"Thôn Suối Bang, Suối Tứ… mới nghe cũng biết trước đây là đất rừng!". Tôi nói và giảm ga. Những hàng cây trước đó lướt nhanh, loáng thoáng, bây giờ rõ hơn.
Bạt ngàn màu xanh cây trái
Trần Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), dường như nghĩ điều gì đó nên không trả lời cho tới khi tôi dừng xe vì ngã tư trước mặt.
Lúc này, anh nhìn sang tôi, rành rọt: "Chỗ này là giữa thôn Suối Tứ, nếu chạy thẳng là núi Bể, cũng là nơi trồng rất nhiều cao su tiểu điền và rừng lấy gỗ. Rẽ trái là đi thôn Suối Bang, nơi có suối Nước Mặn. Qua suối là đất Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ chỗ này chạy tới suối Nước Mặn có 151 ha nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng và khoảng 132 ha xoài Đài Loan ghép xoài Thái. Cũng từ chỗ này, rẽ phải sẽ vô chỗ trồng cây ăn trái loại có múi như bưởi, quýt, mít… Hơn 150 ha chứ không ít".
Tôi mở cửa xe, cùng An bước ra ngoài. Chung quanh bạt ngàn màu xanh của nhiều loại cây trái, kéo dài đến ngút tầm mắt. Không khí có mùi thơm cây trái quanh đây, của cây rừng còn sót lại, trộn lẫn với hương cỏ, hương của các loài hoa có tên và không tên trong đất. Mùi hương cùng màu xanh dễ làm người ta cảm giác rằng mình đang ở một nơi rất yên bình.
Trần Xuân An chậm rãi: "Hồi nãy anh nói Suối Tứ, Suối Bang là đất rừng. Chính xác! Thập kỷ 80 của thế kỷ XX, người Quảng Trị quê tui vô Thắng Hải lập nghiệp, còn vô rừng Suối Bang, Suối Tứ hầm than mà. Mọi thứ thay đổi sau khi nhà nước quyết định lập một dự án kinh tế - xã hội trên 400 ha rừng nghèo kiệt, vào năm 1990, nhằm giải quyết nơi ăn ở, sản xuất của đồng bào di cư tự do chục năm trước.
Kết quả là nhiều người miền Tây đổ xô đến Thắng Hải mua đất từ những người được dự án cấp. Nhiều người trong họ có kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Thế là những vườn nhãn giống mới, kỹ thuật thâm canh nhãn mới, được áp dụng tại đây. Sau nhãn là xoài, cao su. Có lúc, nhiều gia đình chặt nhãn, xoài, trồng cao su vì mủ cao su được giá.
Nếu không có cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng do được mùa mất giá, ham lợi trước mắt, diện tích cây ăn trái các loại của Thắng Hải phải trên 1.000 ha chứ không chỉ là 670 ha, trong đó hơn 500 ha cho thu hoạch như hiện nay.
Ông Võ Văn Sót trong vườn bơ trái vụ rộng 5 ha tại thôn Suối Bang
Gần thì say, xa thì nhớ
Tôi đang ở Thắng Hải, địa phương xa nhất về phía Nam của tỉnh Bình Thuận. Nơi cách đây 20 năm còn là xứ nghèo, dọc xã hơn 10 km không có nổi một tiệm ăn, người đi đường phải thóp bụng, cố gắng chạy qua suối Nước Mặn, sang đất Bình Châu để mua cơm.
Năm nào đó của tuổi thơ tôi, nơi này còn là rừng nguyên sinh. Có đường thiên lý Bắc - Nam chạy qua. Thi thoảng một vài bóng người đi lại, u mang nỗi niềm cô quạnh vì bốn bề tịch liêu, hoang dã. Đây là con đường mà cụ Nguyễn Thông, khi giữ chức Hàn lâm viện tu soạn dưới triều Tự Đức, trong chuyến đi từ Long Thành ra Phước Tuy (Bà Rịa), tới Bình Thuận đã cảm thán viết: "Ve kêu tự chốn nào?/Về tối giọng thêm sầu/Khách đi mệt muốn nghỉ/Vắng vẻ chốn rừng sâu!/Bên đường hổ đói thét/Mảnh áo giọt sương thâu".
May mắn, chuyến đi này tôi gặp An. Mới ngoài 50 tuổi nhưng An đã có hơn 30 năm làm nông dân, rồi cán bộ nông nghiệp, nên có sự hiểu biết của một thổ công.
An bảo cả xã có 1.510 hộ thì 800 hộ chuyên nghề nông. Thắng Hải có 6.078 nhân khẩu thì phần đông là gắn bó cả đời với cây ăn trái, thi đua sáng tạo, biến địa phương thành vùng cây ăn trái của Hàm Tân. Bây giờ, nói đến cây ăn trái ở Bình Thuận là phải nói tới Thắng Hải, nói đến nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Giữa một vườn nhãn xuồng ở Thắng Hải
Năm nào cũng vậy, trước Tết nguyên đán và 4 tháng sau đó, Thắng Hải là mùa xoài Thái ghép Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc, bơ trái vụ. Tháng 5, tháng 6 là mùa quýt đường. Không biết có nơi nào trên đất Bình Thuận có giống quýt trái to bằng quả banh nhỏ, vỏ mỏng sáng khi chín, múi đầy ngọt thanh? Quýt này con gái Bình Châu bên kia sông hay sang mua, nói là vắt nước uống vừa bổ vừa sáng da.
Tháng 7 tới tháng 10 là mùa nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu da bò. Đây là thời điểm ở Suối Bang đâu đâu cũng gặp màu trắng sáng của lưới trùm chống dơi ăn nhãn; mùa của chim tu hú, chim két đầu xanh mỏ đỏ từ núi Bể bay về, quần đảo suốt ngày trên những cây nhãn tán rộng, xòe ra như chiếc dù khổng lồ. Đây là mùa da thịt con gái Suối Bang suốt ngày ủ trong hương nhãn nồng nàn, ở gần thì say, đi xa thì lại nhớ, khiến những anh lái xe tải tuổi 19, 20 vào Suối Bang ăn hàng, cứ nấn ná lần khân chẳng muốn về.
Tháng 11 dương lịch trở đi, hương nhãn vẫn phảng phất trong những khu vườn còn sót trái, làm các cô gái càng thêm thao thức, nao nao dưới lớp chăn mỏng đắp hờ, trong khi bên ngoài dơi chưa thôi kéo từng đàn sục sạo, tìm kiếm suốt đêm. Sau tháng 11 là mùa mít Thái sớm. Mít Thái chạy chợ đường gần là La Gi, Hàm Tân. Sau thời điểm này đến cận Tết thì rộ bưởi da xanh.
Ông Trần Xuân An, Chủ tịch hội nông dân xã Thắng Hải, trong vườn bưởi da xanh của mình
Tôi hỏi: "Chủ vườn ở đây có chú trọng yếu tố sản phẩm xanh - sạch không?". An đáp nhẹ bâng: "Gần 100% chủ vườn hướng tới chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Họ ăn nên làm ra hay không là nhờ yếu tố đó". Rồi An quả quyết kéo tôi vào gặp Vũ Công Hoan.
Hoan là một chủ vườn, quê ngoài Bắc. Sáu năm trước, Hoan đến Thắng Hải, nghe kể chuyện làm vườn, sinh ham nên bỏ vốn làm vườn mặc vợ khuyên mở một hotel hạng sang vừa an nhàn vừa không phải đi xa.
"Mua 13 ha đất, tôi ngăn suối, đắp đập lấy nước. Thiết kế hệ thống tưới phun sương; dùng lượng lớn phân hữu cơ cải tạo đất trước khi nghĩ chuyện trồng bưởi da xanh’’ - Hoan kể.
Nhà Hoan yên tĩnh, rộng rãi giữa vườn bưởi. Những trái bưởi da xanh cuối vụ to bằng trái bóng, đong đưa chỉ cách chỗ tôi ngồi vài chục bước chân. Hoan cho hay có 9 ha bưởi da xanh với 3.600 cây và 4 ha nhãn trong vườn. Trung bình, mỗi cây bưởi cho 30 trái, mỗi trái khoảng 2,2 kg, giá bình quân 35.000 đồng/kg; mỗi cây thu trên 2,5 triệu đồng, tức gần 900 triệu đồng/ha. Hoan không dùng phân vô cơ, nên dù các đầu mối tiêu thụ kiểm tra ngặt nghèo đến đâu thì bưởi vườn ông vẫn được mua hết.
"Tết vừa qua, bưởi vườn mình đưa ra xe nào hết xe đó. Đến nỗi, khi tôi không bán nữa, dành một lượng trái giao cho một trung tâm xuất khẩu nông sản sang châu Âu vì họ đã ký tắt hợp đồng, thì thương lái kéo cả đoàn vào tận vườn".
Mắt thấy tai nghe
Chuyện cuối cùng trên đường về hơi màu sắc kinh tế một chút.
Trần Xuân An kể Thắng Hải sang đầu năm 2021 chỉ còn 35 hộ nghèo trong tổng số 1.510 hộ. Bình quân thu nhập người dân gần 40 triệu đồng/người/năm. Không thể quên Thắng Hải là từ một vùng rừng, người dân sống cơ cực, thiếu trước hụt sau, xoay đổi đủ nghề trong năm, chưa kể một lượng lớn con em ly hương và ly nông, tìm kiếm việc làm ở TP HCM.
Có như bây giờ là nhờ thay đổi giống cây trồng, hướng đến các loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, gắn với thị trường tiêu thụ nên Thắng Hải trở thành nơi sản xuất nông sản hàng hóa, tiêu biểu là giống nhãn xuồng cơm vàng đã có mặt trong các siêu thị lớn.
Bây giờ, về Thắng Hải là về với những điền trang từ 5-20 ha. Khoảng 50% dân Thắng Hải hôm nay là nông dân trên cánh đồng, khu vườn của chính mình, thì hôm sau có thể là công nhân của các điền trang với ngày công từ 300.000-350.000 đồng/ngày. Con đường đi lên của Thắng Hải, với vài chục tỉ phú gốc nông dân, tiêu biểu như Hà Thanh Chánh, Võ Văn Sót… thu nhập vài tỉ đồng hàng hóa/năm, cho thấy sức mạnh của một vùng quê, cũng như sự nhạy bén và cả lòng quyết tâm của những người lãnh đạo xã.
Trần Xuân An còn bảo tôi nếu được thì tháng 4, mùa xoài cát, hãy về Thắng Hải để mắt thấy tai nghe chuyện thương lái vào đây mua hàng như thế nào. Tôi hứa với An sẽ ghé lại vì muốn tìm hiểu chuyện ông phi công về hưu nắn suối, xây đập dâng thế nào để đủ nước tưới cho 13 ha cây trồng của mình trong những tháng nắng.
Bình luận (0)