"Không một giai đoạn nào khó khăn và thử thách trí tuệ và năng lực con người như chiến tranh. Tình huống hiện tại khó khăn không khác gì một cuộc chiến khi sức mua của thị trường giảm và có lẽ năm 2024 cũng không quá khả quan cho chúng ta", ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT chia sẻ với hơn 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một sự kiện gần đây.
Từ kinh nghiệm 33 năm sinh tồn và phát triển của FPT, ông Tiến cho rằng giai đoạn này các CEO cần chuyển từ quản lý, quản trị doanh nghiệp, sang "chỉ huy doanh nghiệp", tức chuyển doanh nghiệp sang tình trạng "chiến đấu".
"Hãy nói thẳng với tất cả nhân sự chúng ta rằng khó khăn các bạn đều biết, hiện nay không phải lúc lên đòi hỏi tôi 'Sao chưa tăng lương', hay 'Chị ơi, anh ơi, sắp đến Tết rồi, có thưởng hay không?'. Bây giờ là lúc trả lời câu hỏi 'Chúng ta có tồn tại hay không?'"
"Chúng ta không tồn tại qua Tết này thì đừng nói lương thưởng, ngay cả chỗ làm của các anh chị ngày hôm nay chưa chắc đã còn. Bất kỳ doanh nghiệp lớn hay nhỏ giờ đều cần siết chặt đội ngũ, đoàn kết lại, tiết kiệm tất cả các khoản chi phí, làm sao giữ được tiền mặt trong tay, làm sao giữ được từng khách hàng cũ… để duy trì hoạt động của mình"-ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, "thương trường là chiến trường", các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần học tập kinh nghiệm từ những binh pháp thế giới và từ chính lịch sử dân tộc để tồn tại và phát triển.
Trong binh pháp đều chia sẻ trong đánh trận việc cốt tử là "giữ vững trận địa". Trong kinh doanh, khi cả thị trường đều khó khăn, việc dốc thêm tiền vào các chiến dịch quảng cáo, sale... để mở rộng thị phần thường không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nguồn lực đó nên được đầu tư cho việc giữ vững từng khách hàng quen, thậm chí là phải đếm từng khách hàng quen, phục vụ họ thật tốt để tạo ra nguồn lực ổn định duy trì doanh nghiệp. "Tìm kiếm một khách hàng mới phải bỏ ra 10 lần so với việc duy trì khách hàng cũ", ông Tiến cho biết.
Để giữ được khách hàng cũ, theo ông, việc quan trọng là phải luôn "ngồi vào vị trí khách hàng" và "đặt mình vào vị trí đối thủ", tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng. Vì thế, không thể bán thứ mình có mà phải bán cái khách hàng cần, hơn nữa trong tình huống này, còn phải bán với mức giá mà họ có thể mua được.
Điều này sẽ tạo ra một thế trận vững chắc, khiến khách hàng hiểu và gắn bó với mình hơn. Trong binh pháp Tôn tử , đó chính là câu "Biết mình biết ta, trăm trận không thua".
Mặt khác, càng trong giai đoạn khó khăn, càng phải coi trọng việc bồi dưỡng nhân tài - những nhân sự quan trọng của công ty. Hơn nữa, không đào tạo những kiến thức cao siêu mà phải tìm kiếm những khóa học, kiến thức thật thực tế, áp dụng ngay vào quá trình quản lý doanh nghiệp và phát triển kinh doanh. Các cá nhân này sẽ hiểu rõ vì sao công ty vẫn giữ mình, vẫn đầu tư phát triển cho mình, từ đó vì công ty và sự nghiệp của cá nhân mà xông pha chiến đấu.
Lúc này, họ sẽ không còn là người đi làm thuê mà là đồng đội, đồng chí của lãnh đạo. Điều này cũng sẽ tạo ra sức bật cho doanh nghiệp sau này, khi khó khăn qua đi và đội ngũ cốt lõi đã được "huấn luyện" qua gian khó sẽ có được năng lực mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục thị trường.
Bình luận (0)