Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đối tượng trong đường dây rửa tiền (trái) bị Công an TP HCM bắt. Ảnh: HẠNH NGUYÊN
Văn bản của Văn phòng Chính phủ đã tóm tắt bài viết "Kiểm soát chặt để hạn chế doanh nghiệp "ma"", đăng trên Báo Người Lao Động ngày 1-7-2024.
Theo bài báo, từ vụ việc một người đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp ở TP HCM trong khoảng thời gian ngắn, báo chí đặt vấn đề về kẽ hở khá lớn về mặt pháp lý trong quy trình thành lập doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không kịp thời ngăn chặn việc một cá nhân dùng một căn cước công dân để lập 116 doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn.
Bên cạnh đó, việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý - cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh doanh.
Ý kiến luật sư trong bài viết cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định. Ví dụ, mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động.
Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM và các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin báo chí phản ánh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật, có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Bình luận (16)
Các cơ quan cấp phép cho thành lập công ty xí nghiệp thì phải tường xuyên đi kiểm tra xem họ có hoạt động kinh doanh gì không và ít ra cũng đến xem địa chỉ nơi công ty xí nghiệp đó có đúng không ? Chứ chỉ ký cho thành lập xong rồi bỏ mặc họ có hoạt động hay không thì chưa tròn trách nhiệm với chữ ký của mình
Học có lớp 2 lớp 3 cũng làm giám đốc công ty, chiêu trò của những kẻ lừa đảo và buôn hoá đơn cơ quan chúc năng cần làm mạnh !
Công ty được nhà nước cho cấp phép thành lập nên không gọi là Công ty ”ma". Công ty hoạt động phi pháp gọi là hoạt động trái pháp luật.
Cũng cần có nơi thu thập báo cáo các công ty ma. Ví dụ đến địa chỉ mà công ty đăng ký nhưng không phải doanh nghiệp mà nhà dân thì người dân đăng phản ánh lên đó. Và nhà nước kiểm tra thông tin, nếu có dấu hiệu ma thì công bố hay có biện pháp nào đó.
Luật doanh nghiệp ra đời cũng có những điều hay. Tuy nhiên, khi thành lập doanh nghiệp thì Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép. Vì không có sự bắt buộc doanh nghiệp phải có trụ sở thuê mướn, doanh nghiệp không phải đóng tiền ký quỹ. Vì thế ai muốn thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được. Thành lập doanh nghiệp cũng không đòi hỏi về bằng cấp... Vậy nên muốn thành lập doanh nghiệp phải có quy định rõ ràng chứ không thể dễ dàng như bây giờ. Họ lợi dụng kẽ hở này để lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn và làm ăn phi pháp.