Đường về xã miền núi Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi một trưa tròn bóng. Anh Phạm Đình Phong, chủ một ruộng dưa, đưa tay gạt mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm, nói: "Chờ đợi mãi, xe cũng đến rồi. Bà con tranh thủ bốc giùm dưa lên xe cho tui với".
Nỗi lo tăng dần
Nói xong, anh Phong cúi xuống, nhặt từng trái dưa, chuyển cho những người đứng gần đó chuyền dưa lên chất thành đống trên thùng xe.
Anh Phong quê ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ trước Tết Canh Tý 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Vũ Hán - Trung Quốc, anh quyết định vào xã Nghĩa Lâm thuê 1,5 ha đất trồng dưa.
Hồi đó, đã có người bàn tới bàn lui rằng biết đâu rồi dịch sẽ lan rộng đến nước mình, rồi thì bất đắc dĩ nhà nước phải đóng cửa xuất khẩu hàng qua Trung Quốc? Anh nghe thế, chỉ cười: "Dịch ở tận đâu đâu mà nói chuyện bao đồng". Thế nên, anh mạnh dạn vay vốn người thân 150 triệu đồng để thuê đất, mua hạt giống, phân bón, bạt và dựng lều ven ruộng để trồng dưa.
Những cây dưa được chăm bón chu đáo trên vùng triền sông ngày càng lớn thì nỗi lo của anh tăng dần, vì lời đồn đang trở thành sự thật. Khi dưa ở Tây Nguyên chín mọng không xuất khẩu được, ùn ùn đổ về Quảng Ngãi, chất đống bán lẻ dọc đường thì anh biết tai họa đã đến. Nhưng lúc này, sự thể "tiến thoái lưỡng nan", không lùi được nữa.
Anh Phong cứ chăm dưa và nghe ngóng về diễn biến dịch bệnh. Khi nhà nước đóng cửa biên giới, rồi sau đó xuất khẩu hạn chế một số thứ, trong đó có dưa, cũng là lúc ruộng dưa của anh chín. Anh mắc kẹt giữa "trùng vây", vì lượng dưa 65 tấn hái lên chất đống mà chẳng có tư thương nào để mắt tới.
Bí quá, anh Phong về thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) quê anh, nài nỉ người quen giải cứu giùm. Chờ mãi mới có chị Lê Thị Nguyệt, một người buôn dưa qua Trung Quốc, đến.
Song, chị Nguyệt nói: "Bây giờ dưa xuất khẩu qua Trung Quốc rất hạn chế. Các bác tài chẳng thích thú gì chuyện lái xe đến cửa khẩu rồi bị cách ly 14 ngày. Lâu rồi, chị chọn phương pháp "án binh bất động". Nhưng anh Phong nài nỉ quá, nể mối làm ăn quen biết nên chị Nguyệt cũng đánh xe vào. Kẹt là chị chẳng thể nào ra giá mua mà anh Phong cũng không thể đưa ra giá bán, vì dưa chất lên xe rồi phải đi bán lẻ ở các tỉnh, mà chuyện bán dưa lúc này thì chưa biết được bao nhiêu.
Cây chủ lực cũng... đuối
Không chỉ ruộng dưa của anh Phong, dọc trục Quốc lộ 1 từ TP Quảng Ngãi ra huyện Bình Sơn, chòi bán dưa đang được dựng lên khá nhiều. Những nông dân sau khi thu hoạch không tìm được mối tiêu thụ đành cất chòi che nắng mưa, chuyển dưa đến bán lẻ với giá 2.000-3.000 đồng/kg.
Mà đâu chỉ cây dưa hấu bi thảm, nhiều hộ nông dân trồng ớt cũng rơi vào cảnh "dở sống dở chết" bởi đầu vụ thu hoạch cách đây nửa tháng, nhiều địa phương đã liên hệ với các đầu mối thu mua ớt về chất trong kho lạnh chờ xuất khẩu nên giá thu mua cũng được 8.000 đồng/kg. Khi ớt chín rộ thì giá thu mua tụt xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg. Với giá này, chưa tính tiền đầu tư, chỉ tính công hái, mỗi ngày một lao động hái từ 20-25 kg, đem bán được từ 120.000-150.000 đồng, chưa bằng một công lao động phổ thông nên nông dân không còn mặn mà với cây ớt.
Ớt chín đầy ruộng ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng nông dân không thu hoạch vì giá bán quá rẻ
Cây trồng ngắn hạn mắc kẹt giữa "trùng vây" của dịch Covid-19 đã đành, 2 cây chủ lực của Quảng Ngãi xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc là cây mì và cây gỗ keo cũng chung số phận.
Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột mì xuất khẩu Quảng Ngãi Lê Văn Tâm xót xa: "Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi hiểu rõ nhu cầu bán mì của người dân nên mặc dù bột mì xuất khẩu gặp khó nhưng nhà máy vẫn thu mua để chế biến. Nếu trước đây giá thu mua 2.100 đồng/kg củ mì tươi thì công ty thu mua trong mùa dịch Covid-19 với giá 1.800 đồng/kg loại củ đạt 30% độ bột. Nhưng thu mua chế biến mãi mà không xuất khẩu được nên lượng bột tồn kho lên đến trên 110.000 tấn dẫn đến nhà máy cũng muốn vỡ trận rồi".
Giá thu mua củ mì tươi hạ đã đành. Nông dân sau khi bán làm đất xuống giống vụ mới thì lại bị bệnh khảm lá do virus làm cho 2.500 ha bị nhiễm bệnh nên hầu hết nông dân đang phải chạy tới chạy lui tìm giống mì sạch bệnh để trồng.
Còn cây gỗ keo cũng cùng số phận. Từ khi ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu hàng qua Trung Quốc ngưng trệ, dù các nhà máy vẫn tiếp tục thu mua gỗ dăm cây keo để chế biến nhưng giá thu mua từ 1,1 triệu đồng/ tấn giờ chỉ còn 950.000 đồng. Đã vậy, các doanh nghiệp thu mua gỗ dăm cũng chỉ thu mua cây gỗ loại 5 tuổi trở lên chứ không còn mua cây chưa đủ tuổi như những năm trước. Quảng Ngãi bạt ngàn rừng keo nên chẳng biết các doanh nghiệp có đủ sức để duy trì được bao lâu khi mua gỗ mà không xuất khẩu được?
Không thể khác được
Nông dân Quảng Ngãi từ lâu đã biết thực hiện "đa canh tác" để khai thác lợi thế các vùng đất. Vùng ven sông thì trồng ớt, trồng dưa; vùng cao hơn thì trồng mì, trồng cây keo. Bây giờ, khi dịch Covid-19 làm xuất khẩu ngưng trệ thì nhà nhà đều bị ảnh hưởng.
Ông Võ Minh Thạnh (ngụ thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) nói như than: "Khổ quá! Dịch cô vít, cô veo gì mà làm ảnh hưởng chuyện làm ăn quá chừng. Nông dân sống bằng cây ớt, cây dưa, cây mì, cây keo mà giá cả tụt dốc thế này thì ai chịu thấu".
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Nguyễn Quang Trung, thông tin: "Chuyện dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất thì địa phương đã nhận thấy từ khá lâu. Huyện đã liên hệ với một số tư thương, một số siêu thị để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhưng chỉ tính cây ớt, toàn huyện có đến 650 ha, sản lượng 15.000 tấn. Khi ớt thu hoạch rộ, lượng ớt quá nhiều nên chuyện giá thu mua sụt giảm là không thể khác được. Biết vậy, nên với cây ớt, huyện tiếp tục vận động tư thương mua sản phẩm của nông dân đem cấp đông tìm cách xuất khẩu, rồi liên hệ với các siêu thị để mua giải cứu cho bà con. Với dưa hấu thì huyện vận động Đoàn thanh niên, hội phụ nữ tham gia giải cứu, vận động người dân tiêu thụ giúp nông dân và tăng cường vận động tư thương thu mua, chuyển dưa hấu đến các tỉnh bạn để bán lẻ".
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Trước cảnh nhiều mặt hàng nông sản ứ đọng, các địa phương cần vận động nông dân trồng dưa hấu, ớt rải vụ, thay đổi tư duy trồng trọt ào ạt và chỉ hướng vào thị trường Trung Quốc; tổ chức quy hoạch luân canh vùng sản xuất dưa hấu, ớt gắn với việc chuyển đổi cây trồng; tăng cường việc sản xuất dưa hấu, ớt theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm xuất khẩu đến nhiều nước".
Về giải pháp để cứu nông dân, ông Bính cho hay: "Trước mắt, thời điểm này việc xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc hạn chế thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cần tăng cường việc cập nhật thông tin về giao nhận nông sản tại các cửa khẩu để thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, tư thương đóng gói xuất khẩu hàng hóa thuận lợi. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn việc liên hệ với các siêu thị trong cả nước để cung ứng nguồn hàng giải cứu nông sản ứ đọng cho dân".
Hộp thư tòa soạn
Cuộc thi phóng sự, ký sự 2019-2020 đã nhận được tác phẩm của các tác giả: Trần Văn Bé (Khi người ta trẻ), Nguyễn Tiến Nên (Ðau đáu với quê), Ðỗ Văn Dinh (Thung lũng hoa Thái Giàng), Mai Nam Thắng (Làng mình), Lê Công Hội (Ông cổ hủ xứ Mường), Chung Thanh Huy (Thắm màu làng chiếu Ðịnh Yên), Mạnh Hào (Ðể mình hát xẩm cho mà nghe!), Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Ðỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Ðà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)...
Trân trọng cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)