Ngày 16-10, ngày thứ 3 TAND tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm 5 bị cáo liên quan đến vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở địa phương này. Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra trong 3 ngày nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) đã phải kéo dài thêm để làm rõ một số nội dung quan trọng.
Sao không đổ trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh?
Trong phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang - người bị cho là "khởi xướng" vụ gian lận điểm thi), các luật sư truy vấn về chi tiết "lôi bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) vào" mà Hoài đã nói với bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang).
Các luật sư đặt vấn đề: "Lôi bà Chính vào" là hàm ý gì? Tại sao phải lôi vào cuộc? Vì sao không đổ trách nhiệm cho ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT), ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang), cao hơn là ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương), trách nhiệm của những người đó còn cao hơn cả trách nhiệm của bà Chính?
Các bị cáo tại phiên tòa
Bị cáo Hoài cho biết cách đặt vấn đề này thực ra rất nhiều người đã nêu trước đó. "Tôi chỉ nhắc lại với anh Lương tại nhà riêng. Hàm ý là chị Chính đưa danh sách (13 thí sinh) cho tôi nâng, xem điểm môn ngữ văn cũng không khác gì tôi đưa cho anh Lương nâng điểm môn thi trắc nghiệm" - bị cáo Hoài nói.
Bị cáo Hoài lý giải thêm, vốn là trưởng ban chấm thi, bà Chính phải trực tiếp chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình chấm thi (tự luận và trắc nghiệm). Trong quy chế chấm thi thì trưởng ban chấm thi phải chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình giám sát môn trắc nghiệm. "Hành vi của chúng tôi là nâng điểm các bài thi trắc nghiệm thì chị Chính phải có trách nhiệm một phần. Việc nâng điểm bài thi trắc nghiệm xảy ra trong quá trình xử lý bài thi chứ không xảy ra trong quá trình vận chuyển bài thi" - bị cáo Hoài khai trước tòa.
Luật sư Hoàng Văn Doãn truy tiếp: Trong công việc, bị cáo Hoài dưới quyền giám đốc và phó giám đốc sở, sao không báo cáo mà lại nhắn tin báo cáo vượt cấp cho ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh?
Đáp lại, bị cáo Hoài khai trong cuộc họp ngày 8-7-2018, sau khi phát hiện vụ việc, ông Vũ Văn Sử, bà Triệu Thị Chính, ông Nguyễn Thế Bình (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT), ông Lê Xuân Trung (Phó chánh Thanh tra Sở GD-ĐT) đã quy kết sai phạm của bị cáo và Vũ Trọng Lương. Sau đó bị cáo đã lý giải theo điều 26 quy chế thi nhưng mọi người không đồng ý nên mới nhắn tin báo cáo với ông Quý. Hoài cũng nhấn mạnh rằng tất cả những lời khai của mình với cơ quan điều tra, VKS và lời khai trước tòa hoàn toàn là sự thật. Nếu không tôn trọng sự thật thì đã có thể có những phương án trả lời khác. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận những nội dung buộc tội trong cáo trạng.
"Choáng, sốc" cũng không đủ để phản ánh
Tương tự, trong phần xét hỏi, trả lời các câu hỏi của HĐXX, ông Vũ Văn Sử thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính.
Theo ông Sử, sau khi phát hiện một trong 2 ổ khóa phòng nơi chứa bài thi đã bị mở, ông lập tức nhờ người đi tìm Nguyễn Thanh Hoài nhưng không được. Sau đó, kiểm tra camera an ninh mới phát hiện Vũ Trọng Lương đã giật tờ niêm phong, mở ổ khóa và đưa máy tính ra ngoài. Vì vậy ngày hôm sau, tại cuộc họp trong Sở GD-ĐT, sau khi đấu tranh thì Lương mới thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của hội đồng thi.
HĐXX đề nghị ông Vũ Văn Sử đặt cương vị là người có vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang ở thời điểm xảy ra vụ án để tự nói về trách nhiệm của bản thân: "Dư luận rất quan tâm việc chống tiêu cực nhưng trong kỳ thi lại có biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ. Ông nghĩ gì?".
Ông Sử cho rằng điều khó nhất chính là yếu tố con người, ông không bao giờ ngờ tỉnh Hà Giang lại xảy ra việc nâng điểm thi. Đây là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử thi cử nước nhà, từ "choáng, sốc" cũng không đủ để phản ánh. Bản thân ông không nghĩ "mở lối cho tội phạm tiêu cực". Bởi theo ông Sử, những lần ông nói về thi cử chỉ là những câu chuyện hằng ngày, nói xong cũng quên ngay và chỉ trong phạm vi hẹp có ít người...
Cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chối tội
Cùng ngày, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục thẩm vấn 8 bị cáo cùng với người làm chứng để làm rõ vai trò của từng người trong vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại tỉnh này.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) tiếp tục khẳng định trước kỳ thi, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La) đã gọi lên phòng hỏi về cách nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Sau đó, Nga trao đổi kế hoạch sửa bài thi với bà Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó Phòng Chính trị tư tưởng), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá Phòng PA83), Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) cùng các bị can khác. Các bị cáo đã thống nhất sẽ cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang khu vực chấm thi về nhà Đặng Hữu Thủy để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới. "Theo quy định thì tất cả bài thi quét xong phải niêm phong nhưng các bị cáo không thực hiện, việc này được anh Yến đồng thuận" - Nga khai.
Thế nhưng, khi được gọi lên thẩm vấn, cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến phủ nhận những lời khai của các bị cáo. Bị cáo Yến khẳng định mình không chỉ đạo và không tham gia vào đường dây nâng điểm thi. Cụ thể, bị cáo Yến cho rằng danh sách 13 thí sinh là để nhờ bị cáo Nga xem điểm chứ không hề nói nhờ nâng điểm.
HĐXX truy hỏi: "Việc xem điểm thi trước ngày công bố có vi phạm quy định không?". Bị cáo Yến cho rằng mình nhận thức xem trước ngày công bố của bộ là sai nhưng vẫn làm vì được người khác nhờ vả chứ không hề trục lợi từ việc này (!?).
N.Hưởng
Bình luận (0)