục đích sử dụng số tiền mà các bị cáo cho chuyển, VNCB có làm đúng khuyến cáo của tổ giám sát hay không.
Nếu tổ giám sát đã làm đúng, đầy đủ và hết trách nhiệm theo sự phân công thì sẽ phát hiện tiền của VNCB bị Phạm Công Danh cho vay, đầu tư trái phiếu…, qua đó có biện pháp thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi số tiền đã chuyển ra.
Bình luận (0)