Ngày 14-1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), HĐXX tiếp tục mời các bị cáo lên trước bục tự bào chữa.
Đứng trước bục tự bào chữa, bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng -Quảng Trạch, cho rằng suốt thời gian điều tra đã cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra. Bị cáo có những hành vi chưa bị phát hiện nhưng đã tự nguyện khai báo, bởi cho rằng đấy là trách nhiệm của mình.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - Ảnh: Nguyễn Hưởng
Theo bị cáo Lương Văn Hòa, tại phiên tòa hôm qua 13-1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có bào chữa ý nói buộc tội cho bị cáo. "Ở đây là phiên tòa công khai, đề nghị bị cáo Thanh trong quá trình phản biện luận cứ không được buộc tội, cáo buộc bị cáo hay các bị cáo khác. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, anh có bao giờ nghĩ vì ai mà bao nhiêu con người phải có mặt ở đây chưa?"- bị cáo Hòa trách bị cáo Thanh.
Trước đó, trong phần tự bào chữa của mình chiều 13-1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng các đơn vị lớn như PVN hay như các công ty thành viên là PVC, bao giờ làm việc cũng dựa trên quy định pháp luật, quy chế, điều lệ hoạt động rất rõ ràng. Bị cáo hoàn toàn nhận trách nhiệm đã không đọc hợp đồng 33, vì vậy việc chuyển tiền là trong trách nhiệm của ban giám đốc.
Tuy nhiên, cáo trạng của VKS quy kết bị cáo chỉ đạo chuyển tiền nhưng không có một văn bản nào cho thấy điều này. Bị cáo Thanh cho rằng mình không muốn đổ cho cấp dưới, nếu để nhận mà họ không vào lao lý, bị cáo xin nhận nhưng luật pháp phải là luật pháp. Bị cáo Thanh mong muốn VKS chỉ ra cho bị cáo xem bị cáo chỉ đạo bằng cách nào.
Các bị cáo khai bị cáo chỉ đạo miệng tại các cuộc họp nhưng nếu chỉ đạo miệng thì vẫn phải đưa vào biên bản cuộc họp nhưng trong tất cả nghị quyết không có dòng nào cho thấy bị cáo chỉ đạo chuyển tiền cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Trịnh Xuân Thanh cũng khẳng định sau khi biết việc chuyển tiền sai, bị cáo đã có chỉ đạo nhanh chóng thu hồi và nghiêm cấm dùng tiền vào việc khác. Trong các cuộc họp, bị cáo cũng đã có ý kiến về vấn đề này.
Về tội tham ô, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định có các chứng cứ ngoại phạm, các lời khai của các bị cáo khác đối với hành vi này không rõ ràng.
Cùng ngày 14-1, người đại diện cho nguyên đơn dân sự là PVN cho biết đã lắng nghe đầy đủ phần tự bào chữa của các bị cáo, nhất trí với quan điểm bảo vệ quyền lợi cho PVN đã được trình bày trước toà.
"Nhiều bị cáo tại phiên tòa hôm nay nguyên là lãnh đạo PVN có nhiều cống hiến cho PVN và đất nước. Do vậy, với tư cách đại diện nguyên đơn dân sự, kính đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hình sự cho các bị cáo liên quan quyền dân sự của PVN"- người đại diện cho PVN đề nghị.
Tương tự, đại diện của PVC thiết tha đề nghị HĐXX cân nhắc giữa công và tội của các bị cáo để lượng hình cả về trách nhiệm hình sự và dân sự để các bị cáo sớm có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình, quay về với gia đình và xã hội.
Chiều 11-1, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị mức án như sau:
1. Đinh La Thăng: 14-15 năm tù.
2. Trịnh Xuân Thanh: 13-14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng": chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp là chung thân.
3. Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN): 12-13 năm tù.
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVN): 10-11 năm tù.
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN): 10-11 năm tù.
6. Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC): 8- 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái"; 18-19 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp từ 26-28 năm tù.
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 10-11 năm tù.
8. Lê Đình Mậu (nguyên phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù.
9. Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
10. Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên phó chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 7-8 năm tù.
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù.
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 17-18 tháng tù.
Nhóm bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản":
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 18-19 năm tù
16. Bùi Mạnh Hiến (nguyên chánh văn phòng PVC): 13-14 năm tù.
17. Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 13-14 năm tù.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng): 8-9 năm tù.
19. Lê Thị Anh Hoa (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch): 30- 36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
21. Lê Xuân Khánh (nguyên trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù, thử thách 5 năm.
Bình luận (0)