Thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (sau đổi là Ngân hàng Xây Dựng - VNCB), ông Phạm Công Danh đã chủ động tìm đến BIDV tại Hà Nội gặp lãnh đạo BIDV hội sở chính đặt vấn đề VNCB có các khách hàng doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Danh không cho BIDV biết sẽ sử dụng vốn vay vào mục đích tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ lên 7.500 tỉ đồng.
Không biết mình ký gì?
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa sáng nay 9-1, ông Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh "đóng vai" giám đốc để ký giấy tờ vay vốn. Thực hiện chỉ đạo, Nguyễn Quốc Thịnh (bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh) đồng ý làm giám đốc Công ty Thịnh Quốc nên đến Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM làm thủ tục thành lập công ty. Sau đó, Thịnh đến công an làm thủ tục đăng ký con dấu.
Từ khi công ty được thành lập, hồ sơ pháp nhân và con dấu của công ty đều do Tập đoàn Thiên Thanh quản lý, Thịnh không được quản lý. Phạm Công Danh trả lương cho Thịnh từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm.
Ông Phạm Công Danh nợ nên làm liều
Thịnh biết rõ Công ty Thịnh Quốc không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào, không mua bán vật liệu xây dựng, thực tế chỉ có một mình Thịnh đứng tên giám đốc, không có phòng ban hay nhân viên nào khác. Thế nhưng, Thịnh vẫn ký 3 hợp đồng bán vật liệu xây dựng với giá trị hợp đồng từ 883,9 tỉ đồng lên đến 1.139 tỉ đồng.
Khi có các hợp đồng này, ông Danh và các đồng phạm đã đưa vào hồ sơ vay vốn của BIDV. Sau đó, BIDV đã giải ngân vào tài khoản của Công ty Thịnh Quốc số tiền 1.130 tỉ đồng và Thịnh ký ủy nhiệm chi chuyển toàn bộ số tiền này cho ông Danh sử dụng.
Tương tự, Nguyễn Ngọc Thái là nhân viên bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh được ông Danh chỉ đạo thành lập Công ty Nhà Quốc Thắng và đứng tên giám đốc. Công ty Nhà Quốc Thắng không kinh doanh gì nhưng Thái cũng ký 5 hợp đồng bán vật liệu xây dựng từ 157 tỉ đồng lên đến 1.092,7 tỉ đồng. Từ đó, ông Phạm Công Danh sử dụng 5 hợp đồng này làm hồ sơ vay 1.332 tỉ đồng của BIDV. Sau khi được giải ngân, Nguyễn Ngọc Thái ký ủy nhiệm chi chuyển vào tài khoản để ông Danh rút ra sử dụng.
Lê Văn Tuấn là nhân viên bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh cũng được ông Danh chỉ đạo thành lập, làm giám đốc Công ty Thiên Trang Phạm. Tuấn ký 4 hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng để vay BIDV 1.208 tỉ đồng.
Nguyễn Thị Kim Vân là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh được chỉ định làm tổng giám đốc Công ty Hương Việt, ký 3 hợp đồng mua bán để làm hồ sơ vay BIDV 1.030 tỉ đồng.
Các bị cáo đóng vai giám đốc đã giúp sức cho Phạm Công Danh vay từ BIDV 4.700 tỉ đồng, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550,9 tỉ đồng.
Bí quá làm liều
Bị cáo Trần Văn Bình (nguyên tổng giám đốc Công ty Trung Dung) khai rằng được tuyển dụng vào làm tài xế tại Tập đoàn Thiên Thanh vào năm 2009. Sau đó, ông Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm tổng giám đốc và đại diện pháp luật Công ty Trung Dung, mỗi tháng ông Danh trả thêm cho Bình 5 triệu đồng.
Việc thành lập Công ty Trung Dung, Bình chỉ đưa chứng minh nhân dân, còn lại các thủ tục là do kế toán Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện. Bình không biết trụ sở công ty đặt ở đâu, ban điều hành công ty gồm những ai và không điều hành hoạt động công ty.
Ông Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh vay Sacombank 1.800 tỉ đồng
Khi cần ký các giấy tờ liên quan đến Công ty Trung Dung thì nhân viên kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh đưa Bình ký, nội dung gì Bình không biết. Việc phát hành trái phiếu của Công ty Trung Dung và các hợp đồng mua bán trái phiếu do các công ty khác, Bình không biết là đã ký lúc nào, ở đâu và cũng không được hưởng lợi gì.
Bị cáo Phan Thành Mai khai ông Danh chỉ đạo về việc cần huy động tiền để sử dụng vào các mục đích chăm sóc khách hàng, tăng vốn từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng, mua lại các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ nhưng do các công ty Phạm Công Danh thành lập đã sử dụng pháp nhân vay vốn của BIDV, Sacombank nên không thể sử dụng để vay tiếp được.
Sau đó, ông Danh chỉ đạo các thành viên trong HĐQT tìm các công ty để mượn pháp nhân vay TPbank. Phan Thành Mai đã giới thiệu 3 công ty thì ông Danh chọn Quỹ Lộc Việt. Sau đó, ông Danh tổ chức họp những người trong VNCB và đích thân mời Nguyễn Việt Hà (giám đốc Quỹ Lộc Việt) sang dự họp.
Ông Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương soạn thảo biên bản họp,Trần Đình Quyết liên hệ với Quỹ Lộc Việt để lựa chọn các công ty, thống nhất số tiền vay của từng công ty, chi tiết hóa các nội dung, thủ tục và hồ sơ liên quan. Từ đó, TPbank cho 11 công ty vay 1.666,8 tỉ đồng.
Bắt tay với ông Trầm Bê
Tương tự "hành trình" đóng vai giám đốc để vay vốn ở TPbank và BIDV, 6 người khác cũng đứng tên giám đốc, ký hàng loạt hồ sơ nhưng không biết nội dung ký là vấn đề gì, hồ sơ như thế nào.
Từ những hợp đồng này, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên hợp thức hóa hồ sơ vay vốn của Sacombank như thống nhất với ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (nguyên tổng giám đốc Sacombank) từ trước. Sau khi Sacombank giải ngân 1.800 tỉ đồng, 6 giám đốc được thuê này chuyển toàn bộ số tiền đã vay từ Sacombank cho ông Phạm Công Danh rút ra sử dụng.
Bình luận (0)