Gần đây nhất, một xe kéo container chạy tốc độ cao trên Quốc lộ 13, gây tai nạn khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân tai nạn không phải do tài xế va chạm với phương tiện mà do container đột ngột văng xuống đường, đè trúng 2 vợ chồng đang chạy xe máy cùng chiều và 2 xe máy khác. Vụ tai nạn thương tâm khơi dậy nhiều tranh cãi xung quanh việc xử lý sau tai nạn, như: có thể khởi tố hình sự đối với tài xế, chế tài chủ phương tiện hay người điều khiển phương tiện…
Khó phạt tài xế
Không phải vụ tai nạn giao thông duy nhất có container là "thủ phạm" giết người. Tại Quốc lộ 30 (hướng đi TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), xe kéo container bất ngờ nổ lốp, đứt rơ-moóc phía sau khiến container lật sang bên phải đè lên một xe máy. Vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng - 3 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 1 bé trai 2 tuổi. Hay một xe đầu kéo chạy qua ngã tư ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) bị lật container ngay khu vực phương tiện di chuyển đông đúc nhưng may mắn không gây ra thiệt hại về người. Cũng ở tỉnh Bình Dương, 1 xe kéo theo 2 container khiến người đi đường hoảng sợ tột độ khi cả 2 container rớt xuống đường.
Hiện trường một vụ thùng container lìa khỏi xe ở tỉnh Bình Dương Ảnh: DI LÂM
Về việc xử lý người điều khiển xe kéo container để xảy ra sự cố container lìa khỏi xe kéo, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có đề cập trong một thông tư ban hành năm 2013. Thông tư này nêu rõ container được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn. Trong văn bản, Bộ GTVT cũng quy định rõ về xếp hàng hóa vào container cũng như xếp container trên xe kéo, bảo đảm container không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Người điều khiển xe kéo container chịu trách nhiệm khi phương tiện, container hay hàng hóa vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn và những quy định khác về xếp hàng hóa mà vẫn tiếp tục điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.
Tuy nhiên, pháp luật chưa có nội dung xử phạt cụ thể đối với hành vi làm rớt container xuống đường không gây thiệt hại về người và tài sản. Ghi nhận thực tế ở 2 vụ container rớt xuống đường ở tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng không xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở tài xế.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, cho biết hiện nay việc xử phạt đối với trường hợp xe kéo container không khóa chốt gù còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Qua kiểm tra, thanh tra giao thông phát hiện nhiều trường hợp xe khóa chốt không bảo đảm, như: tài xế không khóa chốt, khóa lỏng hoặc các chốt không khớp với nhau. "Tình trạng này rất nguy hiểm bởi khi xe di chuyển, chịu sự rung lắc, đặc biệt là khi ôm cua, container rất dễ bung ra ngoài. Dù vậy, hiện pháp luật chưa có quy trình xử phạt cụ thể đối với những sai phạm nêu trên. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở. Nếu xảy ra tai nạn thì có quy định rõ ràng, tùy mức độ sẽ áp dụng mức phạt tương xứng" - ông Khánh nói.
Xử lý hình sự nếu có người thiệt mạng
Theo tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, việc có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan CSĐT. Muốn xác định hành vi phạm tội, cơ quan chức năng sẽ căn cứ Bộ Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ cùng các văn bản hướng dẫn hiện hành. Luật sư cho rằng cơ quan điều tra cần đặc biệt chú ý đến nhiều chi tiết. Cụ thể, xe kéo container được xem là một nguồn nguy hiểm cao độ. Người điều khiển phương tiện này khi tham gia giao thông cần đáp ứng đủ điều kiện và được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cũng như mọi quy tắc nghề nghiệp. Sai lầm của tài xế container khiến người khác mất mạng. Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. "Bị hại không có lỗi vì họ không thể tự làm container lật, đổ vào mình dẫn đến tai nạn thương tâm" - ông Trạch khẳng định.
Luật sư Trạch dự đoán trong những vụ việc có tính chất như vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng khoản 2, điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015, quy định về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" trong quá trình giải quyết. Điều luật trên có khung hình phạt từ 3-10 năm tù. Trong trường hợp công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì người chịu trách nhiệm hình sự là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (xe kéo container). Ngoài ra, chủ sở hữu xe liên đới bồi thường nếu tài xế là người làm thuê.
Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự đối với người điều khiển container. Theo luật sư Hùng: "Việc chạy quá tốc độ khiến container văng xuống đường cho thấy tài xế không tuân thủ và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật trước khi sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng người khác. Sai phạm này có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng. Thậm chí, cơ quan xét xử có thể phạt tài xế hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 5 năm".
Sợ hãi và bất lực!
Theo nguyên tắc bắt buộc, sau khi xếp container lên sàn rơ-moóc, tài xế phải tuân thủ kỹ thuật chốt các gù (twistlock) để bảo đảm container không bị tuột khỏi xe. Mỗi container đều có các góc lắp ghép khớp với các chốt hãm trên sàn rơ-moóc. Nhưng trên thực tế rất nhiều tài xế điều khiển xe chở container hiện nay không tuân thủ nguyên tắc quan trọng này, hoặc chỉ chốt hờ 1-2 khóa.
Tài xế P.X.T (35 tuổi), người có kinh nghiệm lái xe đầu kéo hơn 7 năm cho biết khóa gù cố định chắc chắn container trên rơ-moóc. Khi được khóa kỹ sẽ không có chuyện container bị văng khỏi rơ-moóc lúc đang di chuyển, thậm chí khi xe phải qua các đoạn cua. Tuy nhiên, nhiều tài xế vì chủ quan nên viện cớ tiết kiệm thời gian di chuyển để không chốt khóa gù. "Đặc biệt là xe container ở TP HCM, rất ít cài chốt gù" - anh T. tiết lộ.
Từ tiết lộ của tài xế T., chúng tôi có mặt tại nút giao đường Nguyễn Duy Trinh - Nguyễn Thị Tư, đoạn ra vào cảng Phú Hữu và cảng SP-ITC (phường Phú Hữu, quận 9) vào chiều 4-11, quan sát chưa đầy 30 phút (từ 13 giờ đến 13 giờ 30 phút), chúng tôi đã thấy hơn 20 lượt xe không chốt khóa gù vẫn lưu thông giữa dòng người, xe tấp nập. Ghi nhận cụ thể là các xe đầu kéo biển số 51C24288, 51C66257, 72W00783, 60R00125, 51R22892, 51C45816, 60R04047, 50R02470, 51R11532...
Chiếc xe đầu kéo mang biển số 51R03802 không chốt gù vẫn lao băng băng trên đường đoạn từ Nguyễn Duy Trinh lưu thông ra đường Võ Chí Công, TP HCM Ảnh: Ý LINH
15 giờ 50 phút, theo đuôi chiếc xe container mang biển số 51R03802 đoạn từ Nguyễn Duy Trinh lưu thông ra đường Võ Chí Công, chúng tôi đã không ít lần thót tim khi xe lao băng băng qua những chỗ mặt đường gồ ghề khiến thùng xe liên tục bị hẩy lên xuống, va đập với sàn rơ-moóc phát ra tiếng kêu vang rền. Nỗi ám ảnh thùng container chỉ chực văng xuống đường khiến chúng tôi xuất hiện cảm giác ớn lạnh.
17 giờ, từ cầu Phú Mỹ hướng về đường Nguyễn Văn Linh, một chiếc xe đầu kéo mang biển kiểm soát 52R0040 chở theo 1 container 40 feet thả dốc cầu với tốc độ cao. Qua hết cầu, xe dừng khoảng 5 phút trên đường Nguyễn Văn Linh rồi tiếp tục di chuyển. Ở khoảng cách 1 m, chúng tôi dễ dàng quan sát được tất cả các khóa gù đều không được chốt. Thời điểm này trên đường có rất đông phương tiện lưu thông nhưng hầu hết đều cố lướt qua thật nhanh, tránh chạy song song chiếc xe này.
Khi nghe chúng tôi hỏi có sợ khi hằng ngày phải hai lượt "đi về cùng quan tài bay" hay không, anh Nguyễn Đông (ngụ quận 9) cho rằng không chỉ lo sợ mà là anh vô cùng ám ảnh và luôn tìm cách né xe container mỗi khi vào đoạn đường gồ ghề. "Những người như chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng có giải pháp thật mạnh và thật rõ ràng để xử lý về hành vi này. Còn bây giờ, tôi chỉ biết sợ hãi và bất lực trước tình trạng trên" - anh Nguyễn Đông nói.
Y.Linh - P.Trinh
Nghị định 46/2016/NĐ-CP nói rõ mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe.
(Tiến sĩ - luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH)
Bình luận (0)