Ngày 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp (DN) lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đây được xem như "Hội nghị Diên Hồng" của khu vực kinh tế tư nhân.
Chung sức phát triển đất nước
Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, DN lớn như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, REE... đã đề xuất hàng loạt kiến nghị, dự án cụ thể để phát triển DN dân tộc Việt Nam lớn mạnh, chung sức, đồng lòng phát triển đất nước.
Một trong những đề xuất được Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng đưa ra là đối với nhà ở xã hội, cần có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì "hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội liên quan nội dung về 10% lợi nhuận". Tỉ phú Phạm Nhật Vượng nói: "Nếu DN làm nhà ở xã hội với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1 - 2 năm hoặc bán chậm 1 - 2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh".
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, đề xuất thể chế hóa với cơ chế đặc thù cho việc thu hút DN tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, khuyến khích DN tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…
Chủ tịch HĐQT Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển, đảo như Phú Quốc. "Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Nếu có cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới" - ông Đặng Minh Trường nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Group, khẳng định năng lực, sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn; đồng thời mong muốn Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy DN nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Đầu tư mạnh cho nông nghiệp
Nêu quan điểm Chính phủ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, bảo đảm tính khả thi, triển khai nhanh thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi.
Theo ông Lê Văn Kiểm, điều này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo mà còn thu hút các tập đoàn lớn sử dụng năng lượng sạch để được chứng nhận xanh cho sản phẩm của mình.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương đề nghị Chính phủ hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Thaco đang triển khai khu công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ và tin tưởng sẽ góp phần đưa ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Cơ sở để ông chủ Thaco tin tưởng là hiện DN trong nước đã sản xuất 35% - 40% chi tiết linh kiện, phụ tùng ô tô.
Về nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất với khu vực như Tây Nguyên, có thể chuyển đổi theo hình thức vừa trồng rừng vừa chăn nuôi; hình thành những khu liên hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi tuần hoàn. "Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam. Điển hình, thời gian vừa qua, người dân trồng sầu riêng rất tốt và đã xuất khẩu được loại quả này" - ông chia sẻ.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, kiến nghị Chính phủ tập trung đất đai, thu hút DN lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Cùng doanh nghiệp vượt khó
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ rất tin tưởng và tự hào về sự trưởng thành và lớn mạnh của DN Việt Nam. Chính phủ cam kết đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của DN; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu bãi bỏ giấy phép con để tránh sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ của DN; luôn lắng nghe, chia sẻ và chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng DN vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để DN yên tâm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp lắng nghe, giải quyết dứt điểm các khó khăn của DN, vì "tháo gỡ khó khăn cho DN cũng là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN phát triển là đất nước phát triển".
Thủ tướng lưu ý các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến DN để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xác định người dân và DN là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.
Về các kiến nghị cụ thể, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, DN và nhà nước.
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ cảm ơn các DN đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc, nhà máy điện, sân bay, nhà ở xã hội… Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các DN để thực hiện.
Qua hội nghị này, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng DN tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nhiều DN sẽ sớm vươn lên đạt tầm khu vực và thế giới, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP
Các báo cáo tại hội nghị cho biết sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986), Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới. Trong đó, DN, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Riêng kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỉ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chiếm khoảng 34%.
Hiện có một lực lượng DN tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sovico, TH...
Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hội nghị này nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước việc cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm đình trệ sản xuất - kinh doanh tại một số địa bàn, DN, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô, Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất những chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với DN, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ; đồng thời có giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, DN, với tinh thần "tương thân tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" để có chính sách phù hợp, cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển DN và phát triển đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng người dân, DN; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngân hàng với tinh thần cầu thị để có giải pháp góp phần phát triển đất nước.
T.Dũng
Bình luận (0)