Tối 22-7, Tòa án Quân sự Trung ương kết thúc xét xử phúc thẩm và đưa ra mức hình phạt đối với 16 bị cáo (cựu sĩ quan, cán bộ quốc phòng và chủ doanh nghiệp) trong đường dây sản xuất, buôn bán 54 triệu lít xăng giả. Vụ án xảy ra ở Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) và một số công ty, đơn vị khác. Tại cấp phúc thẩm, 14/16 bị cáo kháng cáo kêu oan, xin đổi tội danh hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.
Trục lợi 962 tỉ đồng
Tòa phúc thẩm chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo. Trong đó, HĐXX quyết định giảm từ 8 xuống 7 năm tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" đối với bị cáo Trần Văn Đồng (cựu đại tá, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô). Tổng hợp với 1 năm tù giam về tội "Giả mạo trong công tác", mức án tổng hợp là 8 năm. Ba bị cáo khác được giảm mỗi người một năm tù. HĐXX phúc thẩm ghi nhận thái độ thành khẩn, hợp tác trong quá trình điều tra hoặc tình tiết giảm nhẹ mới (thương binh...). Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo, HĐXX giữ nguyên hình phạt đối với những bị cáo còn lại.
Bị cáo Trần Văn Đồng (ngồi xe lăn) và đồng phạm được dẫn giải đến tòa
HĐXX kết luận khi là lãnh đạo, bị cáo Đồng làm giả bản sao quyết định nâng bậc lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, bổ nhiệm Lê Quang Hiếu Hùng (thạc sĩ, cựu công nhân viên quốc phòng, làm việc tại Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam) vào vị trí phụ trách kinh doanh xăng dầu. Nhờ đó, Hùng có điều kiện cùng đồng bọn pha chế 54 triệu lít xăng giả rồi bán ra thị trường, trục lợi khoảng 962 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, Tòa án Quân sự Quân khu 7 phạt Trần Văn Đồng 9 năm tù về 2 tội danh đã nêu. Phạm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả", Lê Quang Hiếu Hùng lãnh 12 năm tù, 8 bị cáo khác lãnh từ 5-11 năm tù. Cấp sơ thẩm xử phạt từ 5-7 năm tù đối với 6 bị cáo còn lại.
Không chấp nhận lý lẽ kêu oan
Tranh luận tại tòa, một số bị cáo đóng vai trò cộm cán trong đường dây trên tranh luận về vấn đề tội danh, khoản tiền trục lợi.
Tự bào chữa, Lê Quang Hiếu Hùng thừa nhận vai trò chủ mưu. Bị cáo trần tình: "Người tiêu dùng đã đóng thuế khi mua xăng giả. Song nhà nước chưa thu hồi số tiền thuế trên, có thể lên đến 200 tỉ đồng. Vì vậy, bị cáo mong HĐXX cân nhắc đổi tội danh của bị cáo thành "Trốn thuế".
Với lý lẽ không phạm tội "Sản xuất hàng giả", 4 bị cáo khác kêu oan. Những bị cáo này giải thích họ chỉ làm việc theo chỉ đạo.
Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Trường Sơn (thành viên HĐQT Công ty Đông Phương, phạm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả") cho rằng cấp sơ thẩm đánh giá không đúng người, đúng tội trong trường hợp bị cáo Sơn. "Bị cáo có thể là đồng phạm giúp sức sản xuất hàng giả nhưng buôn bán hàng giả thì không" - luật sư nhấn mạnh. Hồ sơ thể hiện giai đoạn 2015-2016, lợi dụng vai trò lãnh đạo, Sơn chủ động tìm nguồn tài chính nhập khẩu nguyên liệu; chỉ đạo cấp dưới sản xuất nguyên liệu pha trộn, sản xuất xăng giả. Sơn cùng đồng phạm làm giả 25 triệu lít xăng, có giá trị tương đương hàng thật 386 tỉ đồng.
Nhận định về hành vi của bị cáo Sơn, HĐXX khẳng định bị cáo bàn bạc, thống nhất với những bị cáo khác trong một chuỗi hành vi khép kín, từ sản xuất đến buôn bán xăng giả; phân công trách nhiệm, phân chia lợi nhuận. Điều này chứng tỏ bị cáo Sơn có 2 hành vi phạm tội như tòa sơ thẩm cáo buộc. Đồng tình với quan điểm đại diện VKS cùng cấp nêu ra liên quan đến 4 bị cáo kêu oan, HĐXX nhận thấy những bị cáo trên nhận thức chưa đúng nên cho rằng bản thân chỉ làm theo chỉ đạo, không có tội. Trong khi các bị cáo không được phép và không buộc phải thực hiện theo chỉ đạo sai trái từ người sử dụng lao động. Vì vậy, tòa sơ thẩm kết tội "Sản xuất hàng giả" là có căn cứ.
"Cấp sơ thẩm xét xử đúng tội, không có căn cứ xem xét tội danh "Trốn thuế" đối với bị cáo Hùng" - HĐXX nhận định về nội dung kháng cáo chủ mưu trong vụ án đề cập.
Bình luận (0)