Từ khi cầu Cửa Đại nối hai bờ hạ lưu sông Thu Bồn, tôi về các địa phương cực Đông huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) nhiều lần. Khác trước, mỗi khi đi cứu trợ lũ lụt ở Quảng Nam, muốn đến vùng này phải đi canô máy và thuyền lớn từ Hội An vượt sông hoặc chở hàng từ Quốc lộ 1 xuống thật cách trở.
Râm ran chuyện quy hoạch
Duy Nghĩa và Duy Hải là 2 xã cực Đông của Duy Xuyên. Bắc nhìn ra sông Thu Bồn, Tây là sông Trường Giang và âu thuyền Hồng Triều, Nam giáp xã Bình Dương của huyện Thăng Bình. Đường 129 nối cầu Cửa Đại về phía Nam rộng 4 làn xe chạy qua Duy Nghĩa và có thể đi thẳng đến Tam Kỳ. Giờ đây, những địa danh nổi tiếng như Trà Nhiêu, Hồng Triều, chợ Nồi Rang, bến cá An Lương, bến đò Duy Hải đã trở nên gần gũi.
Bến cá An Lương
Lần này, trước khi đi chợ Nồi Rang, chúng tôi trực chỉ bến cá An Lương sau khi qua cầu Cửa Đại. Nơi đó, mấy món đồ biển tươi rói mời gọi.
Đường ven bờ hạ lưu Thu Bồn có nhiều xe đi về bến cá. Khu neo đậu trước làng chài Duy Nghĩa ken dày tàu đánh bắt xa bờ về đậu từ An Lương, chạy dài xuống bến đò Duy Hải. Trong nắng gió mát dịu cuối tháng giêng, cầu Cửa Đại vắt ngang qua dòng sông như một cánh tay níu Hội An giàu có với một vùng cát nghèo khó từ nhiều thế kỷ.
Dân trong vùng bây giờ ngoài chuyện làm ăn thì râm ran về hai khu đô thị Duy Hải và Duy Nghĩa đang quy hoạch, chuyện đền bù giải tỏa và tái định cư, lo sẽ không còn đất sản xuất cho dù có nhà đã cầm cả tỉ tiền đền bù, lo con đi học gì để mai mốt xin việc trong các khu nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp đang hình thành.
Vợ chồng anh chủ quán "Hải sản 77" quen biết chúng tôi chỉ tay về phía xóm sau quán, nói: "Chỗ này quy hoạch làng chài của xã Duy Nghĩa, nên chúng tôi không đến nỗi ảnh hưởng như các nơi phải tái định cư. Nhưng miếng cơm manh áo hằng ngày thì còn phải lo như bao lâu nay, cũng đầu tắt mặt tối chớ chẳng dễ dàng chi, từ Tết đến giờ cũng ảnh hưởng dịch bệnh nên quán càng vắng khách".
Thì ra, cái giàu có của một vùng đất trong tương lai đâu dễ kéo theo những con người chân lấm tay bùn của vùng cát cháy này. Chưa kể các dự án chậm triển khai cũng để lại nhiều hệ lụy. Chợt nhớ phát biểu của Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống: "Xã có 2.200 hộ với gần 8.700 nhân khẩu sẽ là nơi nóng nhất trong việc sắp xếp, bố trí lại dân cư", còn trên cả tỉnh thì sẽ có "đại di dân" để tạo ra 50.000 ha đất sạch ven biển cho các dự án.
Dù "cuốn chiếu" là cách làm của Quảng Nam, nghĩa là có nhà tái định cư tới đâu mới giải tỏa di dời đến đó, nhưng xem ra cuộc sống người dân và công ăn việc làm của họ là chuyện không thể không kể đến! Cũng cần nói thêm, trong lúc giá đền bù nhà ở chỉ trên 1,5 triệu đồng/m2 thì giá đất tư nhân rao bán trên mạng xã hội ở phía Nam cầu Cửa Đại đã 15 triệu đồng/m2 (theo batdongsan.com/bandatduyhai).
Một đoàn khách Bắc Âu đi chợ Nồi Rang
Đi qua vùng di sản
Nhà Hội An học Châu Ái Nguyễn Bội Liên (1911-1996) sinh ở đất Duy Nghĩa này. Trong các di cảo để lại, ông có nhiều bài nghiên cứu liên quan danh xưng Faifo và Hội An. Căn cứ vào các di vật, di ngôn của quê mình, ông đoan chắc Faifo chính là Hải Phố đã có từ trước thời Gia Long, nằm ở phía Đông Nam Hội An ngày nay, cách 7 km theo đường chim bay.
Theo ông Nguyễn Bội Liên, "thương cảng Hải Phố xưa hiện nay thuộc thôn 2, xã Xuyên Phước, Xuyên Thọ. Thời Pháp thuộc đó là xã Trung Phường, thuộc tổng Thuận An, ở đây có ngôi chùa mang tên Thanh Lương Tự, kiến trúc theo lối Tàu. Hải Phố xưa là nơi đông đúc tàu bè Hoa, Nhật, Bồ đến buôn bán. Khi Cửa Khe bị bồi lấp, phố xá dời lên vạn Trà Nhiêu, nơi gặp nhau giữa các con sông Thu Bồn, Trường Giang và Ly Ly. Thời Pháp, vùng này gộp chung vào xã Duy Nghĩa… Theo các thầy phong thủy, Hội An là hậu địa, có xã hiệu, không bồi lở có mạch lâu dài, thuộc tổng Phú Triêm nên dời Hải Phố sau lại về đây…".
Ông Nguyễn Bội Liên cũng cho rằng "Hải Phố dời về Hội An trước thời Gia Long. Theo địa bộ Gia Long của hai xã Xuyên Thọ và Xuyên Phước (tức Duy Nghĩa và Duy Hải ngày nay) thì sông Thu Bồn nước chảy vào chợ Nồi Rang rồi quanh xuống Phượng Trì tới Trung Phường tức Hải Phố trước khi ra biển bởi Cửa Khe".
Bản đồ cụ Nguyễn Bội Liên vẽ
Ngay trên khu vực Trung Phường vẫn còn chùa cổ Thanh Long Tự là di tích khá điển hình còn lại của Hải Phố với nhiều hiện vật bằng gốm cổ, đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Chùa xây dựng trên một phế tích Chăm nhưng kiến trúc kiểu Tàu, xây dựng lúc nào chưa xác định nhưng ông Bội Liên cho biết đã trùng tu vào niên hiệu Cảnh Hưng (1740). Chùa nằm trước một cái bàu rộng gọi là bàu Sấu mà tương truyền từng là một âu thuyền. Khu vực này còn có nhiều giếng nước hình vuông từ thời Chăm, là nơi cung cấp nước ngọt cho các thuyền buôn viễn dương.
Ngược hướng Tây, băng qua đường 129 là tới chợ Nồi Rang - địa danh có từ trước triều vua Thiệu Trị. Tương truyền, khi khánh thành chợ thì có lão nông từ Quế Sơn đến trước chợ với một gánh nồi đất để bán. Gánh hàng bán đắt từ đó về sau, dân gian gọi là chợ Nồi Rang cho đến nay. Chợ còn nổi tiếng với một khu chuyên bán tro từ lúc trời chưa sáng để cung cấp tro cho người vùng cát cải tạo đất trồng rau. Đây cũng là chợ đầu mối rau quả của vùng Đông, tuy giá rẻ hơn rau Trà Quế nhưng sản lượng khá lớn.Từ năm 1992, chợ được xây dựng lại như ngày nay, đã trở thành chợ đầu mối cho cả vùng và cả cho Hội An nhờ giao thông đường thủy thuận lợi trước khi có cầu Cửa Đại.
Chợ Nồi Rang ngày nay rộng hơn xưa, buôn bán sầm uất, có cả tiệm làm nail, uốn tóc, cà phê internet, nhưng mỗi lần đến, tôi đều thích vào khu bán các loại bánh trái địa phương. Đến hết tháng giêng vẫn còn bán các loại bánh ít lá gai, bánh tét, bánh su sê dừa và vẫn đông người mua. Khu hàng hải sản tươi sống phía sau cùng chuyên bán nhiều loại cá biển từ các ghe thuyền ở An Lương đưa lên.
Chợ Nồi Rang ngày xưa còn gọi là chợ Mai vì đông vào buổi sáng, ngoài rau cải còn nổi tiếng với sản phẩm mắm Trung Phường, Cửa Khe. Chắc ngon lắm, mà ngày nay các cụ già còn nhắc lại câu hát theo lối đồng dao: "Hỏi chi gánh đó cô nường/ Tôi đi bán mắm Trung Phường, Cửa Khe/ Nói ra cho chị em nghe/ Tôi đi bán mắm Cửa Khe, Trung Phường/ Nói ra cho chị em thương/ Tôi đi bán mắm Trung Phường, Cửa Khe".
Mặt tiền chợ Nồi Rang
Trong vùng các xã Duy Nghĩa và Duy Hải còn có các địa danh cổ khác như Bến Tàu ở Trà Nhiêu Đông, nơi tập trung đội ghe bầu chở hàng tiếp tế ra Bắc vào Nam cho nhà vua đầu triều Nguyễn. Hằng năm, ghe bầu từ biển vào Cửa Khe để vào sông Trường Giang tránh bão hoặc làm vệ sinh, tu bổ tàu vào độ tháng 10 âm lịch hằng năm.
Dễ chìm lấp
Trong văn hóa dân gian vùng đất Duy Nghĩa, Duy Hải xưa còn có chuyện về đôi dép làm bằng mo nang hoặc mo cau để đi trên cát. Nhiều cái mo chằm lại, cột quai để đi cho khỏi nóng chân, tuy thời gian sử dụng chỉ chưa đến chục ngày nhưng giá rẻ nên được người dân tin dùng.
Cũng tại đây, vùng đất mà khoai nhiều hơn lúa, người dân ăn khoai quanh năm, một củ khoai cõng vài hạt cơm, nên có những câu ca dao như: "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm" hay "Khen cho Duy Nghĩa có tài, nấu sét chén gạo nồi hai cũng đầy!".
Xem ra đây là một vùng dày đặc các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử và dân gian, chưa được "đào bới" hết để bảo tồn cho mai hậu.
Chúng tôi rời Duy Hải, Duy Nghĩa và chợ Nồi Rang vào buổi trưa sau khi chào hỏi một đoàn du khách Đan Mạch đến thăm chợ giữa mùa dịch virus corona. Đoàn khách tỏ ra tự tin và thích thú khi vào chợ. "Nồi Rang lâu nay là một chợ quê ngoại ô Hội An thu hút nhiều khách châu Âu" - cô hướng dẫn du lịch nói với tôi.
Nhưng ấn tượng của chuyến điền dã đầu năm ở vùng đất phía Nam cầu Cửa Đại vẫn là những di tích văn hóa lịch sử sẽ dễ chìm lấp giữa "thương hải biến vi" của thời đại mới, nếu thiếu một nỗ lực khám phá và gìn giữ.
ĐƠN VIJI ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)