"Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4" và "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024" do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp tổ chức đã khai mạc ngày 22-8, tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 600 đại biểu, trong đó có 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự chương trình.
Hiến kế phát triển đất nước
"Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài" có chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước". Các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…
Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thông tin về "Cơ chế, chính sách và kinh nghiệm thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào của địa phương". Các đại biểu kiều bào cũng đã có nhiều ý kiến, tham luận liên quan đến xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam; vai trò của trí thức kiều bào với hội nhập quốc tế trong khoa học của Việt Nam; trí thức trẻ kiều bào đóng góp cho khoa học - công nghệ tại Việt Nam…
Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu - đề xuất nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.
Đáng chú ý, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu còn đề nghị cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước…
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - mong muốn Chính phủ có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam. Chính phủ cũng nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép…
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho rằng cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư. Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch...
Luôn kề vai sát cánh
Lắng nghe những phát biểu tâm huyết của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến, chủ động có giải pháp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với vấn đề vượt thẩm quyền.
Thông tin về những định hướng lớn phát triển đất nước thời gian tới, trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ 3 thông điệp, cùng với 3 định hướng và 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. "Nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương, đất nước", đó là phương châm của Chính phủ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh...
"Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của kiều bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Các cấp, ngành, địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho kiều bào, doanh nghiệp ta ở nước ngoài đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại.
"Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta" - Thủ tướng Chính phủ nói.
Nguồn lực quan trọng
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết những năm qua, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tiêu biểu, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 230 tỉ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bên cạnh đó, kiều bào còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.
Ông NGUYỄN NGỌC MAI KHANH - kiều bào Nhật Bản, chuyên gia phát triển sản phẩm bán dẫn, Tập đoàn Samsung:
Cần phát triển nhân lực ngành công nghiệp vi mạch
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch hiện dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Để phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam, cần phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về ngành này; thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài...
Ông PETER HỒNG - kiều bào Úc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:
Nên huy động vốn của kiều bào bằng trái phiếu
Để thu hút đầu tư của doanh nhân kiều bào, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Quốc tịch, Luật Đất đai; tiếp tục quyết liệt đột phát cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, cải thiện môi trường đầu tư, chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết thủ tục đầu tư.
Chính phủ cũng cần xem xét huy động vốn đầu tư của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công. Đây là nguồn đầu tư minh bạch, có uy tín từ nhà nước sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn.
Ông TRẦN PHÚ THUẬN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người Việt Nam tại Nga:
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh
Hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức, biến cố và viết nên những trang sử chói lọi... Với kiều bào ở Nga, đoàn kết là sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn tại nơi xa xứ.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là một trong những kinh nghiệm quan trọng của người Việt Nam tại Liên bang Nga. Và có đoàn kết như vậy mới xây dựng, phát triển cộng đồng vững mạnh.
D.Ngọc ghi
Bình luận (0)