xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dòng sông 200 năm tuổi

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đó là sông đào Vĩnh Điện với những đóng góp không nhỏ từ khi cửa biển Hội An bị bồi lấp, tàu buôn nước ngoài phải vào lấy hàng ở cửa Hàn. Dòng sông này còn ẩn chứa những bài học về sự nghiêm minh của phép nước

Dài chỉ khoảng 30 km, sông Vĩnh Điện lấy nước sông Thu Bồn từ làng Câu Nhí bên dinh trấn Thanh Chiêm xưa để đổ ra sông Cẩm Lệ từ nguồn Vu Gia ở phía Tây chảy xuống, hợp thành sông Hàn của TP Đà Nẵng trước khi ra biển.

Nhà vua đích thân đốc thúc

Nếu tính từ phía Bắc, chỗ giáp sông Cẩm Lệ bên làng cổ Trung Lương, sông có tên là sông Cái đi qua các địa danh Trung Lương, Tùng Lâm, Cổ Mân, Phương Trà... thuộc 2 huyện Hòa Vang (nay là quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rồi nhập vào sông Thu Bồn. Sau khi hòa vào sông Cẩm Lệ của hệ sông Vu Gia để chảy vào sông Hàn, sông Vĩnh Điện mang theo nước sông Thu Bồn nên như có sứ mạng làm "ống thông nhau" ở hạ lưu hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, tạo nên mạng sông ngòi đặc sắc ở Bắc Quảng Nam.

Dòng sông 200 năm tuổi - Ảnh 1.

Một đoạn sông Vĩnh Điện

Cũng như sông Trường Giang ven biển phía Nam TP Hội An, sông Vĩnh Điện luôn trong xanh, chảy qua nhiều làng mạc trù phú và các di tích lịch sử như dinh trấn Thanh Chiêm, thành La Qua, lăng mộ nhà cách mạng Phan Thành Tài và các khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, Non Nước, làng cổ Cổ Mân sát TP Đà Nẵng.

Theo "Đại Nam nhất thống chí" và các tài liệu cũ, Vĩnh Điện hà nguyên là con lạch nhỏ hẹp. Năm 1824, vua Minh Mạng cho đào nới rộng từ làng Câu Nhí đến làng Cẩm Sa (dài 850 trượng), đặt tên là sông Vĩnh Điện. Năm 1825, vua sai thống chế Trương Đăng Minh lấy 8.000 dân phu đào chỉnh lý sông cho thẳng, mở rộng cửa sông để lấy nước từ Thu Bồn. Nhà vua đích thân đi kiểm tra, đốc thúc, động viên tận nơi. Sau 2 tháng thi công, công trình hoàn tất, vua sai đem bò, rượu khao thưởng quan, dân.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai đúc 9 đỉnh đồng (gọi là cửu đỉnh) để khắc các hình tượng núi, sông. Mọi vật không cần phải khắc đủ nhưng duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9 (như 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim…). Vĩnh Điện hà được khắc trên dụ đỉnh cùng các sông đào khác như Vĩnh Tế ở Nam Bộ, Cửu An ở Hưng Yên... Ca dao xứ Quảng vẫn truyền tụng câu: "Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng/ Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu".

Thủy lộ kinh tế

Theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, sông Vĩnh Điện còn gắn liền với những ghe bầu chở hàng hóa từ Hội An ra Đà Nẵng, đặc biệt là đường cát trắng và quế. Lượng xuất khẩu những năm cao điểm như năm 1842 là 1.400.000 cân đường cát và 20.000 cân quế được chở thẳng sang Batavia (nay là Jakarta), Tambalang (Indonesia), Luzon (Philippines), Ma Lục Giáp (Malacca)...

Ngày nay, sông Vĩnh Điện là tuyến chính về giao thông vận tải đường sông để vận chuyển nguyên vật liệu như than từ Nông Sơn, cát sạn từ sông Thu Bồn về Đà Nẵng. Với mực nước sâu bình quân 1,5 m và dòng chảy ổn định, rộng từ 80-150 m, mỗi năm sông Vĩnh Điện lưu chuyển khoảng 1 triệu tấn hàng hóa.

TS nho học Trần Đình Phong (1847-1920; từng làm đốc học Quảng Nam, Quảng Ngãi; là thầy dạy học của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến... và là tác giả bài "Quảng Nam tỉnh phú" nổi tiếng), nói về Vĩnh Điện, La Qua: "Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga/Xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ/Miếu thờ thánh, đền thờ thần, đồn bảo giữ gìn mọi nẻo/Sứ có quán, thương có cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu/Thành trì hùng tráng phiên châu, dấu tích đổi thay cõi vũ…".

Nhiều lần mở các bản đồ sông ngòi vùng Bắc Quảng Nam ra xem, tôi mới thấy để giữ mực nước ổn định cho thủy lộ Vĩnh Điện, ông cha ta đã đào hoặc khơi thông thêm các con sông Giáp Ba, La Thọ, Quá Giáng để lấy nước từ hạ lưu hệ sông Vu Gia chảy vào. Trên các sông này còn có những đập ngăn nước (ba-ra) để tưới cho những cánh đồng lúa lớn trong khu vực như các ba-ra Thanh Quýt, An Trạch, Bàu Nít. Một sự tính toán rất giỏi của bao thế hệ nhằm phục vụ dân sinh mà sau này chúng ta được thụ hưởng.

Hơn chục năm trước, các nhà kinh doanh du lịch từng khảo sát tuyến du lịch sông nước trên sông Vĩnh Điện đi từ Đà Nẵng đến Hội An, có điểm dừng chân ở thị trấn Vĩnh Điện để tham quan di tích quốc gia dinh trấn Thanh Chiêm - nơi từng là thủ phủ xứ Đàng Trong, nơi phát nguồn chữ Quốc ngữ và hiện có làng đúc đồng Phước Kiều, phố bê thui Cầu Mống nổi tiếng. Tiếc thay, nay vẫn chỉ trên giấy!

Ẩn chứa văn hóa đặc trưng

Trong lịch sử Việt Nam, các làng, xã, xóm, ấp đa phần hình thành ven sông - thủy lộ quan trọng thời chưa có ô tô, xe lửa. Từ làng ra sông thì có bến. Làng, sông, bến là những không gian cư trú sinh hoạt từ thời Chăm Pa đến Đại Việt. Ven bờ sông Vĩnh Điện cũng có những làng, trại, giáp (nhỏ hơn làng) nổi tiếng được ghi chép từ thời các cụ Dương Văn An, Lê Quý Đôn đến các tài liệu cổ như Bắc địa tấu (đầu thế kỷ XVII) hay Quảng Nam xã chí (trước năm 1945). May mắn là trong 66 làng cổ ở phủ Điện Bàn xưa, nhiều làng cũ hay các trại, giáp vẫn lưu giữ trong các văn bản hành chính hoặc dân gian.

Đi dọc Vĩnh Điện hà, tôi tìm được những đình làng đều thờ thành hoàng gần giống nhau là Đại Càn - Tứ Vị Thánh Nương rồi các tiền hiền của những tộc khai canh khai cư (gọi là tộc tiền hiền). Bà Đại Càn - Tứ Vị Thánh Nương là tín ngưỡng của cư dân sông nước vùng biển Lạch ở xứ Nghệ, thờ các nữ thần cai quản cửa sông, cửa biển và bảo hộ nghề sông nước. Tôi lại biết các giáp (từ nhất đến lục) đều nằm ở phía Bắc dinh trấn Thanh Chiêm và trở thành những xã hiệu từ thời chúa Nguyễn. Đa số các tộc tiền hiền của những làng dọc Vĩnh Điện hà đều là cư dân đến đây vào thời chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Quảng Nam từ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Ngày ra lệnh đào sông Vĩnh Điện, vua Minh Mạng đến tận nơi kiểm tra nhiều lần, có ngày ăn 100 miếng trầu ở hiện trường vì lo việc dân. Ông lệnh chém đầu viên quan lo việc hậu cần vì tham ô phần ăn để dân binh đói khát. Trong chỉ dụ đào sông, vua Minh Mạng nhấn mạnh là để bớt gánh nặng cho thần dân: "Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía Nam kinh kỳ..., phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc sức dân đâu". Mà thời ấy, lịch sử xác định là nền nội trị vững vàng, ranh giới quốc gia rộng mở nhất trong lịch sử dân tộc.

Nhớ sách "Quốc triều chánh biên Toát yếu" (Cao Xuân Dục 1908) từng chép những chỉ dụ của các vua đầu triều Nguyễn: "Nước là họp các làng mà thành. Từ làng đến nước, dạy dân nên tục, vương chánh lấy làng làm trước. Nhiều làng nhóm lại thành ra một nước, từ làng rồi mới đến nước; vậy nên vương chánh phải lấy sự dạy dân thành phong tục tốt làm trước. Lâu nay... việc chánh suy đồi, cho nên trong làng không có tục tốt, theo thói đã lâu, lại càng bại hoại lắm... mấy tên hào mục nhơn đó làm hại dân cùng, đến nỗi dân phải phiêu lưu là vì cớ ấy. Bây giờ phải châm chước sửa lại, bớt những điều thái quá, cho hiệp đạo trung bằng, để làm lệ thường trong hương đảng. Ấy là ý ta muốn trừ bỏ điều lệ mà dắt dân lên đàng văn minh đó".

Vĩnh Điện hà đã chứng tỏ đây là một công trình kinh tế - dẫn thủy nhập điền - phát triển văn hóa làng xã từ nửa đầu thế kỷ XIX. Đào một con sông như thế đâu có dễ nhưng đã nhanh chóng thành công bởi hợp lòng dân thời đó. Vĩnh Điện hà còn nhắc nhở chúng ta cả về bài học kỷ cương phép nước! 

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Dòng sông 200 năm tuổi - Ảnh 2. Dòng sông 200 năm tuổi - Ảnh 2. Dòng sông 200 năm tuổi - Ảnh 2. Dòng sông 200 năm tuổi - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo