Các bị cáo trước vành móng ngựa
Sáng nay 5-9, TAND tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án mạng tại Quán Tiên, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) xảy ra vào đêm 14, rạng sáng 15-3-2013.
Từ sáng sớm 5-9, bất chấp trời mưa nặng hạt, từ 7 giờ sáng, một số người nhà và đông đảo người dân tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm tới vụ án mạng "quan tài diễu phố" từng gây chấn động dư luận địa phương và cả nước này đã có mặt ở tòa án để làm thủ tục tham dự. Lực lượng an ninh, hỗ trợ tư pháp tích cực đội mưa điều hành.
Từ 7 giờ 10, xe đặc chủng chở bị cáo tiến vào khu vực sân tòa.
Người nhà của nạn nhân Tuấn Anh không kìm nén được đau thương khi bước qua cánh cửa tòa, ôm nhau khóc nức nở. Bà Nguyễn Thị Hải (51 tuổi, mẹ của anh Tuấn Anh) vừa bước vào tòa đã gọi tên con, khóc gục trên ghế. Những người đi cùng không kìm nén được cũng liên tục kêu tên nạn nhân, khiến không khí nặng nề, bi thương.
Bà Nguyễn Thị Hải (mẹ nạn nhân Tuấn Anh) khóc ngất tại phiên tòa đang được người nhà chăm sóc
Anh Nguyễn Văn Nam, em ruột của nạn nhân Tuấn Anh, ôm chặt di ảnh của anh trai trong tay, mắt nhìn nháo nhác vì tình trạng hỗn loạn ban đầu khi mọi người bị kích động.
Riêng chị Nguyễn Minh Thương, vợ của anh Tuấn Anh, ôm con ngồi khóc bên ngoài phòng xử án, dỗ cho cháu bé Nguyễn Huyền Hà Vy - con gái Tuấn Anh mới 5 tháng tuổi - vẫn đang trong giấc ngủ sớm. Tên Hà Vy là do bố cháu đặt khi chị Thương đang mang bầu. Lúc cháu ra đời, bố cháu mất đã được 1 tháng.
Cháu trai lớn là Nguyễn Hàn Thái Tú (3tuổi) khoác áo tang được một người họ hàng bế bên ngoài hành lang. Từ khi bố mất, cháu được gửi sang ở với bà ngoại để bà trông cho mẹ chăm em. Cháu quá nhỏ để hiểu mọi chuyện, song ánh mắt đượm buồn của Tú khiến những người nhìn vào khó kìm nén nổi xúc động.
Cháu Nguyễn Hàn Thái Tú (3tuổi), con trai lớn của nạn nhân Tuấn Anh
8 giờ 5 phút, các bị cáo được dẫn giải vào trong phòng xử án khiến khung cảnh trở nên nhốn nháo. Người nhà của nạn nhân nhào cả về phía các bị cáo đòi xử tử tất cả bị cáo khiến lực lượng hỗ trợ tư pháp phải rất vất vả để giữ trật tự cho phiên tòa.
Các bị cáo đều trong đồng phục sáng màu, tóc tai gọn gàng, ánh mắt sắc lạnh cúi đầu ngồi vào các vị trí dành cho bị cáo. Thỉnh thoảng các bị cáo ghé mắt nhìn trộm người nhà nạn nhân. Cháu Hà Vy tỉnh giấc bởi quá nhiều tiếng động, ngơ ngác nhìn quanh.
Đến 8 giờ 35, phiên tòa bắt đầu với phần công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và tiến hành các thủ tục kiểm tra căn cước các thành phần tham gia phiên tòa.
Trong buổi sáng, người nhà nạn nhân là chị Nguyễn Minh Thương, và chị Thuỷ (đại diện cho bà Nguyễn Thị Hải - mẹ nạn nhân Tuấn Anh) đề nghị hoãn phiên toà để tìm hiểu thông tin về HĐXX. Luật sư Lê Thị Oanh bảo vệ cho gia đình bị hại đồng ý với ý kiến của những người đại diện bị hại vì cho rằng không có thời gian thẩm tra HĐXX có thuộc diện phải thay đổi hay không.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát Hoàng Văn Dũng và HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa sau hội ý vì cho rằng, thành phần HĐXX như vậy là đúng quy định, không thuộc các trường hợp phải thay đổi. Do đó yêu cầu hoãn phiên toà là không cần thiết.
Trong phần xét hỏi, bắt đầu từ lúc 10 giờ 45 và trong buổi chiều cùng ngày, HĐXX tập trung làm rõ các tình tiết dẫn đến mâu thuẫn để xảy ra vụ án mạng trong đêm 14-3. Tuy nhiên, trong lời khai của các bị cáo đã có sự mâu thuẫn với nhau và khác với cáo trạng.
Bị cáo Nguyễn Duy Hiệp, em họ nạn nhân, phủ nhận việc chứng kiến toàn bộ sự việc như cáo trạng nêu
Bị cáo Phùng Đắc Tú khai chỉ cầm dao và hô “Đánh chết mẹ nó đi!”. Khi được HĐXX hỏi: “Tuấn Anh có nói với bị cáo đâu mà hô hoán đuổi nạn nhân?”, Phùng Đắc Tú trả lời: “Uống rượu vào thì hô như vậy”. Bản chất côn đồ của Phùng Đắc Tú được thể hiện rõ qua lời khai tại tòa. Vị chủ tọa hỏi bị cáo: “Lý do gì mà đuổi Tuấn Anh?” thì Phùng Đắc Tú đúc kết ngắn gọn: “Thích đánh nhau, dùng dao chém”.
Tuy nhiên, bị cáo Phùng Đắc Tú khẳng định không đánh anh Tuấn Anh như cáo trạng đã nêu. Khi HĐXX hỏi: "Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra hay lời khai tại tòa ngày hôm nay chính xác?" thì bị cáo Đắc Tú khẳng định: "Lời khai trước HĐXX và những người tham dự phiên tòa là chính xác". HĐXX tiếp tục hỏi "vì sao không làm mà vẫn nhận" thì bị cáo Đắc Tú đáp: "bị điều tra viên bắt nhận". HĐXX tiếp tục hỏi: "Vì sao không làm mà vẫn khai, vẫn nhận, bị cáo có biết điều đó gây bất lợi cho bị cáo không?", bị cáo Phùng Đắc Tú đáp: "có". Nhưng khi HĐXX hỏi: "Bất lợi thì vì sao bị cáo vẫn nhận" thì bị cáo Đắc Tú không trả lời mà im lặng.
Tương tự, bị cáo Đặng Quốc Tú không thừa nhận đuổi đánh Tuấn Anh mà chỉ nhận “vào can ngăn”. Sau đó, bị cáo trở về ngôi nhà 4 tầng ngủ và không liên lạc với ai.
Với Phùng Mạnh Tuấn, bị cáo này thừa nhận không có mâu thuẫn thù hằn gì và chưa bao giờ gặp Tuấn Anh. Phùng Mạnh Tuấn khai chỉ có Hiệp biết Tú, Hiệp mời Tú uống rượu nhưng Tú không uống. Sau khi thấy Phùng Đắc Tú hô, Phùng Minh Tuấn đã dùng con dao đuổi theo anh Tuấn Anh, anh Tuấn Anh chạy ra quốc lộ 2A. Khi Tuấn Anh vấp ngã thì Phùng Mạnh Tuấn cũng vấp ngã theo, rồi Tuấn Anh nhảy xuống kênh nước.
Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn khẳng định mình chỉ cầm dao đuổi theo nạn nhân chứ không đánh nạn nhân như bản cáo trạng mà đại diện Viện Kiểm sát công bố. Phùng Mạnh Tuấn cũng khai nhận khi anh Tuấn Anh bị rơi xuống kênh nước, Mạnh Tuấn có cầm dao chém với xuống kênh nước. Đứng trước vành móng ngựa, Phùng Mạnh Tuấn tỏ ra ăn năn: “Bị cáo nông nổi, không suy nghĩ chín chắn, đánh nhau dẫn đến tử vong”.
1 bị cáo được coi là “mắt xích” của vụ án, chính là Nguyễn Duy Hiệp - em họ của nạn nhân - cũng khai như trong cáo trạng. Bị cáo Hiệp cho rằng việc đi uống rượu và xảy ra xích mích là chuyện bình thường. Hiệp khai không nhìn rõ ai đánh đấm Tuấn Anh. Ngay trong đêm đó thì bị cáo không nhận thức được vấn đề nhưng đến sáng hôm sau thì thấy có vấn đề.
Toàn cảnh phiên xét xử
Chiều 5-9, đông đảo người dân vẫn tập trung ở hành lang, cầu thang tòa án để theo dõi phiên tòa
qua hệ thống loa truyền thanh
Vị chủ tọa phiên tòa cùng HĐXX liên tục truy vấn các bị cáo, chỉ ra các mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo để làm rõ về cái chết của nạn nhân.
Đông đảo người dân vẫn kiên nhẫn theo dõi phiên tòa. Hàng trăm người ngồi bên ngoài hành lang, cầu thang của tòa án để lắng nghe qua hệ thống loa truyền thanh. Những người dân ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang dõi theo và trông chờ kết quả công minh, đúng người đúng tội từ phiên tòa này.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày (5 và 6-9), do Thẩm phán Đỗ Thế Bình làm chủ tọa phiên tòa. Luật sư Lê Thị Oanh (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, TP Hà Nội) là luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại.
Hội đồng xét xử vụ án
Các bị cáo ra trước vành móng ngựa để trả giá cho tội “Giết người”, gồm: Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983) cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992) cùng ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; Đặng Quốc Tú (SN 1980, đăng ký thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Bình (tức Bính "cong", SN 1997, cùng ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Hai bị cáo còn lại: Nguyễn Duy Hiệp (SN 1986, ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên) với tội Không tố giác tội phạm và Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992, trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tội Che giấu tội phạm.
Về trách nhiệm dân sự, theo cáo trạng nêu, gia đình nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu các bị cáo phải bồi thường khoản tiền là 221.825.000 đồng về chi phí tìm kiếm, chi phí mai táng, đồng thời yêu cầu các bị cáo có trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật đối với các tổn thất tinh thần, tổn thất về con người, tiền phụng dưỡng mẹ già, tiền nuôi 2 con nhỏ của anh Tuấn Anh đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, ngoài việc ông Phùng Đắc Hùng, bố đẻ bị cáo Phùng Đắc Tú, đã tự nguyện đến cơ quan điều tra nộp 10 triệu đồng, đến nay chưa có bị cáo và gia đình bị cán nào bồi thường cho gia đình bị hại.
Theo cáo trạng, tối ngày 14-3, anh Nguyễn Tuấn Anh đi uống rượu, hát karaoke cùng đồng nghiệp. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, anh Tuấn Anh và em họ là Nguyễn Văn Hiệp cùng nhau vào ăn đêm ở Quán Tiên (phường Hội Hợp).
Tại đây, 2 người gặp nhóm 6 người Nguyễn Văn Tình, Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Quốc Tú, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Bình, Đặng Quốc Tú đang ngồi ăn.
Chỉ vì 1 câu nói của anh Tuấn Anh, cả nhóm đã ùa theo truy sát anh này ra mương nước gần đó, dẫn đến việc người thanh niên này tử vong dưới mương nước. Không thấy con về, gia đình Tuấn Anh đã báo cơ quan công an. Vào sáng ngày 17-3, xác của Tuấn Anh được tìm thấy dưới cống mương nước ở phường Hội Hợp.
Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan công an kết luận nạn nhân tử vong do bị ngạt nước. Kết luận này khiến người nhà nạn nhân Tuấn Anh nghi ngờ. Bức xúc, người nhà nạn nhân cùng một số người dân đã mang quan tài nạn nhân đi diễu hành nhiều nơi ở TP Vĩnh Yên vào chiều ngày 17-3.
Chiều ngày 4-9, trước phiên xử diễn ra, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến thăm gia đình nạn nhân. Cả ngày hôm qua, Vĩnh Phúc ngập trong cơn mưa tầm tã kéo dài khiến người và cảnh thêm ảm đạm, thê lương. Khi chúng tôi đến nhà, chị Nguyễn Minh Thương - vợ anh Tuấn Anh - đã đi làm, chỉ có bà nội, mẹ và người cô của nạn nhân ở nhà.
Cô của nạn nhân Tuấn Anh cho biết: “Mấy hôm nay, nhiều người dân biết được lịch xét xử cũng hỏi thăm gia đình. Nhà tôi ở xóm ngoài, hôm nay vào đây thắp cho cháu nén hương để báo cho cháu mai lên toà cùng cháu”.
Sau khi Tuấn Anh mất, gia đình anh càng thêm khó khăn. Từ ngày con mất, mẹ đẻ Tuấn Anh ốm đau triền miên. Còn vợ của Tuấn Anh, dù chưa đến ngày phải đi làm nhưng con bé mới được 4 tháng thì đã xin đi làm trước để lấy tiền lo cho gia đình dù công ty cho nghỉ 6 tháng.
Nhìn chắt nội ngủ ngon lành trên võng, bà Phùng Thị Chấp (87 tuổi, bà nội của anh Tuấn Anh) cho biết lúc cháu ra đời, bố cháu mất đã được 1 tháng. Đứa con trai lớn của Tuấn Anh đã cho sang ở với bà ngoại để đỡ đần.
Bà Phùng Thị Chấp (87 tuổi, bà nội của anh Tuấn Anh) trông chắt nội để mẹ cháu đi làm
Bình luận (0)