"KHÔNG GIAN SỐNG" là một khái niệm xuất hiện từ những năm 1940 ở Đức nhưng khoảng chừng 10 năm trở lại đây được nhắc đến nhiều hơn ở Việt Nam. Đó là một khái niệm tổng quát bao hàm nhiều không gian lồng ghép trong một không gian. Như đã biết, trước khi có con người thì không gian vật lý đã có từ lâu lắm rồi. Đó là một không gian ba chiều (cao, rộng, sâu) có giới hạn, hàm chứa trong nó có khí hậu, địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên, sau đó con người "cấy" vào đó các không gian nhân tạo như không gian kiến trúc, không gian kinh tế, không gian văn hóa - xã hội, không gian tâm linh. Và từ khi có con người sinh sống trong không gian vật lý ba chiều đó mà xuất hiện thêm chiều thứ tư là chiều thời gian. Mỗi không gian như vậy mang một giá trị nhất định với những bối cảnh cụ thể. Khi ai đó trong chúng ta gõ cồng chiêng ở đường Nguyễn Huệ hay bờ hồ Hoàn Kiếm thì đó chỉ là cái chiêng đơn độc. Khi chúng ta nói "Không gian cồng chiêng" có nghĩa là cái cồng chiêng đó phải đặt trong khung cảnh Tây Nguyên đại ngàn vời những cánh rừng xanh ngát, những dòng suối trong vắt, những vùng đất bazan đỏ rực, cộng thêm vào là cái nắng cái gió và cố nhiên là những chàng trai cô gái Tây Nguyên hào sảng, tự do, mạnh mẽ, cuồng nhiệt.
Nhà hát Thành phố. ảnh: Hoàng Triều
Khi đề cập đến không gian di sản ở Sài Gòn - TP HCM cũng vậy. Nếu mỗi công trình kiến trúc ở trung tâm TP HCM đứng riêng rẽ thì chúng không thật đặc sắc, chẳng hạn Nhà hát TP là bản sao của nhà hát Petit Palais ở Paris với quy mô nhỏ hơn, tương tự như thế từ nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Dinh Xã Tây (UBND TP), TAND TP, Bưu điện TP tuy có những nét độc đáo riêng, có sự pha trộn kiến trúc bản địa để phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nhưng nhìn tổng thể thì chúng mang dáng dấp của những công trình đã có ở Pháp. Ngay khi định phá bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thơ, các nhà quản lý cũng có lý khi nhận định tòa nhà này không đặc sắc và không đại diện tiêu biểu cho một trường phái kiến trúc. Điều này có phần đúng nếu xem xét công trình đứng riêng rẽ. Nhưng nếu đặt nó vào trong không gian kiến trúc và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội và dòng thời gian theo chiều dài lịch sử thì sẽ thấy được giá trị không chỉ của nó mà tất cả những gì xung quanh nó.
NGƯỜI PHÁP TIẾN HÀNH QUY HOẠCH TP SÀI GÒN một cách bài bản theo mô hình một TP ở Pháp bắt đầu từ năm 1862. Trên diện tích khá nhỏ, chỉ chừng 4,7 km2, người Pháp cho ra đời lần lượt các công trình kiến trúc bắt đầu từ công trình quân sự và sau đó là dân sự trong khoảng thời gian 10-15 năm. Điều thú vị là vị trí các công trình này được bố cục khá logic và thuận tiện cho người sử dụng (lúc đó là quan chức Pháp và công chức Việt). Công trình này cách công trình kia từ 500-700 m, thuận tiện cho đi bộ. Hãy hình dung, ai đó sau khi làm một thủ tục hành chính nào đó ở Dinh Thượng Thơ hay Dinh Xã Tây, có thể tản bộ sang Bưu điện TP gửi thông tin cho người thân, cuối tuần đến nhà thờ Đức Bà làm lễ hay xem hát ở Nhà hát TP, khi có bệnh ghé qua Bệnh viện Grall (còn gọi là Bệnh viện Đồn Đất, là Bệnh viện Nhi Đồng 2 bây giờ), khách phương xa tới trú ở khách sạn Continental, rảnh rỗi rủ nhau đi chơi chợ Bến Thành, đi vào Thảo Cầm Viên, chơi thể thao ở CLB Thể thao Sài Gòn (nay là Cung Văn hóa Lao động). Như vậy, nếu đứng riêng rẽ, công trình Dinh Thượng Thơ chưa phải là một công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc hay tiêu biểu cho một trường phái như nhiều người nhận định. Chỉ khi đặt nó trong một phông nền xã hội và không gian kiến trúc Pháp cách nay chừng 200 năm thì mới thấy được giá trị. Khi xem xét giá trị một công trình để giữ gìn tôn tạo hay phá bỏ thì không chỉ xem xét chính bản thân công trình mà cần đặt nó trong một không gian rộng lớn hơn, liên kết nó với các công trình khác, cảnh quan xung quanh và cả văn hóa bản địa.
Nhà thờ Đức Bà ảnh: Hoàng Triều
SAU HƠN 30 NĂM TÁI ĐÔ THỊ HÓA, TP này đã có những bước tiến dài trong phát triển nhưng cũng có những điều chưa được, một trong số đó là ứng xử với di sản. Do nhận thức chưa tới hay vì lý do gì khác mà chúng ta đã phá vỡ những không gian di sản do những người đi trước để lại. Nhà hát TP xưa kia có tầm vóc vừa phải mà lại rất nổi bật và đẹp sang trọng, bởi xung quanh là một không gian thật hài hòa. Nhưng rất tiếc, năm 1995, khách sạn Caravelle nằm ngay sát Nhà hát TP, chỉ cách một con đường rất hẹp, được tiến hành cải tạo và xây mới từ 3 tầng thành 45 tầng. Nhà hát được phục chế gần như nguyên vẹn, không sứt mẻ tí nào nhưng trông như một cái hộp diêm nhỏ xíu bên cạnh người khổng lồ cao chừng 200 m.
Ngày trước, người Pháp cố tình tạo ra một một thung lũng xanh (green valley) với một đầu là Công viên Tao Đàn và đầu kia là Thảo Cầm viên, các công trình ở khu vực này không được xây cao quá ngọn cây dầu và đương nhiên là thấp hơn Dinh Thống đốc (nay là Hội trường Thống Nhất). Nếu nhìn vào những bức ảnh xưa ta sẽ thấy các công trình này được xây dựng tuân theo các nguyên tắc cơ bản để bảo đảm cho chúng vừa đẹp đẽ, sang trọng nhưng lại rất giản dị. Các nguyên tắc đó là: giữ khoảng cách giữa các công trình xây dựng đủ xa, đủ rộng để công trình nào cũng phô diễn được tất cả vẻ đẹp của mình, không có công trình nào đổ bóng lên công trình nào; tiếp nữa là tất cả các công trình đều nhận được ánh sáng từ bốn phía làm cho các hình khối tròn, vuông nổi bật lên dưới ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn về đêm, và mọi người có thể quan sát được công trình từ các góc độ khác nhau, điều này rất quan trọng đối với các công trình theo trường phái Gothic, Roman, Hy Lạp cổ đại; cuối cùng thì các công trình này được tôn thêm lên bởi cây xanh, thảm cỏ, các trang trí ngoại thất và công trình phụ trợ kèm theo.
Nhà thờ Đức Bà là một trong số các công trình được coi là đẹp nhất TP, là điểm nhấn và là tâm điểm của thung lũng xanh. Với hình khối kiến trúc thanh thoát, hai chóp nhọn đối xứng vươn cao khiến nó nổi bật lên trên nền trời, phông nền của nó là rừng cây xanh của công viên trung tâm và tòa nhà Bưu điện TP thấp tầng cũng với phong cách kiến trúc cổ điển. Hơn thế nữa, nó lại nằm ngay ở điểm giao của hai trục đường chính là Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch. Nhưng điều đáng buồn là có thể do nhận thức chưa tới hoặc do bức bách về phát triển kinh tế và không loại trừ cả những thỏa thuận ngầm mà các hoạt động xây cất ở khu vực trung tâm đã làm cho toàn bộ khu vực thung lũng xanh bị biến dạng và các công trình kiến trúc này bị giảm đi giá trị. Mọi chuyện đổi khác từ năm 1999 khi cao ốc hiện đại đầu tiên xuất hiện. Đó là Diamond Plaza cao 25 tầng, bọc kính xanh, cách nhà thờ Đức Bà chưa đến 100 m. Công trình này mở đầu cho một cuộc đua xây chèn và đập phá các tòa nhà cũ để xây các tòa cao ốc mới cao hàng chục tầng, từ đó làm cho thung lũng xanh bị biến dạng và thế vào là một rừng ken đặc các khối vật chất bê-tông, kính phản quang, inox, nhôm, sắt nén chặt vào trong một khu vực chật hẹp theo quan điểm đô thị nén (compact city).
SO VỚI HÀ NỘI VÀ NHIỀU TP LỚN KHÁC như Bangkok, Jakarta, Bắc Kinh
thì Sài Gòn - TP HCM không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Một phần là do TP có tuổi đời còn khá trẻ, phần khác là do chiến tranh liên miên, thời gian tĩnh lặng để tập trung đầu tư vào những công trình tầm vóc không dài. Mặc dù vậy, hơn 320 năm hình thành và phát triển, TP này cũng có được một gia sản khá tươm tất với nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi được đi vào thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh vì vẻ đẹp hoàn mỹ của nó. Trong những năm chiến tranh, các di sản ấy không hề suy suyển, bởi chiến sự hầu như không diễn ra ở nội thành, một vài trận đánh theo mục tiêu không đụng đến các di sản kiến trúc, trừ 2 lần diễn ra ở Dinh Độc Lập. Điều đau xót là ở chỗ một loạt di sản lịch sử - kiến trúc bị biến mất lại diễn ra vào thời kỳ đô thị hóa nhanh từ sau năm 1990.
Mỗi hòn đá lát đường, mỗi hàng cây trăm tuổi đều có lịch sử và ký ức của nó, xin đừng phung phí! Ông Henry Chabert, Phó thị trưởng TP Lyon (Pháp), đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách "Sài Gòn 1698 - 1998: Kiến trúc, quy hoạch" với những dòng chữ cảm động: "TP này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng" (1).
Bình luận (0)