Không muốn nghĩ "chỉ đi một tỉnh coi như biết đủ về đồng bằng sông Cửu Long" như lời đánh giá của nhiều người, chúng tôi đã thực hiện các chuyến du lịch về miền Tây Nam Bộ.
Nhiệt tình hướng dẫn
Nghe nói ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có những điểm đến khá độc đáo như làng dệt choàng (khăn rằn) Long Tả, vườn nho rộng mấy mẫu, bãi tắm cồn Long Khánh… nhưng lúng túng về đường đi, chúng tôi tìm cách liên hệ với địa phương nhờ hướng dẫn.
Ông Mohamad hướng dẫn khách tham quan một thánh đường Hồi giáo ở Châu Phong
Nhận cuộc gọi điện thoại, tuy chưa từng quen biết, bà Trương Thị Thu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự - vẫn vui vẻ tiếp chuyện, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đường đi từ TP Cao Lãnh về huyện này. Thấy chúng tôi có vẻ lúng túng ở quãng đường từ phà đến làng dệt choàng, bà Thạnh nhanh nhảu: "Các chị qua phà rồi cứ đến UBND xã Long Khánh A, bên em sẽ dẫn đến làng dệt choàng".
Chúng tôi nói ngày dự định đến làng dệt choàng rơi vào thứ bảy, e là hôm UBND xã không làm việc. Bà Thạnh khẳng định: "Chị cứ yên tâm, bởi khách du lịch đến một làng nghề xa xôi là điều đáng quý nên ngày nào khách đến thì bên em cũng hỗ trợ".
Quả thật, chúng tôi rất biết ơn bà Thạnh. Nếu không có cô Duyên - chuyên viên Văn phòng UBND xã Long Khánh A - dẫn đường thì chúng tôi đã không có được buổi tham quan làng dệt choàng Long Tả thật chi tiết, hấp dẫn.
Duyên không chỉ dành cả ngày thứ bảy được nghỉ để đi cùng chúng tôi mà còn liên hệ trước với anh Phạm Thanh An - Giám đốc HTX Dệt choàng Long Khánh - đưa cả đoàn đến các hộ dân tìm hiểu từng công đoạn dệt nên tấm khăn rằn choàng. Lúc đầu chỉ tính mua khăn làm quà nhưng đến nơi, bất ngờ với rất nhiều đồ may từ vải khăn rằn đầy màu sắc, thế là chúng tôi mua thành từng bộ thời trang độc đáo.
Du khách giao lưu với học sinh trong một lớp học tiếng Ả Rập ở Tây Nam Bộ
Rất vui với sự nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi thấy không tiếc công đến một làng nghề đặc biệt như thế. Sau khi rời làng dệt choàng ở xã Long Khánh A, Duyên đã dẫn đường cho chúng tôi đến vườn nho Ba Tuấn - cùng trên cồn Long Khánh. Cô còn chỉ đường cho chúng tôi đến bến phà qua thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, xong mới chia tay.
Sang thị xã Tân Châu, đến làng Chăm Châu Phong vào chiều thứ bảy, chúng tôi phải tìm chỗ nghỉ lại đêm. Chúng tôi dự tính chủ nhật sẽ đến tham quan những thánh đường Hồi giáo và tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người dân làng Chăm.
Chúng tôi cũng phải tìm sự hỗ trợ của địa phương. Mạo muội gọi điện thoại đến UBND thị xã Tân Châu, chúng tôi được bà Trần Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã - giới thiệu gặp ông Nguyễn Văn To, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong.
Ông To lại nhiệt tình giới thiệu ngay một nhà nghỉ trong làng Chăm Châu Phong để thuận tiện cho chúng tôi nghỉ ngơi và đi lại giữa các điểm tham quan. Chưa hết, ông To còn nhờ ông Mohamad - chủ một cơ sở thổ cẩm truyền thống, là người hiểu biết nhiều về làng Chăm Châu Phong và những nghi thức tôn giáo ở các thánh đường Hồi giáo - hướng dẫn chúng tôi đi tham quan.
Thật xúc động, khi chúng tôi vừa đến nhà nghỉ Tường Lam, ông Mohamad đã đợi sẵn để đón đoàn. Với sự sắp xếp lịch trình của ông, chỉ trong một ngày, chúng tôi đã tham quan 4 thánh đường; được tìm hiểu thật nhiều phong tục ở làng Chăm, những quy định, nghi thức ở thánh đường; được chứng kiến những lớp học tiếng Ả Rập của trẻ em người Chăm và thưởng thức bánh bò nướng chảo hay mua sắm các món hàng độc đáo của làng Chăm.
Không rõ các công ty lữ hành đã có được một lịch trình đưa du khách đến nhiều điểm như chúng tôi từng tham quan, trải nghiệm ở làng Chăm Châu Phong với sự hướng dẫn của ông Mohamad, hay chưa?
Bao điều thú vị
Được biết ở Cà Mau có Câu lạc bộ kể chuyện bác Ba Phi, chúng tôi lại đến địa phương này. Tìm mãi không thấy đơn vị lữ hành nào có tour đưa khách đến thăm nhà bác Ba Phi, chúng tôi lại đánh bạo liên hệ Trung tâm Văn hóa - Truyền thông - Thể thao huyện Trần Văn Thời.
Câu lạc bộ kể chuyện bác Ba Phi biểu diễn phục vụ du khách
Lúc ấy, tuy đã 18 giờ ngày thứ bảy nhưng anh Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông - Thể thao huyện Trần Văn Thời, vẫn tiếp chuyện chúng tôi vui vẻ. Anh nhận lời ngay là trưa hôm sau sẽ cho các bạn ở câu lạc bộ kể chuyện đến tận nhà bác Ba Phi biểu diễn cho chúng tôi xem, hoàn toàn miễn phí.
Chúng tôi không ngờ mọi việc lại diễn ra nhanh chóng, thuận lợi như thế. Ngay trưa chủ nhật, chúng tôi đã được tiếp xúc những người trong gia đình bác Ba Phi. Các bạn trẻ trong câu lạc bộ kể chuyện mang đến cả dàn âm thanh và biểu diễn cho chúng tôi thưởng thức các tiểu phẩm về bác Ba Phi với những câu chuyện được cường điệu, gây bất ngờ và bật cười - đúng "chất" nhân vật trứ danh mà dân gian ngưỡng mộ.
Chưa hết, chúng tôi còn được tặng quyển sách về cuộc đời bác Ba Phi. Chúng tôi thật ấn tượng với sự nhiệt tình của các bạn trẻ Cà Mau. Họ chia sẻ mong muốn người phương xa biết nhiều hơn nữa về quê hương mình.
Chứng kiến cách chính quyền địa phương trân trọng từng khách du lịch tự túc, chúng tôi nghĩ làng dệt choàng Long Tả dẫu xa xôi, đường đi khó khăn; làng Chăm Châu Phong muốn đến phải chịu khó qua phà hay huyện Trần Văn Thời ở tận mũi Cà Mau không dễ đi… thì nhất định khách cũng sẽ tìm tới, để khám phá bao điều thú vị.
Trải nghiệm ngắn ngày
Theo các chuyên gia du lịch, xu hướng hiện nay là du khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình và đi nhiều vào ngày nghỉ cuối tuần. Đúc kết của các công ty lữ hành từ hai dịp lễ 30-4, 1-5 và Quốc khánh 2-9 vừa qua cho thấy ngay cả vào những thời gian được nghỉ dài ngày, phần lớn khách du lịch vẫn chọn đi 2-3 ngày là chủ yếu.
Vì vậy, địa phương nào có tiềm năng du lịch mà vị trí địa lý thỏa mãn cho du khách trải nghiệm ngắn ngày thì sẽ có lợi thế. Trong đó, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ được dự báo là khu vực sẽ thu hút du khách đều đặn, tăng trưởng tốt nếu tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Du khách thích thú với sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Tả
Điều quan trọng hơn nữa là nếu địa phương nào hình thành được bộ phận thông tin du lịch "thật sự có tâm và dễ dàng cho du khách tiếp cận" thì sẽ có thêm nguồn khách tự tổ chức đi du lịch - trào lưu của giới trẻ, gia đình có ô tô - ngày càng nhiều.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã công bố đường dây nóng (hotline) hỗ trợ khách du lịch nhưng chỉ có trên trang web của địa phương, khá khó truy cập để tìm thấy. Không ít tỉnh, thành làm tốt hơn, treo bảng công bố đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch ở nhiều nơi. Song, đáng tiếc là khi du khách gọi thì không có người nhấc máy nghe, hoặc đường dây nóng chỉ hoạt động trong ngày, giờ hành chính.
Ngày càng hiểu tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế, hầu như các địa phương trên cả nước bây giờ đều có bộ phận xúc tiến du lịch. Nhưng nhìn chung, việc xúc tiến chỉ mới nhắm vào tổ chức hội nghị, lễ hội, tham gia hội chợ du lịch để quảng bá. Trong khi du khách cần sự hỗ trợ thông tin nhanh chóng, kịp thời để lên lịch trình điểm đến thì bộ phận xúc tiến du lịch lại thiếu sự tư vấn tuyến điểm.
Một công đoạn sản xuất ở làng nghề dệt choàng Long Tả
Tuy chưa phải là những địa phương đã công bố đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch nhưng từ cách ứng xử của UBND xã Long Khánh A, UBND thị xã Tân Châu, UBND xã Châu Phong hay Trung tâm Văn hóa - Truyền thông - Thể thao huyện Trần Văn Thời, có thể thấy việc kết nối từ chính quyền địa phương đến các cơ sở trong dân và trên địa bàn rất tốt. Nhờ đó, những nơi này đã tạo nên một bộ phận xử lý nhanh, đưa đến cho du khách sự hài lòng, thiện cảm với du lịch địa phương.
Mong sao những địa phương có sẵn tài nguyên, có tiềm năng thu hút khách du lịch nhưng đang còn cách mở cửa hết sức "hành chính" đối với du khách hãy thay đổi cách ứng xử. Thái độ thay đổi, kết quả ắt sẽ thay đổi!
Bình luận (0)