Sáng 12-12, Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức tọa đàm "Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn"
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM, cho biết tọa đàm là cầu nối để các doanh nghiệp nêu ra những vướng mắc, đồng thời kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách phát triển du thuyền và kinh tế dịch vụ ven sông. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia cùng bàn luận, phân tích về chiến lược phát triển kinh tế ven sông của TP HCM trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TPHCM, nhấn mạnh một trong những điều đặc biệt của TP HCM là tính chất sông nước. Hệ thống sông không chỉ kết nối các tỉnh, thành mà còn hướng biển, tạo nên tính chất cởi mở về văn hóa và quyết định tiềm năng kinh tế của TP HCM.
Bà Hậu lưu ý việc phát triển du thuyền, kinh tế ven sông của TP HCM phải quan tâm đến sự thuận lợi cho cư dân TP. Bà lấy dẫn chứng vùng Bangkok của Thái Lan, việc phát triển giao thông thủy trước hết phục vụ cho người dân, sau đó mới nâng lên phục vụ du lịch. Tương tự là du lịch trên sông Saine - thủ đô Paris (Pháp) và thành phố có thể học được, áp dụng cho khu Chợ Lớn trước.
"Phát triển du lịch cộng đồng phải bắt đầu từ ý thức, sự hiểu biết và tự hào của cư dân TP đối với đặc thù vùng miền của mình. TP HCM có hệ thống kênh rạch, sông ngòi rộng lớn nên phát triển kinh tế ven sông không chỉ dừng lại kết nối đến tỉnh Bình Dương, Biên Hòa mà mở rộng đến Tây Ninh, vùng Tây nguyên, kết nối miền Đông với miền Tây", TS Hậu nói.
Theo Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TPHCM, hiện nay nhiều doanh nghiệp ở TP khi phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu lợi nhuận và không quên trách nhiệm với cộng đồng. Để việc phát triển ven sông bền vững thì không nên chăm chăm nhìn vào 2 bên bờ sông nhằm phát triển bất động sản vì dễ gặp phải những sai lầm như trước đây. Thay vào đó phải chú trọng phát triển mặt sông,
Điều này không chỉ DN hưởng lợi mà còn tạo hệ sinh thái cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan 2 bờ sông.
Tại tọa đàm, nhiều DN du lịch cũng cho rằng TP cần có cơ chế để DN cùng chung tay xã hội hóa các bến tàu, trên cơ sở đó mới phát triển các tuyến du lịch thủy.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, thành phố hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 ca nô, tàu gỗ nhỏ. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch TP.
Số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
Dự kiến, doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến thành phố bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Theo Sở Du lịch TP, tiềm năng phát triển du lịch thủy của TP HCM còn rất lớn, tuy nhiên để đảm bảo phục vụ tốt du khách, TP cần đầu tư cơ sở hạ tầng như bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, có cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch.
Song song đó là đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy. Cụ thể như hoạt động chèo Sup, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật (đờn ca tài tử), nhạc nước và kết hợp nhiều phương tiện cho du khách trải nghiệm như đi tàu, đi xe buýt 2 tầng, xe đạp…
Bình luận (0)