Sáng 2-11, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai. Do vắng mặt, luật sư của một bị cáo có đơn xin HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Các bị can gồm ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh văn phòng; bà Nguyễn Thị Lựu, nguyên Kế toán, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, phó Chánh Văn phòng; bà Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi, kế toán.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai, từ năm 2013-2016, với động cơ lấy ngân sách nhà nước để chi vào mục đích chung của đơn vị, các bị cáo Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi đã lập dự toán kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai trùng dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng) và được cấp tổng cộng gần 2,4 tỉ đồng. Số tiền này đã chi hết.
Các bị cáo thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thất thoát ngân sách nhiều tỉ đồng
VKSND tỉnh Gia Lai nhận định, bị can Nguyễn Thế Quang có vai trò cao nhất khi là thủ trưởng đơn vị, biết rõ là sai nhưng vẫn ký vào các văn bản liên quan. Bị can Nguyễn Thị Lựu biết rõ là sai pháp luật nhưng vẫn tích cực tham mưu cho bị can Quang, mặt khác chỉ đạo bị can Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi lập dự toán kinh phí trùng, chi phí kinh phí trùng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Do vậy bị can Lựu là người thực hành đắc lực, có vai trò thứ hai trong vụ án.
Riêng bị can Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi vào năm 2015 đã phát hiện việc đưa 7 biên chế của vào lập dự toán là sai và loại ra. Tuy nhiên, bị can Lựu yêu cầu bị can Vi phải đưa 7 biên chế này vào để lập dự toán xin cấp kinh phí. Bản thân bị can Vi biết việc làm này là sai trái, nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của bị can Lựu.
Các bị can phạm tội nhiều lần nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên cũng được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khi tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Gia Lai, trong vụ án này còn liên quan đến các cá nhân tại Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, còn có những người đứng đầu HĐND tỉnh Gia Lai từ năm 2013- 2016, trong đó có ông Dương Văn Trang là Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai từ tháng 12-2015 đến hết năm 2016 (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum). Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai không đề nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai giai đoạn này do "không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng".
Đã khắc phục hậu quả 11,2 tỉ đồng
Trong vụ án này, quá trình kiểm tra, các cá nhân liên quan đã nộp ngân sách khắc phục hậu quả gần 2,4 tỉ đồng. Trong đó, bị can Nguyễn Thế Quang và bị can Nguyễn Thị Lựu nộp tổng cộng hơn 2,3 tỉ đồng và bị can Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi nộp 65 triệu đồng.
Đáng chú ý, lần này cơ quan tố tụng mới chỉ đưa ra xét xử việc cấp trùng dự toán đối với 7 biên chế gây thiệt hại gần 2,4 tỉ đồng. Riêng việc sai phạm tài chính, có dấu hiệu trục lợi khoảng 8,8 tỉ đồng (tổng cộng 11,2 tỉ đồng) mà UBKT Tỉnh ủy Gia Lai kết luận vẫn chưa được làm rõ.
Trong đó có các khoản như tiền tiếp khách không đúng đối tượng, nguồn kinh phí; hồ sơ không bảo đảm, không đúng thực tế với số tiền trên 3,5 tỉ đồng. Sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại, công tác an ninh không đúng quy định 1,185 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến năm 2016 đã lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền hơn 1,125 tỉ đồng. Hợp thức hóa hóa đơn để thanh toán 216 triệu đồng tiền quà tết, tiền ăn hội nghị 162 triệu đồng. Riêng tiền mua hàng hóa (bia, trà, cà phê, sữa, bánh kẹo, hoa...) được thanh toán không đúng quy định, hồ sơ thanh toán không minh bạch lên tới 2,5 tỉ đồng. Thậm chí, ông Nguyễn Thế Quang còn ký chứng từ thanh toán cho bản thân đi việc riêng bằng công quỹ trong năm 2015 là 43,7 triệu đồng…
Khi UBKT làm việc, bị can Quang nộp 4,85 tỉ đồng; bị can Nguyễn Thị Lựu nộp 4,84 tỉ đồng và số còn lại do một số cá nhân liên quan khác nộp lại tổng cộng 11,2 tỉ đồng.
Bình luận (0)