Ngày 28-5, phiên tòa xét xử vụ án tai biến y khoa chạy thận khiến 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 10. Luật sư Trần Hồng Phúc tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương.
Tại phiên tòa ngày 25-5, luật sư Phúc đã có phần bào chữa khoảng 4 giờ đồng hồ, trong đó tập trung vào vấn đề có hay không trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ việc này, đồng thời chỉ ra những thiếu sót trong việc ban hành quy trình, quy chuẩn chạy thận của Bộ Y tế.
Tại tòa sáng nay, luật sư Trần Hồng Phúc đề cập đến công văn của Bộ Y tế trả lời Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) - Công an tỉnh Hòa Bình. Theo bà Phúc, trong quá trình điều tra, CQCSĐT đã gửi 6 câu hỏi lên Bộ Y tế và được phúc đáp bằng công văn 4342.
Các luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm
Một trong số những câu hỏi của CQCSĐT là: Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2 có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?
Tuy nhiên, theo bà Phúc, khi Bộ Y tế có công văn phúc đáp, đã thêm thuật ngữ "AAMI" vào câu hỏi của cơ quan điều tra, có nghĩa Bộ Y tế đã tự ý biên tập, chỉnh sửa câu hỏi gốc của cơ quan điều tra.
Theo vị luật sư này, việc chỉnh sửa này có thể do lỗi đánh máy, nhầm lẫn nhưng đã gây ra "hiểu lầm tai hại". Bởi theo bà Phúc, trong bản luận tội của Viện Kiểm sát (VKS) đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AMMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo.
Qua phân tích nêu trên, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng không phải VKS mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo trong vụ án này.
"Bộ Y tế đã tự biên tập lại câu hỏi không nằm trong danh sách câu hỏi của CQCSĐT. Về vấn đề này, LS đề nghị đại diện VKS đánh giá ở bút lục 1487 và 1485 là công văn của CQCSĐT, công an tỉnh Hòa Bình gửi cho Bộ Y tế"- bà Phúc nói.
Đại diện Bộ Y tế trả lời câu hỏi của HĐXX vào ngày 22-5
Cũng trong phần bào chữa, luật sư Phúc cho rằng Bộ Y tế đã gửi công văn cho CQCSĐT tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Mỹ vào công văn, rất dễ gây nhầm lẫn là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không. Bản thân Bộ Y tế cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không.
Tham gia bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Nguyễn Văn Đà tiếp tục bác toàn bộ truy tố của VKS đối với thân chủ của mình. Theo luật sư Đà, việc điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước đã sửa xong điều này được hiểu là hệ thống an toàn, đối với kiểm tra nguồn nước thuộc trách nhiệm của kỹ sư chuyên ngành hệ thống lọc nước RO số 2, không liên quan đến bác sĩ Lương.
Luật sư Đà cũng yêu cầu làm rõ hợp đồng ký kết giữa Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong đó, xem xét trách nhiệm giám sát của Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, và ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Khoảng 10 giờ 15 phút, sau phần bào chữa của các luật sư, Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh thông báo HĐXX hội ý 15 phút.
Hết thời gian hội ý, HĐXX nghỉ phiên làm việc buổi sáng do bị cáo Bùi Mạnh Quốc không đảm bảo sức khỏe. Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.
Theo cáo trạng, BVĐK tỉnh Hòa Bình điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29-5-2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 9 bệnh nhân chạy thận sau đó lần lượt tử vong.
Cáo trạng cáo buộc với trình độ, trách nhiệm được giao, Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29-5-2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp 2 loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29-5-2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.
Nguyễn Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28-5-2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận nhân tạo.
Trong cáo trạng, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Bình luận (0)